5 câu nói giúp người hướng nội thành công

Chuyên gia Stefan Falk với 30 năm kinh nghiệm đào tạo hàng nghìn lãnh đạo cho các tập đoàn lớn trên thế giới cho biết não bộ của người hướng nội thường suy nghĩ sâu, lên kế hoạch tỉ mỉ và dùng từ cẩn trọng khi giao tiếp. Kết quả là phong cách giao tiếp của họ chính xác, chu đáo và tác động mạnh đến người nghe.

Falk nhận thấy trong các cuộc họp, người hướng nội thường lắng nghe kỹ, phát biểu chính xác và tạo dựng được sự tin cậy.

Chuyên gia chỉ ra 5 câu nói người hướng nội thường dùng, góp phần vào hiệu quả giao tiếp của họ.

“Thành thật mà nói, tôi không biết”

Việc giả vờ hiểu biết thường gây lãng phí thời gian và dẫn đến quyết định sai lầm. Người hướng nội thường thẳng thắn thừa nhận điều mình không biết. Sự trung thực này không chỉ mới mẻ mà còn mang tính xây dựng, tạo không gian an toàn để người khác bày tỏ sự không chắc chắn, từ đó cải thiện tư duy và quyết định.

“Có lẽ tôi đang bỏ sót điều gì đó. Quan điểm của bạn về vấn đề này là gì?”

Thay vì cạnh tranh để có câu trả lời, người hướng nội tin vào giá trị từ góc nhìn của người khác. Họ ý thức mình không nắm bắt toàn bộ vấn đề và chủ động tìm kiếm ý kiến đa chiều để hoàn thiện vấn đề, tạo điều kiện cho những ý tưởng mới mẻ được khai thác.

“Tôi đã dành thời gian tìm hiểu về vấn đề này và…”

Khác với xu hướng nói quá về nỗ lực, người hướng nội thường thực chất và không khoa trương. Khi khẳng định đã tìm hiểu vấn đề, họ thực sự đã làm. Chất lượng công việc nói lên giá trị, khiến họ trở thành nhân tố thầm lặng nhưng quan trọng trong việc ra quyết định.

“Tôi muốn tạm dừng ở đây hơn là đưa ra giả định. Hãy đào sâu hơn”

Trước áp lực phải hành động nhanh, nhiều nhóm dễ bỏ qua sự mơ hồ và mắc sai lầm. Người hướng nội nhận biết khi nào cần chậm lại, không phải để trì hoãn, mà để đảm bảo tiến độ thực chất. Việc tạm dừng để suy nghĩ sâu hơn giúp thúc đẩy quyết định chính xác, giảm thiểu rủi ro và hối tiếc.

“Có vẻ như mối quan tâm của bạn là về thời điểm hơn là về bản thân ý tưởng. Bạn có đồng ý không?”

Những căng thẳng ngầm không được giải quyết thường cản trở hiệu quả công việc. Trong khi nhiều người có thể đồng thuận bề ngoài nhưng ngầm do dự, người hướng nội, với khả năng lắng nghe và suy ngẫm sâu sắc, thường nhận diện được những điều không được nói thẳng. Việc họ chỉ ra những khúc mắc giúp mang lại sự rõ ràng, thúc đẩy tiến độ khi mọi người cảm thấy được lắng nghe và sẵn sàng đóng góp.

Để giao tiếp chủ đích hơn như người hướng nội, ông Falk khuyên mỗi cá nhân nên:

Nói chuyện có mục đích: Lời nói cần có mục đích rõ ràng, mỗi từ, mỗi câu đều hướng cuộc trò chuyện đến một kết quả ý nghĩa.

Ngừng sử dụng những khái quát mơ hồ: Tránh nói chung chung kiểu “cần cải thiện hợp tác”. Thay vào đó, hãy cụ thể: “Đội A và B chưa nhất quán do mục tiêu mâu thuẫn. Đây là cách giải quyết…”.

Cấu trúc suy nghĩ trước những tương tác quan trọng: Trước các tương tác quan trọng, hãy sắp xếp suy nghĩ bằng cách viết ra: Điều chắc chắn; Điều tin nhưng chưa chắc; Điều chưa biết. Những điều này giúp giao tiếp tự tin và mạch lạc hơn.

Minh Phương (Theo CNBC)