‘Người nổi tiếng phải bồi thường thiệt hại khi quảng cáo sai’

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi sáng 10/5, đại biểu Trần Khánh Thu (cán bộ Sở Y tế Thái Bình) cho rằng vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả vừa qua thể hiện sự lỏng lẻo trong quản lý quảng cáo và chất lượng sản phẩm.

Các công ty này đều có giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, công bố sản phẩm. Nhưng qua điều tra, kiểm định của cơ quan công an, sản phẩm này lại bị xác định là hàng giả. Trong khi đó, người quảng cáo là ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên không thể tự kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa.

Đại biểu Thu cho rằng việc yêu cầu người nổi tiếng thông báo trước đến người tiếp nhận quảng cáo về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo cũng khó khả thi. “Phải chăng là viết lên Facebook, đăng lên tiktok, YouTube nói tôi chuẩn bị quảng cáo cho nhãn hàng này, sản phẩm kia?”, bà đặt vấn đề.

Để đảm bảo tính khả thi, nữ đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế xử lý trách nhiệm liên đới và bồi thường với người nổi tiếng khi quảng cáo sai sự thật. Ngược lại, nếu họ đã thực hiện đầy đủ việc thẩm định dựa trên giấy tờ, hồ sơ pháp lý do doanh nghiệp cung cấp thì sẽ không bị xem là cố tình quảng cáo gian dối, mà chủ doanh nghiệp/sản xuất phải chịu trách nhiệm chính.





Đại biểu Trần Khánh Thu phát biểu tại hội trường ngày 10/5. Ảnh: Giang Huy

Đại biểu Trần Khánh Thu phát biểu tại hội trường ngày 10/5. Ảnh: Giang Huy

Bà dẫn chứng tại Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang yêu cầu người nổi tiếng phải tiết lộ mối quan hệ tài chính với thương hiệu khi quảng cáo sản phẩm. Quảng cáo phải trung thực, không gây hiểu lầm về hiệu quả hoặc tính năng của sản phẩm.

Hàn Quốc cấm các hoạt động quảng cáo trá hình trên mạng xã hội. Nếu vi phạm có thể bị phạt tối đa 500 triệu won (khoảng 8,7 tỷ đồng). Nước này cũng cấm nghệ sĩ làm gương mặt đại diện cho các hãng rượu để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.

Bà chỉ rõ quy định của các nước rất nghiêm ngặt nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo tính trung thực trong hoạt động quảng cáo. Người nổi tiếng phải tuân thủ khi tham gia quảng cáo để tránh các hậu quả pháp lý và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân.





Hằng du mục và Quang Linh Vlogs trong một phiên bán hàng livestream. Ảnh chụp màn hình

Hằng du mục và Quang Linh Vlogs trong một phiên bán hàng livestream. Ảnh chụp màn hình

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Phó đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật; mặt hàng tiêu dùng từ xa xỉ đến thiết yếu bị thổi phồng công dụng, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng.

Vì vậy, bà đồng tình tăng nặng mức xử phạt với người nổi tiếng khi quảng cáo sai sự thật. Chính phủ cũng cần sớm sửa đổi nghị định xử phạt trong lĩnh vực quảng cáo, nâng cao mức phạt để đảm bảo tính răn đe, trong đó bổ sung quy định đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, pháp lý của người nổi tiếng.

“Trước vấn nạn quảng cáo sai sự thật của người nổi tiếng thời gian qua, cơ quan chức năng cần nghiên cứu cơ chế quản lý nghiêm với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng”, bà nói.

Đại biểu Trịnh Xuân An (chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, Anh ninh và Đối ngoại) cho rằng chế định pháp lý về quảng cáo hiện nay chưa có biện pháp xử lý rõ ràng với “người có ảnh hưởng”. Bên cạnh người có trình độ, chuyên môn, người có ảnh hưởng còn là nhân vật trên mạng xã hội luôn tìm cách gây sự chú ý, có cả người mẫu, ca sĩ, diễn viên, người tạo scandal để nổi tiếng.

“Cần siết hoạt động quảng cáo của nhóm này. Người nào khả năng chuyên môn, liên quan mới quảng cáo được. Một hoa hậu, diễn viên được mời quảng cáo vì hình ảnh đẹp, có nhiều người theo dõi, nhưng họ sẽ không có kiến thức về sản phẩm”, ông An nói.

Dự án Luật Quảng cáo sửa đổi dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 11/6.

Sơn Hà