Những người mẹ của đất nước


blogradio.vn – Có ai biết được thấu được những nỗi đau mà các mẹ đã âm thầm đã anh dũng nuốt xuống, đã mạnh mẽ tự mình nuốt xuống những giọt nước mắt của những nỗi đau riêng, để chỉ nghĩ đến nỗi đau chung trách nhiệm chung và nhiệm vụ chung với đất nước với quê hương.

***

Tôi được về dải đất anh hùng ca của đất nước trong những ngày nắng cháy thịt da. Mình tôi đứng chơ vơ giữa khoảng đất rộng tưởng chừng đến vô tận với bao nhiêu lời kể đầy tự hào đang vang dội trong lòng tôi. Làm sao tôi biết được cách đây bao nhiêu năm nơi này đã có biết bao người xung trận, biết bao người chiến đấu và chiến thắng vang dội khắp cả miền. Họ đã chiến đấu trong bóng đêm trong âm thầm lặng lẽ mà làm quân thù phải khiếp sợ phải kính phục. Và phía sau họ phía trước họ là những người mẹ cũng âm thầm cũng lặn lội trong bóng tối cho đàn con được vững những bước chân, được vững những tay súng trong những trận đấu khốc liệt nhất và quyết tử nhất.

Tôi được về dải đất của miền trung, một dải đất của xứ quảng kiên cường và kiêu hãnh. Một dải đất đã đi vào lịch sử đất nước một cách vẻ vang nhất và tri ân nhất, cũng là một dải đất của những phát triển vượt bậc đang từng bước tiến thật vững chắc lên vị trí top của đất nước. Tôi nhìn những đồi cát những đồi đất mênh mông quanh mình và tôi cứ muốn hỏi, đâu là nơi đã có những trận chiến ngày xưa, đâu là nơi các bác các anh các cô các chú đã ngã xuống. Và tôi đặc biệt muốn biết đâu là nơi những dấu chân, những bàn tay, những khối óc những trái tim của các mẹ đã in dấu dặm dài.

Tôi vinh dự được gặp mẹ Chi, là người mẹ Việt Nam anh hùng đã được chính chủ tịch nước đến tận nhà thăm và trao quà năm nào. Năm đó mẹ đã gần chín mươi, ở cái tuổi xưa nay hiếm, tưởng đâu mẹ mệt mỏi hay già yếu lắm vậy mà tôi ngạc nhiên xen lẫn vui mừng khi thấy mẹ vẫn đi lại băng băng. Mẹ còn đi kiếm củi còn đi chợ còn làm tất cả mọi việc trong nhà, một ngôi nhà nông thôn chính hiệu với cái dáng nhanh nhẹn như thưở nào và cái miệng vẫn ăn trầu đỏ tươi. Tôi được nghe mẹ kể lại những ngày chiến đấu đầy gian khổ mà cũng đầy vinh quang của rất nhiều những đứa con trong làng xóm, trong đội quân của mình mà mẹ không thể nhớ hết được mặt biết hết được tên. Mẹ chỉ nhớ rõ nhất các con của mẹ, mà mẹ nói con số đó phải lên tới con số hàng trăm, vì tất cả những ai vào quân ra trận thì đều gọi mẹ một tiếng mẹ và xưng con.

nhung nguoi me cua dat nuoc (2) (1)

Mẹ Chi còn có hai người con ruột cũng chào mẹ ra đi và đã anh dũng ngã xuống ngay trong lòng đất mẹ hôm nay. Người ta nói với tôi mẹ đã âm thầm nuốt nước mắt và nỗi đau xuống tận đáy lòng để tiếp tục cuộc chiến đấu với mọi người. Một người mẹ như một hậu phương vững chắc của những người lính ở đầu trận chiến, mẹ Chi lo phần thực phẩm và lo chuyện tiếp tế tiếp sức cho các anh. Mà những chuyện đó mẹ và các mẹ khác đều phải làm trong đêm khuya để được an toàn nhất và để tránh tai mắt của giặc. Tôi có thể tưởng tượng có thể nhìn ra được những ngày đó cả một làng rộng lớn, cả một dải đất kiên cường này đã thấm bước chân biết bao con người, đã thấm biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của biết bao con người. Những người mẹ âm thầm tiễn con mình ra đi rồi lại âm thầm che chắn và tiếp tục nuôi con tiếp tục nuôi quân cũng trong âm thầm. Người ta nói với tôi mẹ Chi là một trong những người mẹ điển hình tiêu biểu cho sức sống và sức chiến đấu càng lúc càng lớn, càng lúc càng vững mạnh trước quân thù. Còn các anh còn các con mẹ thì khỏi phải nói, cứ lớp người này ngã xuống lại có lớp người khác tiếp tục ra đi tiếp tục đứng lên trong khói lửa.

