Ngày mới với tin tức sức khỏe: Trong 1 km, chạy bộ hay đi bộ tốt hơn?

Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Ngứa sau thời gian dài uống nước chanh, do đâu?; Không phải máu, 2 dấu hiệu lạ khi đi vệ sinh rất có thể là ung thư; 4 mẹo đi bộ buổi sáng để bắt đầu ngày mới đúng cách…

Cự ly 1 km: Đi bộ hay chạy bộ sẽ tốt hơn cho sức khỏe?

Đi bộ và chạy bộ đều mang lại nhiều lợi ích sức khỏe đáng kể. Đây là 2 hình thức tập luyện sức bền phổ biến, thường được so sánh với nhau về hiệu quả giảm cân, cải thiện tim mạch, sức khỏe tinh thần và thể lực.

Trên cùng một cự ly di chuyển, chẳng hạn 1 km, đi bộ và chạy bộ sẽ tạo ra những tác động khác nhau với cơ thể. Đi bộ là hoạt động nhẹ nhàng, ít gây áp lực lên khớp, phù hợp với hầu hết mọi người, đặc biệt là người mới bắt đầu tập, người cao tuổi hoặc người đang phục hồi sau chấn thương.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Trong 1 km, chạy bộ hay đi bộ tốt hơn? - Ảnh 1.

Chạy bộ giúp đốt calo nhiều hơn, giảm cân nhanh hơn nhưng có nguy cơ chấn thương cao hơn đi bộ

ẢNH: AI

Trong khi đó, chạy bộ có cường độ vận động mạnh hơn, đốt nhiều calo hơn trong thời gian ngắn. Hình thức tập này phù hợp với những người muốn giảm cân nhanh hoặc nâng cao thể lực. Tuy nhiên, tập cường độ cao cũng đi kèm với nhiều rủi ro hơn đi bộ.

Trên thực tế, cả đi bộ và chạy bộ đều giúp đốt calo, yếu tố then chốt để giảm cân. Tuy nhiên, chạy bộ đốt nhiều calo hơn vì cường độ vận động mạnh hơn. Một nghiên cứu của Trường Y Harvard (Mỹ) cho thấy, trong cùng một khoảng thời gian 30 phút, một người nặng 70 kg sẽ đốt khoảng 150 calo khi đi bộ với tốc độ 6,4 km/giờ. Trong khi đó, nếu họ chạy bộ với tốc độ 9,6 km/giờ thì lượng calo đốt được là 372 calo.

Nhưng nếu xét theo quãng đường, lượng calo tiêu hao không có khác biệt lớn như vậy. Đi bộ 1 km đốt khoảng 50-70 calo, còn chạy 1 km đốt khoảng 80-100 calo tùy vào cân nặng và tốc độ. Điều này cho thấy mỗi km, chạy bộ đốt nhiều hơn khoảng 30-50% calo so với đi bộ. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 9.5.

Không phải máu, 2 dấu hiệu lạ khi đi vệ sinh rất có thể là ung thư

Các chuyên gia từ Cơ quan nghiên cứu ung thư gan của Anh cho biết có 2 thay đổi khi đi vệ sinh có thể là dấu hiệu cảnh báo một căn bệnh ung thư chết người, cực kỳ khó phát hiện.

Ung thư ống mật hay ung thư đường mật, là loại ung thư xảy ra ở các ống nối gan, túi mật và ruột. Đây là dạng ung thư hiếm gặp, chiếm khoảng 3% các loại ung thư đường tiêu hóa. Vì ống mật nằm sâu bên trong cơ thể nên ung thư ống mật thường không được phát hiện cho đến khi khối u phát triển đủ để gây ra các triệu chứng.

 - Ảnh 2.

Có 2 thay đổi khi đi vệ sinh có thể là dấu hiệu cảnh báo căn bệnh ung thư chết người

Ảnh: AI

Tổ chức nghiên cứu ung thư gan của Anh Liver Cancer UK cho biết một số dấu hiệu chính của ung thư ống mật chỉ có thể phát hiện được khi đi vệ sinh.

Và 2 thay đổi cần chú ý là: Nước tiểu sẫm màu hoặc nhạt màu bất thường và phân nhạt màu “giống như bột nhão”.

Cả 2 triệu chứng đều có thể là dấu hiệu của chứng vàng da, một tình trạng khi gan chịu căng thẳng nghiêm trọng. Đối với ung thư ống mật, đây có thể là dấu hiệu cho thấy căn bệnh này đã chặn các ống dẫn đến gan, khiến mật tràn vào máu và các mô khác. Dấu hiệu khác của tình trạng vàng da là da và mắt có màu vàng, ngứa da. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 9.5.

Cẩn trọng trào lưu trên mạng xã hội: Ngứa sau thời gian uống nước chanh, do đâu?

Sau khoảng 10-20 ngày uống nước chanh để thải độc, trị bệnh, nhiều người gặp các triệu chứng như ngứa, nổi mẩn đỏ toàn thân, ho nhiều đờm, tuy nhiên, họ không biết nên dừng lại hay tiếp tục uống tiếp.

Trên một hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm về uống nước chanh để trị bệnh, nhiều thành viên chia sẻ có các triệu chứng như ngứa, nổi mẩn đỏ toàn thân, ho nhiều đờm, người mệt mỏi như cảm cúm. Điều này khiến họ phân vân không biết có nên tiếp tục uống chanh hay dừng lại. Tuy nhiên nhiều người cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thải độc, nên cứ tiếp tục kiên trì uống.

 - Ảnh 3.

Chia sẻ về trải nghiệm ngứa da sau thời gian uống nước chanh

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Bác sĩ Lê Thảo Nguyên, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, các biểu hiện trên hoàn toàn có thể liên quan đến việc lạm dụng chanh, nhất là khi uống vào lúc đói với lượng quá nhiều.

“Khi cơ thể tiếp nhận lượng lớn axit citric từ chanh liên tục trong nhiều ngày, đặc biệt khi không có nền tảng dinh dưỡng hợp lý, hệ tiêu hóa và miễn dịch có thể phản ứng lại. Nổi mẩn, ngứa da, ho, đau mỏi người,… là các phản ứng viêm hoặc kích ứng cho thấy cơ thể đang báo động”, bác sĩ Nguyên cho hay.

Ngoài ra, tình trạng ho có đờm và đau mỏi người cũng có thể xuất phát từ việc niêm mạc dạ dày – thực quản bị kích ứng. Việc uống nước chanh lúc bụng rỗng liên tục sẽ dễ gây trào ngược axit, làm cổ họng viêm nhẹ, ho khan hoặc ho đờm. Vậy nên, khi có các dấu hiệu kéo dài như ngứa da, nổi mề đay, ho không rõ nguyên nhân, đặc biệt nếu từng thay đổi thói quen ăn uống gần đây thì cần phải tạm ngừng ngay và đến cơ sở y tế để kiểm tra. Không nên tự ý tiếp tục với niềm tin “uống lâu sẽ quen”. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!