Sửa Luật Nhà giáo: Cần gắn chặt chẽ trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi dạy thêm

Đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 năm không bị trừ lương Xếp lương cao phải đi kèm với chất lượng giáo dục

Nâng cao vị thế, bảo đảm quyền lợi và phát triển đội ngũ nhà giáo

Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 45 điều, quy định về hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế đối với nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn tỉnh Hoà Bình) bày tỏ nhất trí với tinh thần và mục tiêu của dự thảo Luật Nhà giáo, nhằm nâng cao vị thế, bảo đảm quyền lợi và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Đề cập đến hoạt động dạy học ngoài chương trình chính khóa, nữ đại biểu cho biết, nội dung này khi xin ý kiến tại địa phương, có rất nhiều quan điểm. Nếu quy định ở Điều 7 sẽ giúp phân biệt được dạy thêm với dạy chính khóa, tăng tính minh bạch, quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, gắn chặt chẽ trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi dạy thêm.

Sửa Luật Nhà giáo: Cần gắn chặt chẽ trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi dạy thêm
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn tỉnh Hoà Bình). Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, nội dung này được điều chỉnh tại Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, nếu đưa vào Điều 7 sẽ chồng chéo hoặc mâu thuẫn với văn bản hiện hành dạy thêm, học thêm sẽ chồng chéo với văn bản hiện hành.

Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, quan điểm của ngành giáo dục là hạn chế dạy thêm, nhất là trong bối cảnh giáo dục phổ thông và học tập tích cực.

Vì vậy, để không hợp pháp hóa việc dạy thêm tràn lan, đồng thời ghi nhận thực tế nghề nghiệp, giữ được tính pháp lý, định hướng của đạo đức giáo dục, đại biểu đề nghị bổ sung thêm vào điểm e, khoản 2, Điều 7 như sau: “Các hoạt động dạy học ngoài chương trình chính khóa, bao gồm bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, dạy học bổ trợ ngoài giờ đúng quy định của pháp luật được coi là một phần hoạt động nghề nghiệp khi đảm bảo đúng mục đích giáo dục, không vụ lợi và tuân thủ các quy định về quản lý dạy thêm, học thêm hiện hành”.

Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục bình đẳng

Là người công tác nhiều năm trong ngành giáo dục, đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) nhất trí với đối tượng và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, bao gồm nhà giáo thuộc biên chế, hợp đồng lao động, nhà giáo là người nước ngoài trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Sửa Luật Nhà giáo: Cần gắn chặt chẽ trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi dạy thêm
Đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Quốc hội

Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bản và một số chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm.

Đồng thời, giao quyền chủ trì tham mưu về tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo; giao quyền chủ trì tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên cho cơ quan quản lý giáo dục hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục.

“Quy định việc tuyển dụng nhà giáo đảm bảo phải có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo. Những quy định này sẽ giúp ngành Giáo dục và đào tạo chủ động trong việc chuẩn bị đội ngũ nhà giáo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế tại cơ sở giáo dục”, đại biểu Trần Văn Thức nói.

Đại biểu Trần Văn Thức cũng đồng tình với việc dự thảo Luật đã cụ thể hóa chủ trương của Ban Chấp hành TW tại Nghị quyết 27-NQ/TW: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”; quy định tuổi nghỉ hưu thấp hơn (so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường) đối với giáo viên mầm non và cao hơn đối với nhà giáo có trình độ cao…

Cũng theo đại biểu Trần Văn Thức, việc tuyển dụng, tiếp nhận đội ngũ nhà giáo đã giao cho cơ quan quản lý giáo dục chủ trì thực hiện hoặc giao người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo phân cấp. Vì vậy, việc thuyên chuyển, bổ nhiệm nhà giáo làm cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cũng cần được điều chỉnh hướng này, theo đó cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc thuyên chuyển, bổ nhiệm nhà giáo làm cán bộ quản lý cơ sở giáo dục…

Sửa Luật Nhà giáo: Cần gắn chặt chẽ trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi dạy thêm
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) đề nghị bổ sung nguyên tắc bình đẳng giữa cơ sở giáo dục công lập với cơ sở giáo dục ngoài công lập, khẳng định dù học ở trường công lập hay ngoài công lập, thì việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo là hết sức quan trọng và học sinh, sinh viên được hưởng quyền và nghĩa vụ như nhau trong tiếp cận giáo dục và đào tạo, tránh sự phân biệt kỳ thị giữa các loại hình cơ sở giáo dục, bảo đảm được quyền lợi của học sinh, sinh viên và giáo viên.

Cũng theo đại biểu Mai Văn Hải, dự thảo Luật cũng đã quy định khá minh bạch trong tuyển dụng nhà giáo, rõ về thẩm quyền, trách nhiệm, phân cấp trong tuyển dụng của các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục. Song, cần phải quy định trong tuyển dụng phải thực hiện nguyên tắc đảm bảo tính cạnh tranh để nâng cao được chất lượng.

Liên quan đến chính sách thu hút, trọng dụng đối với nhà giáo, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, đây là những chính sách rất quan trọng, cần quy định chặt chẽ, khả thi, tránh được việc trục lợi chính sách.

“Tôi đề nghị đối tượng cần phải được quy định rõ hơn; cần phải đưa vào đối tượng là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nên có quy định tiêu chí để xác định người có trình độ cao, người có tài năng, người có năng khiếu đặc biệt, người có kỹ năng nghề cao để xác định đối tượng ưu tiên”, đại biểu Mai Văn Hải nói.