Chương trình “Ca khúc Việt lời Nga” – Nhịp cầu văn hóa Việt Nam – Liên bang Nga bằng âm nhạc

Ngày 10/5 tới đây, tại Trường Đại học Hà Nội sẽ diễn ra chương trình đặc biệt mang tên Ca khúc Việt lời Nga, nhằm tri ân nhà giáo ưu tú, dịch giả Lê Đức Mẫn – người tiên phong trong việc chuyển ngữ các ca khúc Việt Nam sang tiếng Nga.

Chương trình không chỉ là dịp tôn vinh công lao của ông trong lĩnh vực dịch thuật và giáo dục, mà còn là cầu nối văn hóa đặc sắc giữa Việt Nam và Liên bang Nga, góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai quốc gia.

Chương trình "Ca khúc Việt lời Nga" – Nhịp cầu văn hóa Việt – Nga bằng âm nhạc - Ảnh 1.

Chương trình sẽ mang đến những màn trình diễn đặc sắc với các ca khúc Việt Nam được chuyển ngữ sang tiếng Nga, do các nghệ sĩ và hợp xướng của Trường Đại học Hà Nội thể hiện như: Liên khúc Ký ức Hà Nội: Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi) / Đoàn Vệ Quốc quân (Phan Huỳnh Điểu) / Tiến Về Hà Nội (Văn Cao), Hà Nội Mùa Thu (Vũ Thanh), The Ballad of Ho Chi Minh (Ewan MacColl) / Bài ca Hồ Chí Minh (Vũ Ân đặt lời Việt), Mùa Xuân đầu Tiên (Văn Cao), Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui (Trịnh Công Sơn), Bụi Phấn (Lê Lộc, Vũ Hoàng), Em mơ gặp Bác Hồ (Xuân Giao), Liên khúc: Trái đất này là của chúng mình (Trương Quang Lục) / Пусть всегда будет солнце! (Nhạc Arkady Ostrovsky, lời Lev Ivanovich Oshanin) / Hãy để mặt trời luôn chiếu sáng (Phạm Tuyên đặt lời Việt), Chiều đông Matxcơva (Phú Quang), Bài ca hy vọng (Văn Ký), Liên khúc: Bonjour Vietnam (Mac Lavoine, Yvan Coriat) / Một vòng Việt Nam (Đông Thiên Đức), Nối vòng tay lớn (Trịnh Công Sơn)…

Chương trình "Ca khúc Việt lời Nga" – Nhịp cầu văn hóa Việt – Nga bằng âm nhạc - Ảnh 2.

Nhà giáo ưu tú, dịch giả Lê Đức Mẫn

Dịch giả Lê Đức Mẫn sinh năm 1941 tại Duy Tiên, Hà Nam, là một nhà giáo ưu tú, nhà thơ và dịch giả nổi tiếng với hơn 35 năm công tác tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường Đại học Hà Nội). Ông không chỉ am hiểu sâu sắc tiếng Nga và tiếng Việt mà còn có tình yêu đặc biệt với âm nhạc và thi ca.

Ở tuổi ngoài 80, ông vẫn miệt mài dành nhiều tâm huyết để dịch lời các ca khúc Việt sang tiếng Nga, một lĩnh vực còn khá mới mẻ và ít người theo đuổi. Ông chia sẻ: “Chúng ta đã dịch hàng trăm, hàng nghìn bài hát nước ngoài sang tiếng Việt để hòa nhập và tiếp thu tinh hoa âm nhạc thế giới, nhưng chiều ngược lại thì còn rất ít…”. Chính vì vậy, công việc của ông không chỉ là dịch thuật mà còn là sứ mệnh văn hóa, giúp âm nhạc Việt Nam lan tỏa đến bạn bè quốc tế, đặc biệt là cộng đồng người nói tiếng Nga.

Chương trình "Ca khúc Việt lời Nga" – Nhịp cầu văn hóa Việt – Nga bằng âm nhạc - Ảnh 3.

Trong suốt 30 năm qua, dịch giả Lê Đức Mẫn đã chuyển ngữ hơn 60 ca khúc Việt Nam sang tiếng Nga, bao gồm nhiều tác phẩm nổi tiếng của các nhạc sĩ Việt Nam với các thể loại đa dạng như ca khúc tiền chiến, cách mạng, trữ tình và cả những bài hát được giới trẻ yêu thích hiện nay.

Những ca khúc tiêu biểu được ông lựa chọn dịch có thể kể đến như: Bài ca Hồ Chí Minh, Đêm qua em mơ gặp Bác, Bài ca hy vọng, Tiến về Hà Nội, Đoàn vệ quốc quân, Cô láng giềng, Tình ca, Tình ca Tây Bắc, Thuyền và biển, Em còn nhớ hay em đã quên, Hà Nội mùa thu, Bụi phấn, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Mùa xuân đầu tiên, Nối vòng tay lớn, Trái đất này là của chúng mình, Xin chào Việt Nam, Một vòng Việt Nam, Tái sinh….

Chương trình "Ca khúc Việt lời Nga" – Nhịp cầu văn hóa Việt Nam – Liên bang Nga bằng âm nhạc - Ảnh 4.

Các nghệ sĩ tập luyện, chuẩn bị cho chương trình

Việc chuyển ngữ không chỉ đòi hỏi sự thành thạo ngôn ngữ mà còn cần sự am hiểu sâu sắc về văn hóa, tinh thần và cảm xúc của từng bài hát để giữ được hồn cốt và ý nghĩa nguyên bản khi chuyển sang tiếng Nga.

  • Đêm nhạc Nga kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhạc sĩ F.Chopin

    Đêm nhạc Nga kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhạc sĩ F.Chopin

     17/09/2010 15:28

Ngoài công việc dịch lời ca khúc, nhà giáo ưu tú Lê Đức Mẫn còn là dịch giả của hơn 40 tác phẩm văn học Nga sang tiếng Việt, trong đó có nhiều tác phẩm kinh điển như trường ca Ác quỷ của Mikhail Lermontov, các tác phẩm của Dostoevsky, Anna Karenina của Tolstoy, và nhiều tác phẩm khác.

Chương trình "Ca khúc Việt lời Nga" – Nhịp cầu văn hóa Việt Nam – Liên bang Nga bằng âm nhạc - Ảnh 6.

Các nghệ sĩ tập luyện, chuẩn bị cho chương trình

Ông từng nhận giải thưởng lớn nhất về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017 cho vở kịch thơ Khổ vì trí tuệ của tác giả người Nga Aleksandr Griboedov. Với hơn 35 năm giảng dạy tại Trường Đại học Hà Nội, ông là người thầy truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên Khoa tiếng Nga.

Chương trình “Ca khúc Việt lời Nga” không chỉ là sự kiện văn hóa đặc biệt tri ân một nhà giáo, dịch giả tài năng mà còn là biểu tượng của sự giao thoa văn hóa, góp phần quảng bá âm nhạc và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đặc biệt là cộng đồng nói tiếng Nga.