Người Trung Quốc sang Đông Nam Á nghỉ hưu

Gia đình đã có một năm sống và du lịch ở Vân Nam, Trung Quốc nhưng không thấy thích. Bà Xu, chủ một doanh nghiệp thuốc đông y có tiếng ở Thượng Hải, hiện sống trong căn nhà hai tầng ở Chiang Mai. Khu vực này ngày càng thu hút nhiều người nghỉ hưu Trung Quốc. “Điểm hấp dẫn nhất là thời tiết dễ chịu”, bà nói.





Gia Đình Bà Xu Ở Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh: Cna

Gia đình bà Xu ở Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh: CNA

Đang có một làn sóng người Trung Quốc chuyển đến các quốc gia Đông Nam Á sau khi nghỉ hưu.

Ở Philippines, từ giữa năm 2024, khoảng 78.000 visa cư trú đặc biệt cho người nghỉ hưu (SRRV) đã được cấp, trong đó khoảng 30.000 người là công dân Trung Quốc.

Trong 10 năm qua, gần một nửa trong số 22.300 đơn đăng ký visa cư trú nghỉ hưu ở Malaysia là của người Trung Quốc, theo công bố của Bộ Du lịch vào tháng 3/2025.

Tại Thái Lan, một công ty visa ở Chiang Mai báo cáo người nghỉ hưu Trung Quốc chiếm gần 1/3 trong số 300 khách hàng mỗi tháng, chủ yếu tìm kiếm visa cư trú dài hạn.

Cũng ở Chiang Mai, người Trung Quốc đã chi 5 tỷ baht mua bất động sản trong thập kỷ qua, đẩy giá đất tăng mạnh ở các quận như Hang Dong, đồng thời một cửa hàng nội thất địa phương ghi nhận doanh thu tăng 30% trong hai năm nhờ đơn hàng từ khách Trung Quốc.

Dữ liệu từ Trip.com cho thấy lượng đặt chỗ du lịch của người Trung Quốc trên 50 tuổi tăng 34% vào cuối năm ngoái với gần 20% du khách đi nước ngoài thuộc nhóm này, phản ánh sức hút của Đông Nam Á đối với người nghỉ hưu hoặc nghỉ dưỡng dài hạn.

Ông Nelson Chua, 60 tuổi, đã điều hành doanh nghiệp nhập khẩu xe tải và xuất khẩu trái cây ở Phúc Kiến, Trung Quốc suốt 40 năm. Ở tuổi hưu, ông chọn TP Davao, đảo Mindanao, Philippines để sống cùng vợ và hai con.

Họ yêu Davao bởi nó không đông đúc và ô nhiễm như thủ đô Manila. “Davao có bầu không khí trong lành với địa hình núi và biển”, ông Chua nói.

Trung Quốc đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh. Nếu trước đó, người nghỉ hưu chọn sống cùng con cái hoặc trải qua những năm cuối đời trong các viện dưỡng lão thì hiện nay họ đang tìm cơ hội sống ở Đông Nam Á.

Chuyên gia cho rằng Đông Nam Á với thời tiết tốt, chi phí sinh hoạt thấp hơn và sự gần gũi về địa lý với các thành phố ở đại lục là điểm hấp dẫn.

Ngoài ra, nhiều nước Đông Nam Á có chính sách visa dài hạn, linh hoạt và các chương trình bảo hiểm phù hợp. Điều này góp phần quan trọng trong việc thu hút người cao tuổi Trung Quốc, với sức chi tiêu ngày càng tăng.

“Ở đây, việc thuê người chăm sóc cũng rẻ hơn”, Chua nói.





Người Nghỉ Hưu Đánh Golf Ở Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh: Cna

Người nghỉ hưu đánh golf ở Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh: CNA

Grace Ng, một chuyên gia tài chính nghỉ hưu, cảm thấy như ở nhà giữa cộng đồng người gốc Hoa ở Penang, Malaysia. Gần đây, bà mua một bất động sản ven biển Batu Ferringhi trị giá khoảng 283.000 USD. Grace thích khí hậu nhiệt đới, dịch vụ y tế và chất lượng cuộc sống ở đây. Bà không gặp khó khăn để thích nghi.

Thái Lan, điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc, đang thu hút ngày càng nhiều người Trung Quốc nghỉ hưu. Các doanh nghiệp ở Chiang Mai cho biết làn sóng người Trung Quốc đến đây đã giúp hoạt động kinh doanh khởi sắc.

Tuy nhiên, vấn đề visa nghỉ hưu cho công dân Trung Quốc trở thành mối lo tại Philippines sau khi bốn người bị bắt vào năm 2024 vì sử dụng loại visa này để lưu trú. Sự việc khiến chính phủ siết chặt kiểm tra và phát hiện khoảng 30.000 người Trung Quốc được cấp visa nghỉ hưu chưa đủ 50 tuổi theo quy định, nhiều người chỉ khoảng 35.

Dù bất động sản và chi phí sống rẻ thu hút người nghỉ hưu Trung Quốc, họ vẫn đối mặt nhiều thách thức khác. Ở Thái Lan, giới chức lo ngại nước này thiếu nhân lực và cơ sở vật chất phù hợp để đáp ứng số người cao tuổi Trung Quốc gia tăng.

“Người nghỉ hưu là nhóm mà Thái Lan chưa đủ nhân lực để chăm sóc”, tiến sĩ Danaitun Pongpatcharatorntep ở Đại học Chiang Mai, nói.

Ông cho rằng nếu các quốc gia Đông Nam Á không chuẩn bị đầy đủ nhân sự, việc tiếp nhận thêm người nghỉ hưu Trung Quốc có thể tạo áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và y tế của quốc gia bản địa.

Ngọc Ngân (Theo CNA)