GB là gì? Nên mua điện thoại bao nhiêu GB là đủ? Giải đáp về dung lượng lưu trữ trên smartphone

Khi chọn mua điện thoại, bên cạnh thương hiệu, thiết kế hay camera, một trong những yếu tố quan trọng nhất mà người dùng thường quan tâm là dung lượng bộ nhớ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ GB là gì, RAM và ROM khác nhau thế nào, hay nên mua điện thoại bao nhiêu bộ nhớ là đủ dùng? Bài viết này, Hoàng Hà Mobile sẽ giúp bạn giải mã toàn bộ thắc mắc về dung lượng lưu trữ trên smartphone một cách rõ ràng, dễ hiểu và gần gũi nhất.

GB là gì?

Đây là từ là viết tắt của từ Gigabyte, một đơn vị đo lường dung lượng bộ nhớ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong hệ thống đo lường quốc tế, 1GB = 1024 MB (Megabyte). Và trong thực tế, đơn vị này dùng để đo dung lượng của dữ liệu, chẳng hạn như dung lượng bộ nhớ trong điện thoại, dung lượng tệp tin như video, hình ảnh, nhạc, ứng dụng…

Gb-1

Để dễ hình dung, bạn có thể tưởng tượng như sau: Một tấm ảnh độ phân giải cao khoảng 2-3MB, một bản nhạc MP3 có thể chiếm khoảng 5MB, còn một bộ phim Full HD dài 2 tiếng có thể nặng đến 1,5GB. Như vậy, nếu điện thoại bạn có bộ nhớ 64GB, bạn có thể lưu trữ được hàng nghìn bức ảnh, hàng trăm bản nhạc và vài bộ phim, mà tất nhiên là còn tùy theo dung lượng hệ điều hành và các ứng dụng đã cài nữa.

ROM – Bộ nhớ trong điện thoại là gì? Có quan trọng không?

ROM là viết tắt của “Read-Only Memory”, hay còn được gọi là bộ nhớ trong – nơi lưu trữ hệ điều hành, ứng dụng và dữ liệu cá nhân như hình ảnh, video, tài liệu của bạn. Khi nói một chiếc điện thoại có ROM 64 GB, có nghĩa là nó có tổng dung lượng lưu trữ 64GB (dù thực tế chỉ sử dụng được khoảng 50–55GB do phần còn lại bị hệ điều hành chiếm dụng).

Gb-2

Trong smartphone, ROM đóng vai trò như “một chiếc tủ đồ” chính, nơi bạn cài app, lưu hình ảnh, tải nhạc, quay video… tất cả đều chiếm dung lượng trong ROM. Nếu bộ nhớ này bị đầy, bạn sẽ gặp tình trạng lag, không thể cài thêm app, thậm chí máy báo đầy dù bạn mới chỉ chụp vài bức hình. 

Ngày nay, nhiều ứng dụng ngày càng nặng hơn, ảnh và video có độ phân giải cao hơn. Vì vậy, lựa chọn một chiếc điện thoại có dung lượng ROM vừa đủ, hoặc dư một chút sẽ giúp bạn dùng lâu dài, không lo thiếu chỗ lưu trữ.

RAM – Bộ nhớ khả dụng là gì? Có quan trọng không?

Khác với ROM, RAM là bộ nhớ tạm thời, viết tắt của “Random Access Memory”. Bạn có thể hình dung RAM giống như bàn làm việc của bạn: Bàn càng rộng, bạn càng có thể làm được nhiều việc cùng lúc mà không bị rối tung lên. Trên điện thoại cũng vậy, RAM càng nhiều thì bạn chạy nhiều ứng dụng cùng lúc càng mượt mà.