Tôi thấy mẹ Chi và những người mẹ khác mà tôi được gặp năm nào sao cứ giống như hình ảnh người mẹ trong bài hát “Huyền thoại mẹ”. Có lẽ tất cả các mẹ đều giống nhau như thế, giống nhau ở sự âm thầm, ở lòng quyết tâm và ở một tình yêu nước bao la nhất. Có ai biết được thấu được những nỗi đau mà các mẹ đã âm thầm đã anh dũng nuốt xuống, đã mạnh mẽ tự mình nuốt xuống những giọt nước mắt của những nỗi đau riêng, để chỉ nghĩ đến nỗi đau chung trách nhiệm chung và nhiệm vụ chung với đất nước với quê hương.

Tôi nhớ hình ảnh ngọn đèn dầu trong căn bếp của má Hai, tôi nghe mọi người xung quanh gọi má như vậy, mà lần ngẫu nhiên đó tôi ghé qua thì má Hai đang căm cụi trong bếp với cái bếp than đang đỏ lửa. Má nói má thích chiên cá bằng bếp than sẽ ngon hơn chứ không chiên bếp ga, và má cũng đã quen rồi với cái đèn dầu bao nhiêu năm vẫn cận kề bên má chứ không phải vì cúp điện hay má tiết kiệm điện đâu. Tôi nhìn cái đèn dầu mà cứ ngỡ những năm xưa má cũng đã cầm trên tay như thế, rồi soi đường rồi chỉ lối cho biết bao những người con của mình vượt qua, băng qua chông gai, băng qua khói lửa trong những đêm tối mịt trời. Má Hai ơi, mẹ Chị ơi.

Và cả mẹ Sáu nữa, một người mẹ mà tôi không thể gặp được vì hôm đó mẹ đi công việc ở một làng bên. Tôi chỉ biết mẹ Sáu còn khỏe lắm y như mẹ Chi vậy đó, người ta nói như vậy, má Hai cũng vậy. Những người mẹ những người má đã ở cái tuổi rất thọ rất hiếm từ bao năm nay, trong chiến tranh đã âm thầm đưa con mình đưa các con mình vào trận. Rồi bây giờ trong hòa bình lại vẫn âm thầm với cuộc sống của những người mẹ thôn quê tay cấy tay cầm. Tôi chỉ nhìn mẹ Chi hay má Hai là tôi có thể nhìn ra được mẹ Sáu, vẫn thoăn thoắt lanh lẹ trong dáng đi, vẫn đôn hậu hiền lành trong nụ cười. Và vẫn sẻ chia từng thùng thóc từng ràng bánh tráng, từng xoong cá kho hay từng miếng ngon miếng lạ trong những dịp giỗ chạp trong những dịp lễ tết của xóm làng của gia đình. Các mẹ vẫn vậy, vẫn giữ nguyên khí tiết anh hùng của những người mẹ Việt Nam anh hung. Các mẹ vẫn vậy, vẫn sắt son một lòng với dân với nước dù chiến tranh đã rất lùi xa. Các mẹ vẫn vậy, vẫn nhỏ nhoi yêu đời yêu cuộc sống trong những năm tháng hòa bình được quay về với mọi người với đất nước. Ngay bây giờ khi viết những dòng này sao tôi cứ muốn hát lên thật lớn để gửi đến các mẹ, bài hát mà tôi tin chắc là viết riêng dành cho các mẹ.

“Đêm chong dèn ngồi nhớ lại từng câu chuyện ngày xưa

Mẹ về đứng dưới mưa che đàn con nằm ngủ, canh từng bước chân thù mẹ ngồi với cơn mưa

Mẹ lội qua con suối, dưới mưa bom không ngại

Mẹ nhẹ nhàng đưa lối, tiễn con qua núi đồi

Mẹ chìm trong đêm tối, gió mưa, tóc che lối con đi”

nhung nguoi me cua dat nuoc

Những người mẹ của đất nước của những ngày hôm qua, không tiếc máu xương, không tiếc thanh xuân, không tiếc cả những núm ruột mình rứt ruột sinh ra và nuôi lớn. Những người mẹ mang vinh quang về cho đất nước bao lần, hôm nay lại vẫn lặng lẽ âm thầm bước tiếp trong cuộc sống hòa bình vẫn còn quá nhiều gian nan. Đã có biết bao bàn tay biết bao trái tim ghé vào mang yêu thương đến cho các mẹ, đã có biết bao sự tri ân dành tặng đến các mẹ và đã có bao người bước tiếp những bước chân của các con các mẹ đã bước những ngày xưa. Đất nước được giải phóng, đất nước được gấm hoa, đất nước được vinh danh, đất nước được tung bay và đất nước được vững bước trong bao năm qua là luôn có bóng hình các mẹ thấp thoáng ẩn hiện thật nhiều.

