Từ người vợ bị phụ bạc đến tỷ phú được ngưỡng mộ

Bà Zang Jianhe sinh năm 1945 ở tỉnh Sơn Đông. Cha bỏ rơi ba mẹ con, khiến Zang phải vất vả mưu sinh từ nhỏ. Năm 16 tuổi, gia đình bà chuyển tới Thanh Đảo. Ở đây cô gái trẻ gánh vác gia đình bằng nghề y tá.

Thời đó bà Zang có nhiều người theo đuổi nhưng đều từ chối. Khi đã lo cho em gái út yên bề gia thất, bà mới kết hôn với một bác sĩ Thái Lan. Họ có với nhau hai con gái.

Năm 1976, chồng Zang về nước theo yêu cầu của gia đình. Trước khi đi, ông hứa sẽ đưa ba mẹ con bà sang đoàn tụ. Hơn một năm sau, ngày đoàn viên hóa thành ác mộng.

Tới nơi bà mới hay gia đình chồng là một gia tộc giàu có, nhiều đời kinh doanh lụa. Chồng bà đã cưới người phụ nữ khác và một đứa con trai. Mẹ chồng nói vì Zhang chỉ có hai con gái, nên ép bà phải chấp nhận việc chồng có vợ lẽ.

“Anh chọn em hay cô ta?”, bà hỏi. Người chồng nhìn sang vợ mới. Giây phút đó bà Zhang biết không còn gì có thể cứu vãn.

Quê cũ không thể về, bà đem con đến Hong Kong, thuê một căn phòng 4 m2 không cửa sổ. Với rào cản ngôn ngữ và thiếu bằng cấp chính thức, Zang phải làm những công việc chân tay gần 20 giờ mỗi ngày.

Một lần lau sàn ở khách sạn, bà bị tai nạn gãy cột sống, sau đó còn bị đuổi việc, không được trả lương. “Tôi bò xuống giường sau 13 ngày vì không đi làm ba mẹ con sẽ chết đói mất”, bà nhớ lại.

Một luật sư giúp bà đòi được 30.000 đô-la Hong Kong (HKD) tiền bồi thường và 4.500 HKD tiền lương. Nhưng bà chỉ nhận được 4.500 HKD lương.

“Dù chết rét cũng đứng trong gió, dù chết đói cũng không cúi đầu, nhận trợ cấp sẽ mất đi ý chí, con cái cũng không thể ngẩng đầu”, bà nói.





Ba mẹ con bà Zang. Ảnh: Baidu

Ba mẹ con bà Zang. Ảnh: Baidu

Một người bạn đến thăm phát hiện bà Zang làm há cảo rất ngon, nên động viên bán. Hôm sau, bà mang theo hai con đến bến tàu Wan Chai – nơi đông người qua lại giữa Cửu Long và Hong Kong – mở quầy.

Ngày đầu tiên, bà vừa sợ vừa xấu hổ. Giữa dòng người đông, bà cúi đầu gói bánh, nhưng hai con gái lại rất hồn nhiên gọi mời khách.

Trong nhiều năm tiếp theo, Zang kiên trì tạo ra những chiếc há cảo ngon từ nguyên liệu tươi nhưng giá bán phải chăng. Bà cải tiến công thức, học cách lên men, bảo quản đông lạnh.

Khi lượng khách tăng, Zang thuê một cửa hàng nhỏ, chính thức mở tiệm Wanchai Ferry. “Muốn ăn món Sơn Đông chính gốc phải đến Wanchai Ferry”, người Hong Kong rỉ tai nhau.

Năm 1983, bà mở nhà máy đầu tiên, nhận đầu tư từ chuỗi cửa hàng Nhật Daimaru. Đến 1999, Wanchai Ferry đạt doanh thu 500 triệu tệ và bà Zang được báo chí gọi là “Nữ hoàng há cảo”.





Bà Zang, người được mệnh danh Nữ hoàng sủi cảo. Ảnh: Baidu

Bà Zang, người được mệnh danh “Nữ hoàng há cảo”. Ảnh: Baidu

Sau đó, bà bán công ty cho tập đoàn thực phẩm Mỹ General Mills nhưng vẫn giữ vai trò cố vấn. Thương hiệu Wanchai Ferry tiếp tục phát triển mạnh tại Trung Quốc, Hong Kong, Mỹ và các nước châu Âu.

Tháng 2/2019 nữ tỷ phú Zang qua đời. Thời điểm đó đế chế bà gây dựng có 15 cơ sở toàn cầu, doanh thu đạt 6 tỷ tệ mỗi năm.

Có người hỏi sao không tái hôn, bà Zang đáp: “Tôi từng dựa vào một người đàn ông và mất tất cả. Sau này, tôi dựa vào chính mình và có tất cả”.

Đây cũng là tư tưởng bà dạy các con gái. “Ra đời, gặp ai cũng phải nhớ Người quý giá nhất trong đời con chính là con”.

Gần đây câu chuyện về cuộc đời Zang Jianhe được dư luận chú ý sau khi bộ phim The Dumpling Queen (Nữ hoàng há cảo) công chiếu ở Trung Quốc.

Bảo Nhiên (Theo Baidu)