Đẩy nhanh cải cách tiền lương để giữ chân người có năng lực

Thêm yêu cầu đối với cán bộ, công chức Bộ Nội vụ đề xuất chính sách với 212.606 cán bộ, công chức xã khi sáp nhập

Tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc là vấn đề “nóng”

Theo báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết về hoạt động chất vấn của Quốc hội thuộc lĩnh vực nội vụ, Bộ Nội vụ cho biết, tại thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 thì tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc là vấn đề “nóng”.

Để khắc phục tình trạng trên và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã kịp thời ban hành công văn gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị triển khai thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ như kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh.

Cùng với đó, các địa phương đổi mới việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để tạo cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là cán bộ trẻ.

Đẩy nhanh cải cách tiền lương để giữ chân người có năng lực
Bộ Nội vụ đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng nhiều công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc giai đoạn năm 2022.

Quy hoạch, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, có cơ chế, chính sách thỏa đáng, làm cơ sở định hướng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những nhiệm vụ được triển khai trong thời gian qua.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ khái quát, tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc tuy vẫn diễn ra nhưng giai đoạn sau (từ năm 2023 đến nay) đã có xu hướng giảm mạnh so với giai đoạn trước.

Một số thay đổi gần đây cho thấy, các chính sách về tiền lương, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đổi mới quản lý, sử dụng công chức, viên chức; đẩy mạnh, nâng cao mức độ tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập và các giải pháp từ phía các cơ quan nhà nước đã mang đến hiệu quả tích cực.

Bộ Nội vụ tiếp tục chủ động nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương và tiến tới trả lương theo vị trí việc làm gắn với kết quả đánh giá theo sản phẩm đầu ra theo tinh thần của Nghị quyết số 27- NQ/TW.

Cách đánh giá này nhằm tạo động lực cho đội ngũ công chức, viên chức và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm theo tinh thần của Nghị quyết số 27.

Ngoài ra, Bộ cũng có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Hiện tại, Bộ Nội vụ tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn gắn cơ cấu lại theo vị trí việc làm, nâng cao chất lượng gắn với chính sách tiền lương, thưởng và phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức.

Đơn giản hoá thủ tục trong tuyển dụng công chức

Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP51 và ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 02/2021/TT-BNV52.

Để bảo đảm đồng bộ trong việc triển khai thực hiện chủ trương nêu trên, Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các Bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khẩn trương xây dựng, ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành được giao quản lý.

Trong đó, Bộ này cũng lưu ý quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức và quy định về tiêu chuẩn năng lực ngoại ngữ, tin học.

Thời gian tới, Bộ Nội vụ tiếp tục đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.

Cùng với đó, ngành nội vụ tiếp tục tham mưu, sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trong tuyển dụng, nâng ngạch.

“Không thực hiện quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức mà chỉ giữ quy định về xét thăng hạng, tiến tới nghiên cứu bỏ quy định hạng chức danh nghề nghiệp đồng bộ với đổi mới cơ chế tiền lương theo vị trí việc làm”, báo cáo của Bộ Nội vụ nêu rõ.

Đơn cử tại TP.HCM, trong 3 năm (2020-2023), thành phố có 9.470 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. Trong đó, có 855 cán bộ, công chức và 8.615 viên chức.

Trong tổng số viên chức xin nghỉ việc, lĩnh vực giáo dục và đào tạo có 3.626 trường hợp (tỷ lệ 42,09%); y tế là 3.708 (tỷ lệ 43,04%); còn lại 1.281 trường hợp thuộc các lĩnh vực sự nghiệp khác (tỷ lệ 14,87%).

Đặc biệt, tỷ lệ có trình độ đại học nghỉ việc chiếm cao nhất, với 77,07%.

Theo UBND TP.HCM, cán bộ rời khu vực công là do các chính sách đãi ngộ tiền lương chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống, chưa đủ sức để tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức an tâm làm việc, cống hiến.

Trong khi đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công đang đưa ra các chế độ đãi ngộ tiền lương rất hấp dẫn và do đó có sự cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao từ khu vực công.

H.P (t/h)