Microsoft chính thức “khai tử” Skype sau 22 năm hoạt động


Sau 22 năm hiện diện trên thị trường, ứng dụng gọi điện và nhắn tin Skype – từng là biểu tượng giao tiếp trực tuyến – chính thức ngừng hoạt động từ ngày 5/5. Microsoft đã đăng thông báo chia tay trên trang chính thức của Skype, đồng thời khuyến khích người dùng chuyển sang nền tảng Microsoft Teams với cùng thông tin đăng nhập.

“Các cuộc trò chuyện, danh bạ của bạn vẫn luôn sẵn sàng. Những tính năng yêu thích trên Skype như gọi điện, nhắn tin miễn phí, cùng các chức năng mới như họp và cộng đồng đều có mặt trên Teams”, trích từ thông báo của Microsoft. Chi tiết như thế nào? Khám phá ngay cùng Phong Vũ Tech News nhé!

Mục lục

I. Hành trình của Skype: Từ tiên phong đến kết thúc

Skype được sáng lập bởi Niklas Zennström, Janus Friis cùng bốn nhà phát triển người Estonia, ra mắt lần đầu vào tháng 8/2003. Đến tháng 9/2005, nền tảng này được eBay mua lại với giá 2,6 tỷ USD. Đến năm 2011, Microsoft chính thức thâu tóm Skype với giá 8,5 tỷ USD, một mức định giá được cho là “đắt đỏ” vào thời điểm đó.

Ứng dụng Skype ngừng hoạt động sau 22 năm
Ứng dụng Skype ngừng hoạt động sau 22 năm (Nguồn: Internet)

II. Dần bị thay thế bởi Microsoft Teams

Dù từng có thời kỳ hoàng kim, Skype dần mất vị thế khi đối mặt với các đối thủ như Zoom, WhatsApp, FaceTime, Discord – những nền tảng sở hữu giao diện hiện đại, hoạt động mượt mà trên nền tảng đám mây và nhiều tính năng vượt trội hơn. Tính đến nay, Skype chỉ còn khoảng 30 triệu người dùng hoạt động hàng tháng – bằng 1/10 so với thời đỉnh cao.

Sự ra đời của Microsoft Teams vào năm 2017 đánh dấu bước ngoặt lớn, cũng là tín hiệu báo trước cho sự kết thúc của Skype. Với khả năng tích hợp trò chuyện, họp trực tuyến, chia sẻ tài liệu, quản lý lịch và bảo mật trong một nền tảng duy nhất, Teams dần trở thành trọng tâm chiến lược mới của Microsoft. Từ đó, mọi cập nhật tính năng đều ưu tiên cho Teams thay vì Skype.

Theo MakeUseOf, việc ngừng hoạt động Skype là một bước đi chiến lược nhằm “đơn giản hóa danh mục sản phẩm, cắt giảm chi phí và buộc người dùng chuyển sang nền tảng chính thức là Teams”. Dù có phần khắc nghiệt, đây là lựa chọn thực tế từ một tập đoàn công nghệ lớn.

III. Hướng dẫn người dùng lưu trữ dữ liệu Skype

Người dùng vẫn có thể tải về toàn bộ dữ liệu trò chuyện trước khi Skype ngừng hoạt động hoàn toàn. Bằng cách truy cập Trang xuất tệp và lịch sử trò chuyện, đăng nhập > chọn dữ liệu > gửi yêu cầu, hệ thống sẽ nén toàn bộ thành file .zip để tải xuống. Quá trình này có thể mất vài phút, và dữ liệu sẽ được lưu trữ đến tháng 1/2026.

Dù Teams đang là nền tảng được Microsoft kỳ vọng thay thế Skype, nhưng ứng dụng này hiện chỉ đạt 2,9/5 sao trên Microsoft Store, kèm theo nhiều phản hồi tiêu cực. Trong khi đó, Skype vẫn giữ mức đánh giá cao 4,9/5 sao, phản ánh sự yêu thích và tiếc nuối từ cộng đồng người dùng.

IV. Kết luận

Việc khai tử Skype sau 22 năm không chỉ là sự thay đổi về mặt công nghệ, mà còn là một dấu chấm hết cho huyền thoại giao tiếp trực tuyến, nhường lại sân chơi cho Microsoft Teams. Dù bị thay thế bởi một nền tảng hiện đại và đa năng hơn, nhưng với nhiều người, Skype vẫn sẽ là ký ức khó quên về thời đại đầu tiên của giao tiếp trực tuyến.

Bài viết liên quan:

  • Microsoft sắp “khai tử” Skype vào tháng 5, đâu là lựa chọn thay thế?
  • Microsoft Teams – Ứng dụng làm việc nhóm và dạy học online siêu đỉnh
  • CEO Discord bất ngờ từ chức để có thời gian chơi điện tử
Card màn hình VGA Nividia RTX 5070 Ti