Ông lão làm hơn 200 ngôi nhà không dùng một chiếc đinh

Ông Shi đến với nghề mộc sau trận hỏa hoạn kinh hoàng năm 1974, thiêu rụi hơn 300 ngôi nhà gỗ trong làng cổ Gaobei của người Đồng, ở huyện Tam Giang, thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây.

Cả làng chỉ còn một người biết dựng nhà theo phương pháp truyền thống, khiến công cuộc tái thiết rất chậm.

Năm đó Shi Shanzhang còn là một thanh niên chưa học hết lớp 1, từng làm thợ phụ, biết chút nghề mộc. Ông kể, ban ngày đi quan sát các công trình đang làm. Ban đêm ông nằm ghép gỗ trong đầu như chơi xếp hình. Không sách vở, không thầy hướng dẫn, tất cả dựa vào trực giác và trí nhớ.





Ông  Shi Shanzhang, 76 tuổi, một nghệ nhân dựng nhà gỗ không cần đinh. Ảnh: Worldjournal

Ông Shi Shanzhang, 76 tuổi, một nghệ nhân dựng nhà gỗ không cần đinh. Ảnh: Worldjournal

Năm 1988, cảm thấy tay nghề đã vững, ông Shi quyết định dựng căn nhà đầu tiên cho gia đình. Đó là ngôi nhà kiểu tháp đôi bằng gỗ, rộng khoảng 200 m2. Từ chặt gỗ, dựng khung đến làm bàn ghế, tất cả đều do một tay ông thực hiện.

Căn nhà hoàn thành trở nên nổi bật nhất làng. Từ đó ông Shi trở thành người thợ được săn đón.

Khác với kiến trúc hiện đại, nhà gỗ của người Đồng không dùng đinh hay keo. Toàn bộ kết cấu sử dụng kỹ thuật ghép mộng – chốt, tức các thanh gỗ được đục, ghép nối với nhau.

Shi Shanzhang không dùng bản vẽ. Chỉ cần nghe gia chủ mô tả sơ bộ về diện tích, số tầng, số phòng, trong đầu ông lập tức dựng lên mô hình 3D. Ra công trường, ông đánh dấu trực tiếp lên thanh gỗ các vị trí đục lỗ, độ sâu cắt, chiều cao từng cột. Thợ chỉ cần làm theo đúng dấu bút của ông.

50 năm qua, ông đã dựng hơn 200 ngôi nhà gỗ trong vùng. Riêng ở làng Gaobei, 2/3 số ngôi nhà do ông dựng nên.





Ngôi nhà ba tầng ông Shi tự tay xây dựng.  Ảnh: Worldjournal

Ngôi nhà ba tầng ông Shi tự tay xây dựng. Ảnh: Worldjournal

Tuy nhiên theo thời gian, các gia đình trong làng thích nhà gạch hiện đại, nhanh gọn và cũng đỡ tốn kém hơn.

Năm 2023, gia đình ông Shi cũng có ý định xây nhà mới. Cả nhà đã ngồi lại bàn bạc, cuối cùng vẫn chọn làm nhà gỗ. “Sống trong nhà gỗ thoáng mát, không sợ ẩm. Đặc biệt bếp chung đặt trong nhà gỗ rất ấm cúng”, con trai ông Shi nói.

Nhà có kết cấu đôi, diện tích sàn 400 m2, cao ba tầng. Đây cũng là công trình lớn nhất đời ông Shi.

Một số học trò hỗ trợ dựng khung chính trong hơn 40 ngày. Phần còn lại, từ cầu thang đến cửa sổ, tự tay ông làm. “Tôi cũng chẳng rảnh rỗi gì. Nhưng làm thế này là để lại chút gì cho con cháu”, ông nói.

Công trình đã được khoảng 70%, dự kiến hoàn thiện trong năm nay.

Năm ngoái, Shi Huaizhong bắt đầu quay video cha mình dựng nhà, đăng lên mạng. Không ngờ, ông trở thành “hiện tượng mạng”, mỗi video thu hút hàng trăm nghìn lượt yêu thích. Nhiều người gọi vui ông là “Lỗ Ban tái thế” (ông tổ nghề mộc trong truyền thuyết).

Hàng loạt phóng viên, học giả tìm về Gaobei để tận mắt xem một người thợ mộc truyền thống còn sót lại. Danh tiếng lan xa, ông Shi được mời đến Quảng Châu, Thanh Viễn, Thanh Đảo để dựng nhà.





Ngôi nhà ông Shi xây cho gia đình. Ảnh: Worldjournal

Ngôi nhà ông Shi xây cho gia đình. Ảnh: Worldjournal

Những năm gần đây, ông Shi dành thời gian vào trường học, chia sẻ về nghề dựng nhà gỗ với học sinh. Dù vậy ông vẫn cho rằng cách truyền nghề tốt nhất không phải dạy lý thuyết mà là “dựng thêm một ngôi nhà, cho đến khi bản thân không làm nổi nữa”.

“Lúc tôi không còn sức dựng nhà nữa, ít nhất trong làng vẫn còn những ngôi nhà tôi làm. Đó là cách tôi ở lại với quê hương”, ông nói.

Ông lão làm hơn 200 ngôi nhà không dùng một chiếc đinh

 
 

Bảo Nhiên (Theo Worldjournal)