Gb-3

RAM không lưu trữ dữ liệu lâu dài mà chỉ hỗ trợ trong quá trình bạn sử dụng máy. Ví dụ, khi bạn mở YouTube, Facebook và Zalo cùng lúc, hệ thống cần RAM để giữ cho các ứng dụng đó hoạt động ổn định, không bị “thoát ra” hay giật lag. Nếu RAM quá thấp, bạn sẽ gặp tình trạng giật máy, đứng máy hoặc phải mở lại ứng dụng từ đầu.

Với hệ điều hành Android hiện nay, tối thiểu bạn nên chọn thiết bị có RAM từ 4 GB trở lên để bảo đảm trải nghiệm mượt mà. Còn nếu bạn dùng iPhone vốn tối ưu hệ điều hành tốt thì RAM từ 3GB trở lên vẫn có thể hoạt động ổn định.

Tuy nhiên, RAM và ROM không thể thay thế nhau. RAM hỗ trợ xử lý tạm thời, còn ROM lưu trữ lâu dài. Vậy nên, khi mua điện thoại, bạn cần cân nhắc cả hai yếu tố này để tìm được chiếc máy phù hợp.

So sánh RAM và ROM

Tiêu chí RAM ROM
Tên đầy đủ Random Access Memory Read-Only Memory
Chức năng chính Xử lý tạm thời khi thiết bị hoạt động Lưu trữ dữ liệu lâu dài
Có thể lưu giữ thông tin Không (xóa khi tắt máy) Có (giữ dữ liệu sau khi tắt máy)
Tác động đến hiệu năng Tác động lớn đến tốc độ và độ mượt của máy Tác động đến khả năng lưu trữ
Có thể nâng cấp Một số dòng máy cho phép Một số máy Android hỗ trợ thẻ nhớ ngoài
Dung lượng phổ biến (GB) 2, 4, 6, 8, 12, 16 32, 64, 128, 256, 512

Gb-4

Nên mua điện thoại bao nhiêu GB ROM?

Khi chọn mua điện thoại, dung lượng ROM là yếu tố then chốt quyết định khả năng lưu trữ dữ liệu của bạn. Vậy nên mua điện thoại bao nhiêu dung lượng ROM là hợp lý để sử dụng thoải mái mà không lo đầy bộ nhớ?

Điện thoại ROM 16GB

Điện thoại có ROM 16GBhiện nay rất hiếm và thường chỉ thấy ở các dòng giá rẻ cũ. Với dung lượng này, sau khi trừ hệ điều hành, người dùng chỉ còn khoảng 10GB để sử dụng. Điều này không đủ để cài đặt nhiều ứng dụng hay lưu ảnh, video.

Gb-5

Dung lượng ROM này phù hợp với những ai chỉ dùng điện thoại để nghe gọi, nhắn tin và thi thoảng lướt web. Nếu bạn thường xuyên chụp ảnh, chơi game hay xem video, thì điều này là quá hạn chế.

Điện thoại ROM 32GB

ROM 32 GB là một bước nâng cấp nhỏ so với 16GB. Dù vậy, bạn cũng sẽ nhanh chóng “chạm trần” dung lượng nếu có thói quen lưu trữ nhiều ảnh hoặc dùng nhiều mạng xã hội. Với mức dung lượng này, bạn có thể cài khoảng 2–5 ứng dụng, lưu trữ vài trăm ảnh và một vài video ngắn.

Gb-6

ROM 32GB thích hợp với người lớn tuổi, học sinh tiểu học hoặc những ai không yêu cầu nhiều về tính năng.

Điện thoại ROM 64GB

Đây là mức dung lượng phổ biến nhất hiện nay ở phân khúc tầm trung. Với 64 GB, bạn có thể thoải mái cài đặt ứng dụng, chơi game nhẹ, lưu ảnh và video cơ bản. Đối với người dùng thông thường, đây là mức đủ dùng trong vòng 1–2 năm mà không phải xóa bớt dữ liệu thường xuyên.

