Cuộc khủng hoảng nghỉ hưu của người Mỹ

Nhân dịp sinh nhật tuổi 80, bố của Feder thuê ngôi nhà trong trang trại ở Tuscany, Italy, để thưởng thức bữa ăn thượng hạng và rượu vang. Ông có số dư tài khoản cao nhất từ trước đến nay nên có thể thoải mái làm những gì mình muốn.

Bố anh, một giáo sư đại học, đã dành cả ngày đọc sách trong kỳ nghỉ cùng vợ. Họ đã tiết kiệm và mua nhà vào năm 1984 ở ngoại ô Washington D.C và giá của bất động sản này đã tăng gấp 5 lần.

Feder tận hưởng chuyến du lịch Italy cùng bố mẹ nhưng chạnh lòng bởi thấy đây là những thứ mình phấn đấu nhiều hơn nữa cũng không đạt được.

Anh thuộc thế hệ Millennials (sinh từ 1981-1994) lớn tuổi, đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc tài chính để chuẩn bị nghỉ hưu. Vợ chồng Feder bắt đầu tiết kiệm từ khi ngoài 20, mua nhà ở Brooklyn, New York trong đại dịch, ngay trước khi lãi suất tăng.

Cố vấn tài chính cho biết họ có 76% cơ hội đủ tiền nghỉ hưu như bố mẹ, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Người ta ước tính khoảng 50% người Mỹ không có bất kỳ khoản tiết kiệm hưu trí nào.

Tuy vậy, Feder vẫn nghi ngờ khả năng được nghỉ hưu thoải mái. Họ không sống trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng ổn định như thời bố mẹ. Đầu tư mỗi năm không thể sinh lời 7% và không có một nửa thu nhập khi nghỉ hưu đến từ an sinh xã hội. Để nghỉ hưu, cả hai phải tiếp tục tiết kiệm đều, không bị mất việc hay giảm lương.

Sự bất ổn ngày càng lan rộng khiến Feder cảm thấy thế hệ mình đang rơi vào trạng thái khủng hoảng nghỉ hưu.

Năm 2019, anh tham dự hội thảo trong Tuần lễ khí hậu London (Anh), nghe các nhà kinh tế dự đoán GDP toàn cầu có thể giảm 30% vào năm 2080, kể cả ở Mỹ.

Trong khi bố mẹ Feder hưởng lợi từ thời kỳ kinh tế tăng trưởng kéo dài, anh và bạn đồng lứa trải qua nhiều biến cố.

Anh tốt nghiệp đại học đúng lúc bong bóng cổ phiếu vỡ. Khi anh hoàn thành cao học, khủng hoảng tài chính năm 2008 ập đến. Thế hệ Millennials tuy học cao nhưng lại mang khoản nợ sinh viên lớn.

Nghiên cứu của Đại học Boston năm 2019 cho thấy thế hệ Millennials ở cuối tuổi 30 đang tụt lại phía sau Gen X và thế hệ Baby Boomer ở cùng thời điểm sự nghiệp. Họ gánh nợ cao gấp ba lần Baby Boomer, gấp đôi Gen X, trong khi tổng tài sản ít hơn lần lượt 15% và 36%.

Các nhà kinh tế cảnh báo chính sách thuế của Mỹ có thể khiến nền kinh tế tái cấu trúc lâu dài, làm chi phí sinh hoạt tăng mạnh.

Feder lo AI sẽ khiến công việc của anh mất giá trị. Khi New York phong tỏa vì Covid-19, anh chuyển đến Michigan, nơi được các nhà khoa học đánh giá là ít bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Nhưng không lâu sau, khu phố mà họ chọn đã bị lụt do mưa lớn bất thường và sau đó được tuyên bố là vùng thảm họa liên bang. Cơ hội việc làm ở Michigan ít, thu nhập của Feder giảm, việc tiết kiệm khó khăn. Anh cũng không có bạn bè hay người quen để tìm việc tốt hơn. Cuối cùng, họ trở lại New York, mang theo cảm giác bất lực như khi rời đi.

Hiện, vợ chồng anh vẫn cố gắng duy trì kế hoạch tiết kiệm hưu trí, dù không rõ tương lai ra sao.

“Có còn hơn không”, Feder nghĩ. Nhưng anh ngày càng tin rằng cách bố mẹ tích lũy tài sản đã không còn phù hợp với thế hệ anh.

Ngọc Ngân (Theo Business Insider)