Tổng hành dinh và những quyết định lịch sử

Với khí thế thần tốc “vẽ bản đồ không kịp bước quân đi”, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 cách đây 50 năm đã kết thúc thắng lợi.

Cùng với nỗ lực của toàn quân, toàn dân, đại thắng mùa Xuân năm ấy gắn với sự lãnh đạo và điều hành trực tiếp của Bộ Thống soái tối cao. Đó chính là Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh với trung tâm đầu não là Tổng hành dinh. Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, nhiều cuộc họp mang tính chất quyết định để quân và dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi cuối cùng.

Cơ quan Tổng hành dinh nằm trong khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long. 7.000 ngày đêm làm việc, hơn 1.000 cuộc họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh tại đây chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Quyết định thời điểm giải phóng miền Nam thay đổi liên tục xuất phát từ những diễn biến trên chiến trường.

Tổng Hành Dinh Và Những Quyết Định Lịch Sử - Ảnh 1.

Cơ quan Tổng hành dinh nằm trong khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

“Mỗi một cuộc họp như vậy là thay đổi quyết tâm khi tình hình có sự thay đổi lớn. Về lực lượng, trước đây có 5 sư đoàn ở Điện Biên Phủ, nhưng đến giải phóng miền Nam, chúng ta có 5 quân đoàn chủ lực, toàn những quả đấm chủ lực sắt đá, lại có kinh nghiệm”, Đại tá Trần Bích (nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự) chia sẻ.

Dưới tán rừng ở Tây Nguyên một chiều cuối tháng 2/1975, Tổng Tham mưu trưởng, đại tướng Văn Tiến Dũng thông qua phương án đánh Buôn Ma Thuột. Trước ngày khai hỏa, đại tướng đã thị sát bến vượt sông Sêrêpôk ở Đắk Lắk. Với kế hoạch cho trận quyết chiến chiến lược đã được Bộ Chính trị thông qua, yêu cầu lúc này là phải đảm bảo bí mật cho xe tăng vượt sông.

“Lúc đầu chỉ là trận đánh quy mô lớn ở Tây Nguyên, nhưng khi thời cơ đến chúng ta chuyển từ tiến công chiến lược thành tổng tiến công và nổi dậy. Quan trọng nhất là Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Chính trị nhận định và đánh giá hết sức linh hoạt, sáng tạo và nắm chắc thời cơ, phân tích rõ tình hình địch – ta. Đây là những yếu tố để đưa ra những quyết định mang tính lịch sử”, Thượng tướng Trần Việt Khoa (Giám đốc Học viện Quốc phòng) nhận định.

Mật lệnh được trưng bày trong phòng làm việc của đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Tổng hành dinh. 40 chữ truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ đã tiếp thêm sức mạnh, thúc giục đạo quân trên đường hành tiến hướng về phía Nam nhanh nhất.

Cũng tại Tổng hành dinh, Quân ủy Trung ương đưa ra một kiến nghị đặc biệt, được Bộ Chính trị bổ sung vào nghị quyết, đó là,”vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”.

“Giữa tháng 4, kế hoạch giải phóng quần đảo Trường Sa được bổ sung vào trong kế hoạch tác chiến; lấy lực lượng của quân khu 5 và của hải quân giải phóng Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca. Khi giải phóng Trường Sa lớn đúng ngày 29/4, cùng nhịp với trong đất liền. Nếu như ta chậm tiến độ 2 tuần, khả năng là quân đội nước ngoài họ chiếm mất”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh (nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu) cho biết.

Điểm cập nhật tình hình chiến sự ở miền Nam tại Thủ đô Hà Nội những ngày cuối tháng 4, mỗi ngày, mũi tên đỏ đánh dấu những vùng giải phóng gần hơn với trung tâm Sài Gòn. 55 năm ngày đêm để giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa đã chứng tỏ sự sáng suốt của Bộ Thống soái tối cao, để làm nên một mùa Xuân Đại thắng.

Đóng Góp To Lớn Của Lực Lượng Công An Nhân Dân Trong Kháng Chiến Chống Mỹ, Cứu Nước Đóng góp to lớn của lực lượng công an nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng CAND đã góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng anh hùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!