Chính thức trình Quốc hội xem xét sửa đổi Hiến pháp năm 2013

Lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013 từ hôm nay (6/5) Toàn văn Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Công đoàn là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia

Dự thảo Nghị quyết có 2 điều, trong đó điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Điều 2 dự thảo gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo sửa đổi là làm rõ vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Theo dự thảo Nghị quyết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan Nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chính thức trình Quốc hội xem xét sửa đổi Hiến pháp năm 2013
Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quốc hội

Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị – xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Để bảo đảm sự kế thừa hợp lý của các bản Hiến pháp trong việc ghi nhận vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 10 theo hướng khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo tinh thần đó, bên cạnh chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 là đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban đề nghị bổ sung nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam tại Điều 10 của Hiến pháp năm 2013 là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về Công đoàn.

Tổ chức lại chính quyền địa phương thành hai cấp

Bên cạnh đó, nội dung sửa đổi quan trọng khác là tổ chức lại chính quyền địa phương thành hai cấp. Cụ thể: Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.

Chính thức trình Quốc hội xem xét sửa đổi Hiến pháp năm 2013
Các đại biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quốc hội

Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định.

Chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.

Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cũng đề xuất không quy định Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân để phù hợp với tính chất và mô hình tổ chức các cơ quan Nhà nước ở địa phương sau khi thực hiện sắp xếp.

Ủy ban đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của nghị quyết là từ ngày 1/7. Kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước.

“Việc đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 phải dựa trên kết quả rà soát, đánh giá thực tiễn việc thi hành quy định cụ thể của Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan, nhất là các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước.

Tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị nước ta; không sửa đổi các quy định mang tính nguyên tắc về tổ chức quyền lực Nhà nước, các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ.