Thuốc giả khó phát hiện khi đi lấy mẫu

Thuốc giả tại các địa phương

Hiện đã có thể chế, phân cấp phân quyền, nhưng khâu tổ chức triển khai thực tế như thế nào để xảy ra các vụ việc thuốc giả, mỹ phẩm, thực phẩm giả vẫn xảy ra. Mặc dù có chế độ phân cấp, phân quyền rõ ràng, nhưng khâu tổ chức và triển khai thực tế còn nhiều bất cập.

Các bộ, ngành có trách nhiệm hướng dẫn, các địa phương tổ chức, nhưng vì sao vẫn để xảy ra các vụ việc như vừa qua, trên địa bàn các tỉnh, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người dân. Do đó, cần thảo luận, đề xuất các giải pháp. Nếu do thể chế, sẽ khẩn trương có các đề xuất điều chỉnh, sửa đổi.

Thuốc giả, thuốc không nguồn gốc khó phát hiện khi đi lấy mẫu- Ảnh 1.

Thuốc giả tập trung vào các thuốc điều trị phổ biến: kháng sinh, xương khớp

ẢNH: DAV.GOV.VN

Tại cuộc họp trực tuyến tổ chức sáng nay (7.5) với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành về kiểm soát, ngăn chặn thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm giả, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu các thực tế đang tồn tại khiến thuốc, thực phẩm giả tồn tại. Thực trạng này được cơ quan quản lý đánh giá là “ngày càng tinh vi, dễ len lỏi trong các khâu phân phối”.

Ông Tuyên cho rằng, cần có đánh giá thực tế sản xuất, buôn bán lưu thông sử dụng thực phẩm chức năng và thuốc, để thời gian tới có giải pháp bài bản hơn, siết chặt hơn công tác quản lý từng khâu, nhập khẩu, sản xuất, lưu thông, tiêu thụ.

Thuốc không rõ nguồn gốc bị bỏ lọt kiểm tra

Thông tin về thuốc giả, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết, thực tế giám sát cho thấy, thuốc giả tập trung kháng sinh, thuốc đặc trị (hô hấp, tiêu hóa, xương khớp).

Theo ông Hùng, hàng năm, Bộ Y tế đã xây dựng và triển khai các kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất về điều kiện kinh doanh; việc duy trì đáp ứng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc; tiến hành kiểm tra định kỳ trên 30% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc.

Riêng trong năm 2024 Cục Quản lý dược, Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã triển khai 170 đoàn kiểm tra sản xuất, bảo quản, phân phối về lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Qua đó, ban hành 46 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là trên 2,5 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Hùng nêu thực trạng, người dân vẫn tâm lý hoàn toàn tin vào người bán hàng, cơ sở bán lẻ trong khi hành vi vi phạm chất lượng thuốc chưa được kiểm soát, xử lý triệt để.

“Mua bán không hóa đơn, không chứng từ là cơ hội thuốc giả tồn tại, nhưng hành vi này chưa được xử lý nghiêm chưa triệt để, cơ hội thuốc giả len lỏi trong các cơ sở. Đi kiểm tra, các thuốc không có hóa đơn thì bị chủ kinh doanh giấu đi, nên không thể lấy các mẫu này để kiểm nghiệm”, ông Hùng nêu hạn chế tồn tại trong các năm qua, khiến khi lấy mẫu rất khó tìm thấy thuốc giả.

Thứ trưởng Tuyên cho rằng, cần khuyến khích người dân tố cáo các sản phẩm nghi giả, bán thuốc không nguồn gốc; tố cáo các cơ sở sản xuất thực phẩm, thuốc giả. 

“Đặc biệt, cần tăng cường quản lý kinh doanh online. Tăng cường kiểm tra đột xuất. Vì chỉ kiểm tra báo trước, định kỳ thì ở đâu cũng tốt”, ông Tuyên nói.

“Đề nghị các tỉnh, thành triển khai cao điểm trong tháng 5 đấu tranh phòng chống thuốc giả, thực phẩm chức năng giả. Các địa phương phải vào cuộc, chứ không chỉ kế hoạch trên sổ; và báo cáo kết quả về Bộ Y tế trước 10.6.2025”, ông Tuyên nhấn mạnh.