Giá thuê căn hộ dịch vụ Hà Nội đắt hơn

Trong báo cáo thị trường mới đây, hãng dịch vụ bất động sản Avison Young cho biết tình hình hoạt động căn hộ dịch vụ ở Hà Nội duy trì tích cực ba tháng đầu năm.

Giá thuê căn hộ dịch vụ hạng A đạt trung bình 35 USD mỗi m2 một tháng, giữ ổn định so với quý trước. Một số dự án cao cấp ghi nhận giá thuê theo căn lên tới 6.000 USD (khoảng 154 triệu đồng) một tháng. Đơn cử, tại dự án khách sạn 5 sao trên phố Từ Hoa, quận Tây Hồ, căn hộ 3 phòng ngủ có diện tích hơn 170 m2 được chào thuê 6.200 USD (khoảng 160 triệu đồng) một tháng.

Đà tăng giá rõ nét thuộc về căn hộ hạng B, tăng 14% so với cuối năm ngoái, đạt trung bình 25 USD mỗi m2 một tháng. Mức cho thuê vượt 3.000 USD (khoảng 77 triệu đồng) xuất hiện ở loại căn diện tích lớn, bố trí 3-4 phòng ngủ tại một số dự án như Oriental Palace 22 Tây Hồ (quận Tây Hồ), Novotel Suites Hà Nội (quận Cầu Giấy) hay The Five Residences Hà Nội (quận Ba Đình)…

Tỷ lệ lấp đầy phân khúc này cũng duy trì tích cực trong quý I. Phân khúc hạng A có tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 82%, trong khi hạng B đạt 77%. Một số dự án hạng A ghi nhận công suất lên đến 80-90%.

Dữ liệu của hãng dịch vụ bất động sản Savills cũng cho thấy giá thuê căn hộ dịch vụ Hà Nội tiếp tục tăng 5% theo năm, đạt trung bình 610.000 đồng mỗi m2 (chưa gồm 10% VAT, đã gồm 5% phí dịch vụ).

Công suất lấp đầy của phân khúc này đạt 86%, tăng 2% theo quý và 4% theo năm. Trong đó căn hộ hạng A và B có công suất lấp đầy cao hơn theo quý.

Căn hộ dịch vụ được phân hạng dựa theo một số tiêu chí như vị trí, tiện ích, trang thiết bị, dịch vụ đi kèm và hệ thống an ninh. Về cơ bản, căn hạng A sẽ đáp ứng tiêu chí đánh giá tương đương với khách sạn 5 sao, còn hạng B tương ứng 4 sao.





Bất động sản trung tâm Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Bất động sản trung tâm Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Nhu cầu căn hộ dịch vụ được thúc đẩy bởi sự phát triển của các khu công nghiệp với dòng vốn FDI dồi dào cùng cơ sở hạ tầng được nâng cấp, theo ông Metthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội.

Số liệu của Chi cục thống kê TP Hà Nội chỉ ra 4 tháng đầu năm nay, thành phố đã thu hút gần 1,5 tỷ USD vốn FDI, tăng 31% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 114 dự án đăng ký cấp mới với số vốn 41 triệu USD. Thời gian qua, Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp như xây dựng hạ tầng công nghiệp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thu hút nhà đầu tư.

Ông Metthew cho biết các chuyên gia nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc làm việc tại các doanh nghiệp có vốn FDI, đại sứ quán, ngân hàng quốc tế, khu công nghiệp vẫn là nhóm khách thuê chủ yếu của thị trường căn hộ dịch vụ. Tại các tỉnh công nghiệp lân cận như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, nguồn cung loại hình này còn hạn chế nên Hà Nội vẫn là điểm đến chính cho nhóm khách thuê có nhu cầu chỗ ở chất lượng cao.

Cùng quan điểm, chuyên gia Avison Young cho biết ngành du lịch đang phục hồi tích cực, tạo thuận lợi cho thị trường căn hộ dịch vụ. Quý I, Hà Nội ước đón 7,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 8,7% so cùng kỳ. Trong bối cảnh du khách quốc tế ngày càng ưu tiên loại hình lưu trú linh hoạt, các dự án căn hộ dịch vụ được đầu tư đầy đủ tiện ích như hồ bơi, phòng gym, lễ tân, an ninh 24/7 trở thành lựa chọn ưu tiên.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, giao thông với các tuyến vành đai, cao tốc ngày càng hoàn thiện giúp việc di chuyển giữa trung tâm thành phố và các khu công nghiệp thuận tiện hơn, cũng thúc đẩy nhu cầu thuê phân khúc này.

Dù có quý đầu năm khả quan, thị trường căn hộ dịch vụ có thể đối diện với nhiều thách thức khi Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam thời gian tới (thuế này tạm hoãn trong 90 ngày). Các chuyên gia cho biết hạ tầng khu công nghiệp cũng như thương mại dịch vụ, nhà ở sẽ chịu tác động trực tiếp khi dòng vốn ngoại sụt giảm khiến nhóm chuyên gia, lao động thu nhập cao từ doanh nghiệp ngoại giảm nhu cầu thuê – mua.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam, cho biết sắc thuế nếu áp dụng sẽ gây tâm lý lo ngại cho các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam trong ngắn hạn. Thay vì xu hướng mở rộng đầu tư, họ sẽ có xu hướng trì hoãn, quan sát tình hình.

Tuy nhiên, ông David vẫn đặt kỳ vọng các nhà đầu tư FDI sẽ có kế hoạch dự phòng và tầm nhìn dài hạn. Bài học từ đại dịch Covid-19 đã giúp nhiều doanh nghiệp thận trọng hơn trong quản lý tồn kho và kiểm soát sản lượng nhằm tránh gián đoạn đơn hàng khi chi phí logistics tăng vọt.

Chuyên gia Savills cho biết về dài hạn, Việt Nam vẫn duy trì lợi thế và tiềm năng với các nhà đầu tư FDI. Lợi thế này đến từ những cải cách tích cực của Nhà nước để tinh gọn bộ máy, đơn giản hóa thủ tục đầu tư cùng việc đầu tư hàng loạt dự án lớn như cao tốc Bắc Nam, đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai.

Trong tương lai, nguồn cung căn hộ dịch vụ được dự báo tiếp tục tăng trưởng. Savills cho biết năm nay, 7 dự án dự kiến ra mắt tại Hà Nội với hơn 1.000 căn. Phần lớn nguồn cung tương lai nằm ở khu vực nội thành, khoảng 22% còn lại nằm ở khu vực phía Tây. Từ năm 2025, 18 dự án dự kiến tung ra thị trường, cung cấp hơn 4.100 căn mới.

Ngọc Diễm