Gb-7

Tuy nhiên, nếu bạn quay nhiều video hoặc cài đặt game nặng như PUBG Mobile, Genshin Impact… thì mức dung lượng này quá khó để đáp ứng ở thời điểm hiện tại. Trong trường hợp đó, bạn nên cân nhắc nâng cấp lên dung lượng cao hơn.

Điện thoại ROM 128GB trở lên

Nếu bạn là người thường xuyên chụp ảnh, quay phim, chỉnh sửa video, chơi game nặng hoặc sử dụng điện thoại như một công cụ làm việc, thì 128, 256 hoặc thậm chí 512GB sẽ là lựa chọn lý tưởng.

Gb-8

Ngoài ra, những bạn trẻ có thói quen lưu nhạc offline, cài app học tập, chỉnh sửa ảnh, tải tài liệu học tập, thì một chiếc điện thoại có dung lượng lưu trữ lớn sẽ giúp bạn thoải mái sử dụng mà không cần xoá bớt dữ liệu thường xuyên.

Nên mua điện thoại bao nhiêu GB RAM?

Dung lượng RAM đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo điện thoại hoạt động mượt mà, xử lý đa nhiệm hiệu quả. Vậy nên mua điện thoại có bao nhiêu bộ nhớ RAM để vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng vừa tối ưu chi phí?

Điện thoại RAM 2 – 3 GB

Các điện thoại có RAM từ 2 đến 3GB hiện nay chủ yếu thuộc phân khúc giá rẻ, phù hợp với những người dùng có nhu cầu cực kỳ cơ bản như nghe gọi, nhắn tin, tra cứu thông tin hoặc dùng các ứng dụng nhẹ như Facebook Lite, Messenger, Zalo phiên bản rút gọn.

Gb-9

Tuy nhiên, trong bối cảnh các ứng dụng ngày càng “nặng” và nhiều quảng cáo, RAM 2–3GB khó lòng đáp ứng mượt mà các thao tác đa nhiệm. Người dùng có thể gặp tình trạng giật lag khi chuyển đổi giữa các ứng dụng hoặc khi dùng các app cần xử lý cao hơn như YouTube, TikTok…

Điện thoại RAM 4 – 6 GB

Đây là mức RAM phổ biến nhất ở điện thoại tầm trung và được xem là tiêu chuẩn cho hầu hết người dùng hiện đại. RAM 4–6GB có thể xử lý mượt mà các tác vụ như lướt web, xem phim, nghe nhạc, dùng các mạng xã hội, chỉnh sửa ảnh nhẹ hoặc chơi các game có cấu hình nhẹ.

Gb-11

Với RAM 4GB, máy vẫn có thể hoạt động ổn định với một vài ứng dụng chạy ngầm. Còn RAM 6GB sẽ hỗ trợ tốt hơn cho các app nặng hoặc chạy nhiều app cùng lúc. Đây là lựa chọn lý tưởng cho học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng cần dùng điện thoại như một công cụ hỗ trợ học tập và làm việc.

Điện thoại RAM 8 – 12 GB

Những chiếc điện thoại có RAM từ 8 đến 12GB thường nằm ở phân khúc cận cao cấp và cao cấp. Đây là những dòng máy có hiệu năng cực mạnh, có thể chơi tốt các tựa game nặng như Liên Quân, PUBG Mobile, Genshin Impact hoặc chạy mượt các ứng dụng chỉnh sửa video, đồ họa như CapCut, Lightroom, Canva,…

Gb-10

Nếu bạn là content creator, game thủ, streamer hoặc người làm việc trên điện thoại nhiều, thì RAM 8GB trở lên sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, giảm giật lag, tăng hiệu quả xử lý công việc.

Những lưu ý khi chọn bộ nhớ cho điện thoại

Xác định nhu cầu sử dụng: Nếu bạn chỉ dùng máy cho các tác vụ cơ bản như nghe gọi, nhắn tin, dùng mạng xã hội nhẹ nhàng thì RAM 3 – 4 GB và ROM từ 64GB là đủ. Nhưng nếu bạn quay video, chụp ảnh thường xuyên hoặc hay chơi game, thì nên chọn RAM từ 8GB và ROM từ 128GB trở lên.