Một tháng bảy đang trôi qua, tôi đang ở những ngày đầu của tháng bảy tri ân, tôi và mọi người đang ở trong tháng bảy cũng là tháng ở giữa một năm. Cũng như tôi đang viết về các mẹ các má, những người mẹ người má của một dải đất miền trung đã bao năm đắng khúc ruột mềm. Đã bao năm luôn kiên cường đầy bản lĩnh gồng gánh trách nhiệm là cái đòn gánh gánh hai đầu đất nước, và cái đòn gánh ấy chính là hình ảnh những người mẹ của tôi, tôi thích gọi vậy đầy mến yêu đầy trân trọng và đầy lòng biết ơn. Cái đòn gánh mà dải đất anh hùng này đươc mọi người ví von so sánh thì bây giờ đã mỗi ngày mỗi mạnh mẽ lên rất nhiều, và đã bứt phá với những khát vọng những sự phát triển vô cùng to lớn. Tôi thấy vui rất vui vì còn rất nhiều mẹ rất nhiều má vẫn còn đang sống để nhìn thấy đất nước trở mình vươn cao hình dáng con rồng đang bay lên và đang bay cao. Tôi cũng xin thắp những nén nhang ấm áp cho biết bao những người mẹ đã ngủ yên giấc trong lòng đất mẹ hôm nay. Và tôi muốn nói, các mẹ hãy yên lòng, chúng con đang bước và vẫn tiếp tục bước, không quản khó khăn không sá gì mưa nắng, để đất nước mà các mẹ đã nặng lòng những ngày hôm qua thì hôm nay các con của các mẹ vẫn đang nặng lòng vẫn đang tiếp tục gồng gánh bước đi. Người ta nói qua chông gai mới thấm thành công, qua hiểm nguy mới thấm anh hùng, và qua lửa khói mới thấm hết sự hy sinh không có gì có thể diễn tả nổi không có gì có thể nói hết được. Những hy sinh thầm lặng nhất của các mẹ, những người mẹ của đất nước hình chữ S này, chúng con vẫn ghi nhớ, chúng con vẫn khắc ghi và chúng con vẫn tiến bước dặm dài.

NHỮNG NGƯỜI MẸ CỦA ĐẤT NƯỚC

Tôi muốn được viết thật to như thế, để có thể vọng vang tới tất cả các mẹ, những người mẹ mà tôi vô cùng yêu mến kính trọng nhưng không thể biết được hết tất cả. Những người mẹ ở khắp trên đất nước này, không chỉ để tri ân đến các mẹ vì đang trong tháng bảy, tháng của những tri ân, mà còn để trao đến các mẹ những yêu thương xúc động của tôi. Và tôi biết có rất nhiều người nữa cũng muốn như vậy cũng muốn được làm vậy, những người mẹ của đất nước, của những ngày hôm qua, những người mẹ của đất nước của ngày hôm nay và cả những ngày mai nữa. Tôi muốn được cúi đầu, tôi muốn được cúi xuống trước các mẹ và muốn được ôm lấy những gương mặt đã quá nhiều những nếp nhăn theo thời gian, theo năm tháng. Tôi muốn được ôm những đôi tay của các mẹ, những đôi tay cũng đã có quá nhiều đường nhăn trên đó, như bao tháng năm xa xưa. Các mẹ đã băng qua muôn ngàn chông gai chằng chịt như thế cho tôi và mọi người được sống bình yên hôm nay.

Những người mẹ ở rất xa, những người mẹ tôi biết và những người mẹ tôi không hề biết, xin được một lần trong những ngày tháng bảy gửi đến các mẹ những câu chữ đơn sơ nhưng đầy tình thương trong đó. Và con thật mong tất cả các mẹ đều biết điều đó, rằng đất nước mình đang tiến bước và đang tiến lên mỗi ngày. Con chúc các mẹ yên lòng và khỏe mạnh.

© HẢI ANH – blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Bỏ Lỡ Một Mùa Hoa, Bỏ Lỡ Một Người | Radio Tâm sự