Dạy thêm, học thêm: Đại biểu băn khoăn liệu có phải do chương trình “nặng” quá?

Các địa phương tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm Sửa Luật Nhà giáo: Cần gắn chặt chẽ trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi dạy thêm

Ngày 6/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là quy định nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức; ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình), đề cập đến các quy định về chế độ tiền lương. Hiện nay, đại biểu cho biết, việc xã hội hóa giáo dục giúp chuyển nguồn chi từ ngân sách Nhà nước sang nguồn kinh phí thu từ học phí của các đơn vị sự nghiệp tự chủ. Vì vậy, các quy định về chế độ tiền lương phải có sự điều chỉnh phù hợp với cơ chế tự chủ của các đơn vị.

Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật quy định khá nhiều nội dung có liên quan và cần đến nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Nữ đại biểu đề nghị cần phải rà soát đảm bảo tính khả thi, tránh gây vướng mắc trong triển khai, nhất là những quy định về cơ chế thực hiện tự chủ, chế độ nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, chính sách thu hút nhà giáo… Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị rà soát quy định tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo.

Dạy thêm, học thêm: Đại biểu băn khoăn liệu có phải do chương trình
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình). Ảnh: Quốc hội

“Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc đảm bảo sự thống nhất giữa các địa phương thì mới phát huy được tính ưu việt của chính sách, vì những địa phương có điều kiện về ngân sách thì ban hành các chính sách hỗ trợ nhà giáo, những địa phương chưa đủ điều kiện về ngân sách thì không ban hành. Điều này chưa đảm bảo sự thống nhất và cũng thiếu cân bằng giữa các nhà giáo trong công tác ở tại các vùng miền và các địa phương khác nhau”, theo đại biểu.

Cũng theo đại biểu Trần Khánh Thu, cần nhìn nhận vấn đề học thêm xuất phát từ nhu cầu học tập và của xã hội, học sinh và phụ huynh, “chứ không hẳn tất cả chúng ta quy cho việc giáo viên ép buộc trong vấn đề học thêm”.

Theo nữ đại biểu, nhiều con em chúng ta vẫn tự nguyện ra các trung tâm học tiếng Anh, học văn hóa, học nhạc và học các môn mỹ thuật… nên đây là nguyện vọng chính đáng, khi có nhu cầu của học sinh và gia đình thì giáo viên cũng có mong muốn, nhu cầu dạy thêm, họ chọn cách đi dạy thêm là thêm thu nhập.

“Tôi cho rằng điều này hoàn toàn chính đáng và phù hợp, sau các tiết dạy ở trên nhà trường giáo viên hoàn toàn có thể bỏ công sức để dạy thêm. Việc giáo viên bỏ thời gian chăm lo gia đình để tham gia dạy thêm, công việc chuyên môn mang lại lợi ích, tăng thêm thu nhập, tôi nghĩ không có gì là sai. Nhưng quan trọng chúng ta cần chống lại khía cạnh tiêu cực đó là việc lợi dụng chuyện này để ép buộc sinh viên, học sinh đi học, vì khi đó sẽ gây ra những tác dụng tiêu cực khác.

Bản thân tôi cũng không chấp nhận việc giáo viên ép buộc để dạy thêm trục lợi, do đó cần có một quy định để tổ chức các hoạt động này một cách chính thống như loại hình dịch vụ khác và có nề nếp, có quy định, nếu làm được như vậy sẽ hạn chế được vấn đề tiêu cực”, đại biểu nêu rõ.

Vì lẽ đó, đại biểu đoàn Thái Bình đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi là “cấm tham gia dạy học thêm trái quy định của pháp luật” bởi quy định không ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức đã được quy định từ trước.

Dạy thêm, học thêm: Đại biểu băn khoăn liệu có phải do chương trình
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum). Ảnh: Quốc hội

Bên cạnh đó, có thể giao Chính phủ hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ quy chế dạy thêm, học thêm theo hướng công khai và xây dựng các quy chế đặc thù để hạn chế việc dạy thêm, học thêm tự phát tràn lan, tránh lãng phí và không cần thiết.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum) nhìn nhận, vừa rồi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư quy định về vấn đề dạy thêm, học thêm nhưng dư luận còn rất quan tâm đến vấn đề này.

Đại biểu cho rằng, với chương trình và lượng kiến thức ở trong chương trình, nếu như học và cách dạy ở trường mà học viên nắm được ngay trên lớp, hay về nhà chỉ học thêm một ít nữa là hiểu được bài thì không có nhu cầu học thêm, nhưng vì chưa nắm được nên có nhu cầu học thêm.

“Vấn đề ở đây có phải là chương trình và lượng kiến thức ở trong chương trình có nặng quá không? Vì nặng quá cho nên họ không hiểu được, mà không hiểu được ở trường thì mới học thêm.

Tôi đề nghị Bộ nên rà soát lại chương trình và lượng kiến thức trong chương trình hiện nay của chúng ta đã hợp lý chưa, có nặng quá không”, đại biểu đoàn tỉnh Kon Tum nói.