Những ai sống ở đô thị lớn, nơi tấc đất tấc vàng, hẳn không còn xa lạ với hình ảnh chủ nhà mặt phố kinh doanh dễ dàng nổi nóng, thậm chí dùng vũ lực để đuổi những chiếc xe dám “án ngữ” trước cửa nhà mình.

Từ việc chửi bới om sòm với lời lẽ thiếu văn hóa đến những hành động quá khích như đập phá xe, hắt sơn hay xịt sơn loang lổ, hành hung tài xế… đều cho thấy thái độ hung hăng, quyết liệt đến mức khó hiểu.

Điều gì khiến họ trở nên dữ dằn đến vậy khi bảo vệ một phần không gian vốn thuộc về công cộng?

Tôi cho rằng, căn nguyên của hành vi này xuất phát từ sự tư duy lệch lạc, ngộ nhận về quyền sở hữu. Với nhiều người kinh doanh ở mặt tiền coi vỉa hè và lòng đường trải dài trước cửa nhà mình nghiễm nhiên là lãnh địa riêng, là tài sản mà họ có quyền sử dụng, định đoạt.

Bất kỳ chủ xe nào dám mon men đỗ ở “vùng cấm” này đều bị coi là kẻ thù, là chiếm dụng không gian thuộc về họ, trở thành chướng ngại vật cản trở công việc làm ăn của họ. Họ có quyền dùng mọi biện pháp mạnh tay để “dẹp loạn”, đó là sự ngộ nhận đã ăn sâu vào nếp nghĩ của những người này.

Trên các con phố, chỉ cần một chiếc ô tô dừng lại vài phút để trả khách hay mua nhanh một món đồ là lập tức chủ nhà hoặc nhân viên cửa hàng sẽ xuất hiện để nhắc nhở với thái độ khó chịu, thậm chí quát tháo, xua đuổi.

Nhiều vụ hành hung xảy ra khi chủ hộ mặt tiền huy động cả nhà, nhiều khi có cả những thanh niên xăm trổ bặm trợn hành hung, gây thương tích cho người khác và ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội.

Nhiều vụ việc đỗ xe ô tô trước cửa nhà bị gia chủ tạt sơn, vẽ bậy. (Ảnh: VOV.VN)

Nhiều vụ việc đỗ xe ô tô trước cửa nhà bị gia chủ tạt sơn, vẽ bậy. (Ảnh: VOV.VN)

Có phải tư duy và văn hóa thấp kém là nguyên nhân duy nhất dẫn đến cách hành xử ấy? Có lẽ mọi chuyện phức tạp hơn thế. Bên cạnh sự thiếu ý thức và ích kỷ, chúng ta cần xem xét đến những yếu tố khác có thể tác động đến hành vi của những chủ nhà mặt tiền này.

Thứ nhất là áp lực kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, việc có mặt tiền thuận lợi vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với các hộ buôn bán nhỏ lẻ.

Mặt tiền rộng rãi, thông thoáng không chỉ giúp thu hút khách hàng mà còn tạo điều kiện cho việc bốc dỡ hàng hóa. Bất kỳ sự cản trở nào, dù là tạm thời, cũng có thể bị họ coi là mối đe dọa đến doanh thu, đến “nồi cơm” của cả gia đình.

Trong tâm lý lo lắng thường trực về việc ế ẩm, sự xuất hiện của chiếc xe đậu trước cửa có thể bị phóng đại thành nguyên nhân chính gây ra tình trạng đó.

Thứ hai là sự buông lỏng trong công tác quản lý đô thị. Ở nhiều nơi, việc phân vạch rõ ràng khu vực được phép dừng đỗ và khu vực cấm còn chưa được thực hiện triệt để.

Việc thiếu biển báo, vạch kẻ đường rõ ràng, thiếu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng đã tạo ra những khoảng trống để người dân tự diễn giải và hành xử theo ý mình. Khi không có những quy định cụ thể và chế tài nghiêm minh, các chủ nhà mặt tiền tự cho mình quyền “cấm cửa” cũng là điều dễ hiểu.

Thứ ba là tâm lý coi không gian công cộng trước nhà mình là tài sản riêng của một bộ phận không nhỏ chủ nhà mặt tiền.

Họ cho rằng, mình bỏ tiền ra mua hoặc thuê nhà mặt tiền thì nghiễm nhiên có quyền chiếm hữu phần không gian trước cửa, quên mất rằng vỉa hè, lòng đường là tài sản công cộng, thuộc về tất cả mọi người. Sự ngộ nhận tai hại này dẫn đến hành vi độc chiếm và kiểu “bảo vệ lãnh thổ” bằng bạo lực gây bức xúc trong dư luận.

Một nguyên nhân nữa là sự thiếu sự cảm thông và chia sẻ trong cộng đồng. Ở xã hội văn minh, sự cảm thông và chia sẻ vô cùng quan trọng. Việc ô tô dừng đỗ tạm thời đôi khi là bất khả kháng, miễn không gây cản trở giao thông nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nhiều chủ nhà mặt tiền lại thiếu đi sự thấu hiểu, chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình mà không đặt mình vào vị trí của người khác, dẫn đến thái độ gay gắt, thiếu thiện chí.

Có cách nào để thay đổi tình trạng này?

Trước hết, phải khẳng định rằng pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của người tham gia giao thông cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý đô thị.

Việc dừng đỗ xe ở những nơi không có biển cấm là quyền hợp pháp của người dân. Cản trở, hành hung người khác hay phá hoại tài sản của họ vì lý do này là hoàn toàn sai trái, cần phải bị lên án, xử lý nghiêm minh.

Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là những người kinh doanh mặt tiền, về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc sử dụng không gian công cộng.

Họ cần hiểu rõ rằng nhu cầu tạo thuận lợi cho việc kinh doanh là chính đáng, nhưng không có nghĩa họ được phép xâm phạm quyền lợi của người khác.

Các cơ quan quản lý đô thị cần phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn. Cần rà soát, cắm biển báo giao thông rõ ràng ở những khu vực cần thiết, tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là hành vi hung hăng, gây rối trật tự công cộng, đánh người hay đập phá, làm hư hại tài sản của người khác.

Ngoài ra, cần có những giải pháp quy hoạch đô thị hợp lý để giải quyết vấn đề thiếu chỗ đỗ xe. Xây dựng các bãi đỗ xe công cộng, đặc biệt là ở các khu vực trung tâm, có mật độ kinh doanh cao là giải pháp căn cơ để giảm tải áp lực cho lòng đường và vỉa hè.

Và cuối cùng, cần xây dựng môi trường văn hóa cộng đồng nơi mọi người biết tôn trọng quyền lợi của nhau, biết cảm thông và chia sẻ.

Chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội cần có những hoạt động thiết thực để khuyến khích tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng.

Theo VTC News