Xúc động thời khắc trao tặng những tấm ảnh lịch sử ngày 30/4 của các nhà báo chiến trường

Những ca khúc bất hủ về ngày 30/4/1975 Giây phút không quên ngày 30/4 năm ấy Thủ đô Hà Nội hết lòng “vì miền Nam ruột thịt”

Bước vào hội trường, Nhà báo, phóng viên chiến trường Đinh Quang Thành – nay đã 90 tuổi – vẫn giữ dáng vẻ minh mẫn, ánh mắt sáng ngời dù thời gian đã in dấu trên mái tóc bạc phơ và những nếp nhăn hằn sâu trên gương mặt.

Bên cạnh ông là Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, người đồng nghiệp cũng là thành viên của tổ mũi nhọn theo bộ đội vào giải phóng Sài Gòn.

Xúc động thời khắc trao tặng những tấm ảnh lịch sử ngày 30/4 của các nhà báo chiến trường
Lễ tiếp nhận tài liệu ảnh từ các nhà báo, phóng viên chiến trường tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

Khi Nhà báo, phóng viên chiến trường Đinh Quang Thành bước lên bục phát biểu, cả hội trường như lắng đọng. Giọng ông vang lên, tuy không còn mạnh mẽ như xưa nhưng vẫn đầy xúc cảm khi chia sẻ về những tháng năm tác nghiệp, nhất là khi được chứng kiến và ghi lại những giờ phút thiêng liêng của đất nước. Không chỉ có mặt tại trận đánh lớn như ở sân bay Tân Sơn Nhất, ông còn có mặt ở thời điểm xe tăng của ta tiến vào Dinh Độc Lập.

“Trong thời khắc định mệnh, tôi đã quên mình lao theo các chiến sĩ, máy ảnh trong tay không ngừng bấm với khát khao ghi lại được hình ảnh xứng đáng với lòng tự hào dân tộc. Đối với tôi, nỗi lo lớn nhất không phải là hiểm nguy rình rập, mà là liệu những tấm ảnh có đủ sức chạm đến trái tim người xem hay không”, Nhà báo Đinh Quang Thành nhớ lại với ánh mắt rưng rưng.

Nhà báo Đinh Quang Thành sinh năm 1935 tại Hà Nội. Trong sự nghiệp của mình, ông đã cống hiến hết mình, tận tuỵ, say mê với nhiếp ảnh, đã có nhiều đóng góp to lớn. Ông đã vinh dự nhận được những phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Ba; Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022 và nhiều kỷ niệm chương, bằng khen của các bộ, ngành trong lĩnh vực văn hóa, báo chí và giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế. Ông có nhiều tác phẩm tiêu biểu trong đó cụm tác phẩm (5 ảnh) “Địch phá ta cứ đi” được Giải thưởng Nhà nước năm 2022 là những tác phẩm tiêu biểu, giá trị, độc đáo.

Xúc động thời khắc trao tặng những tấm ảnh lịch sử ngày 30/4 của các nhà báo chiến trường
Nhà báo Đinh Quang Thành chia sẻ về những bức ảnh lịch sử ông ghi được.

Nhà báo Trần Mai Hưởng sinh năm 1951 tại Hải Dương, phóng viên, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Trong những năm chiến tranh ác liệt, ông từng tác nghiệp tại Hà Tây, có mặt tại chiến trường Quảng Trị và Vĩnh Linh. Đầu năm 1975, khi nghe tin giải phóng Buôn Ma Thuột, ông trở lại chiến trường, viết bài, chụp ảnh và kịp thời phản ánh tình hình. Đặc biệt, vào ngày 30/4/1975, ông đã chụp được những bức ảnh lịch sử khi xe tăng của ta tiến vào Dinh Độc Lập. Bức ảnh của ông cùng những khoảnh khắc đặc biệt trở thành biểu tượng của ngày chiến thắng.

Nhà báo Trần Mai Hưởng cũng chia sẻ: “Những tấm ảnh này suốt nửa thế kỷ qua không chỉ là tài sản của cá nhân, mà còn là di sản quý giá của dân tộc. Hôm nay, trao tặng những bức ảnh này cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, chúng tôi mong muốn thế hệ mai sau sẽ hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc”.

Xúc động thời khắc trao tặng những tấm ảnh lịch sử ngày 30/4 của các nhà báo chiến trường
Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ tại buổi lễ.

Trong số những bức ảnh được trao tặng, có hình ảnh bộ đội Sư đoàn 10 – Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất của Nhà báo Đinh Quang Thành, thanh niên Sài Gòn chạy theo xe tăng của Quân giải phóng tiến đánh Dinh Độc Lập của Nhà báo Đinh Quang Thành, và đặc biệt là khoảnh khắc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 của Nhà báo Trần Mai Hưởng.

Những tấm ảnh lịch sử được in ra trưng bày tại buổi lễ, nhiều người tham dự không khỏi xúc động khi Nhà báo lão thành Đinh Quang Thành run run chia sẻ về những bức ảnh ông chụp trong thời khắc lịch sử, như thể đang chạm vào chính ký ức của mình.

Xúc động thời khắc trao tặng những tấm ảnh lịch sử ngày 30/4 của các nhà báo chiến trường
Hình ảnh bộ đội Sư đoàn 10 – Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất của Nhà báo Đinh Quang Thành.

Mặc dù không trực tiếp cầm súng nhưng những Nhà báo, phóng viên chiến trường như Đinh Quang Thành và Trần Mai Hưởng cũng đã vượt gian khổ, quyết sát cánh cùng nhân dân trên các miền quê đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phục vụ chiến đấu và cùng các đoàn quân ra chiến trường. Các ông đã cùng hành quân, vượt đèo, lội suối, băng rừng, băng qua hiểm nguy để ghi lại những khoảnh khắc chiến trận.

Tại buổi lễ, bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự đóng góp của hai nhà báo và cam kết sẽ bảo quản, phát huy giá trị của những tài liệu ảnh quý giá này. “Những bức ảnh của các ông hết sức chân thực, có giá trị lịch sử vô giá, sống mãi với thời gian, trở thành những nguồn tư liệu cung cấp những thông tin về đời sống, sản xuất, chiến đấu, trên hết đó là về tinh thần quyết tâm của nhân dân cho hoà bình, độc lập, tự do”, bà Trần Việt Hoa nhấn mạnh.

Xúc động thời khắc trao tặng những tấm ảnh lịch sử ngày 30/4 của các nhà báo chiến trường
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 của Nhà báo Trần Mai Hưởng.

Trong thời gian tới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm phát huy có hiệu quả giá trị của các tài liệu lưu trữ phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước. Đồng thời mong muốn các nhà báo lão thành tiếp tục gửi gắm những tài liệu, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của mình bảo quản tại Trung tâm để khối tài liệu được đầy đủ và phong phú hơn.

Đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa, góp phần làm phong phú hơn các góc nhìn về cuộc kháng chiến qua tài liệu, tư liệu lưu trữ. Hai con người của lịch sử, hai nhân chứng sống của khoảnh khắc hào hùng ngày 30/4/1975, dường như đã hoàn thành sứ mệnh của mình khi lưu giữ và truyền lại những hình ảnh quý giá về lịch sử dân tộc cho thế hệ mai sau.

Buổi lễ tuy khép lại nhưng dấu ấn của những tấm ảnh lịch sử và câu chuyện đằng sau chúng sẽ còn mãi với thời gian, như chính tinh thần bất diệt của ngày 30/4 lịch sử.