Ước mơ ‘nghỉ hai ngày cuối tuần’ của người Trung Quốc

Cô cho biết các công ty có chế độ làm việc tốt nhất là “nghỉ luân phiên”, tuần nghỉ một ngày, tuần kế tiếp được nghỉ hai ngày.

Tháng trước, sau khi chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách hạn chế làm thêm giờ, nhiều công ty đã tăng thời gian nghỉ cho nhân viên. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cũng đề xuất kế hoạch yêu cầu nhà sử dụng lao động không kéo dài giờ làm việc trái phép và thực thi nghỉ phép có lương hàng năm.

Tuy nhiên, Zhao cho rằng tuần hai ngày nghỉ là điều xa xỉ.





Tranh cãi tuần hai ngày nghỉ ở Trung Quốc

Công nhân ở nhà máy may mặc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, tháng 4/2025. Ảnh: Think China

Văn hóa làm việc 996 (9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần) ở Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng kiệt sức của người lao động và sự cạnh tranh “tự hủy hoại” trở thành chuẩn mực. Vấn nạn này nghiêm trọng đến mức năm 2021 chính phủ nước này đã tuyên bố lịch làm việc “996” là bất hợp pháp.

Zhao Qing cho biết tìm được công việc với cuối tuần xen kẽ đã là “quá tốt”, vì nhiều công ty còn đưa giờ làm thêm vào đánh giá hiệu suất “Bạn phải làm thêm 40 giờ mỗi tháng để được coi là hoàn thành trách nhiệm”, cô nói.

Đối với các doanh nghiệp, thực hiện cuối tuần hai ngày đồng nghĩa với chi phí lao động cao hơn. Trong khi đó, với 12,22 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học năm nay, các nhà tuyển dụng không lo thiếu nhân sự. Ngược lại người tìm việc sẽ gần như không thể tìm được việc nếu yêu cầu là “được nghỉ cuối tuần đầy đủ”.

Ông Chang Chih-chung, trưởng khoa Nhân văn và Khoa học Xã hội tại Đại học Kainan, cho rằng chính phủ Trung Quốc thúc đẩy cuối tuần hai ngày chủ yếu vì tình trạng dư thừa công suất trong một số ngành.

Theo ông, từ Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương năm ngoái, chính quyền đã nhấn mạnh cần giải quyết vấn đề involution (sự cạnh tranh vô nghĩa và tự hủy hoại). Để đối phó với vấn đề này, các công ty như DJI, Midea và Haier đã áp dụng chế độ nghỉ cuối tuần hai ngày trong năm nay.

Một số công ty Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi thương chiến Mỹ – Trung. Để đối phó, nhiều doanh nghiệp, như các nhà máy ở Quảng Đông, đã giảm sản xuất và áp dụng cuối tuần hai ngày.

Ông Chang nhấn mạnh ngành công nghiệp Trung Quốc hiện đang bước vào giai đoạn đòi hỏi nhiều thời gian giải trí và tiêu dùng hơn. Tuy nhiên, việc văn hóa cuối tuần hai ngày có thể phát triển hay không phụ thuộc vào việc cải thiện quyền lợi người lao động.

Ông nhấn mạnh dù các mục tiêu chính sách đã rõ, lợi ích của cuối tuần hai ngày sẽ không được chấp nhận nếu không có thay đổi cơ cấu sâu rộng trong xã hội.

“Với các quốc gia hiện đại, chính sách này nên là hướng đi tương lai”, ông nói.

Ngọc Ngân (Theo Think China)