Khả năng mở rộng bộ nhớ: Một số máy Android hỗ trợ thẻ nhớ ngoài, bạn có thể mở rộng dung lượng ROM dễ dàng. Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho RAM nên RAM cần chọn đủ từ đầu.

Gb-30

Tối ưu phần mềm: iPhone có thể dùng RAM thấp hơn Android mà vẫn hoạt động tốt vì hệ điều hành iOS được tối ưu hóa cao. Ngược lại, điện thoại Android cần dung lượng RAM cao hơn để đảm bảo trải nghiệm mượt mà.

Tính toán chi phí và hiệu năng:  Không cần thiết phải chọn điện thoại cấu hình quá cao nếu bạn không sử dụng đến. Ngược lại, mua máy yếu quá sẽ khiến bạn sớm muốn nâng cấp và tốn thêm chi phí.

Hạn chế xóa app, ảnh liên tục: Dung lượng ROM thấp khiến bạn phải thường xuyên xóa dữ liệu để lấy chỗ trống. Điều này vừa mất thời gian, vừa có thể làm bạn bỏ lỡ những khoảnh khắc đáng nhớ nếu máy đầy lúc cần chụp ảnh.

Câu hỏi thường gặp

Dưới đây là những câu hỏi phổ biến nhất và lời giải đáp chi tiết để bạn hiểu rõ hơn trước khi chọn mua thiết bị.

1GB là bao nhiêu MB?

Nhiều người thường nhầm lẫn giữa 2 khái niệm này. Theo chuẩn quốc tế, 1 GB = 1024MB. Đây là đơn vị đo lường dung lượng quen thuộc trong công nghệ thông tin. Để dễ hiểu hơn:

  • 1 bức ảnh có thể nặng 2–3MB.
  • 1 bài hát khoảng 5MB.
  • 1 video ngắn 1 phút có thể tốn 50–100MB.

Gb-13

Vậy nên 1GB có thể chứa hàng trăm bài hát hoặc hàng ngàn tấm ảnh tùy vào độ phân giải và chất lượng.

GB liên quan gì đến tốc độ của điện thoại?

Gigabyte có hai dạng là RAM và ROM, cả hai đều ảnh hưởng đến tốc độ xử lý và trải nghiệm người dùng:

  • RAM: Quyết định xem điện thoại chạy mượt không, có bị giật lag không khi mở nhiều ứng dụng. RAM càng nhiều, máy càng mượt.
  • ROM: Nếu ROM đầy, máy có thể bị chậm, không thể cài thêm ứng dụng mới hoặc cập nhật phần mềm. Khi còn nhiều dung lượng trống, máy hoạt động trơn tru hơn.

Gb-14

Tuy nhiên, tốc độ của điện thoại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chip xử lý (CPU), tốc độ bộ nhớ trong (UFS 2.2, 3.1,…), hệ điều hành, phần mềm tối ưu,…

Lời kết

Việc lựa chọn điện thoại không đơn thuần chỉ là nhìn vào thương hiệu hay giá cả, mà còn cần xem xét kỹ dung lượng bộ nhớ RAM và ROM sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế của bạn. Mong rằng qua bài viết này, bạn đã nắm rõ hơn về các khái niệm GB, RAM, ROM và có thể dễ dàng lựa chọn chiếc điện thoại phù hợp với nhu cầu sử dụng cũng như khả năng tài chính của mình.

XEM THÊM:

  • Google AI Studio là gì? Ứng dụng làm gì? Cách sử dụng chi tiết
  • Podcast là gì? Nghe Podcast ở đâu? TOP kênh Podcast được ưa chuộng nhất 2025