Vì sao Google ra tính năng ‘ép’ smartphone Android tự khởi động lại sau 3 ngày không dùng?

Google vừa cập nhật một tính năng bảo mật mới trong hệ thống Android: nếu thiết bị bị khóa và không hoạt động trong vòng 3 ngày liên tục, hệ thống sẽ tự động khởi động lại mà không cần người dùng can thiệp. Tính năng này đang được triển khai thông qua bản cập nhật Google Play Services phiên bản 25.14, phát hành ngày 14/4. Dự kiến, quá trình cập nhật có thể mất khoảng một tuần để đến được với toàn bộ thiết bị Android tương thích.

Động thái này được xem là Google “mượn sách” của Apple – hãng đã giới thiệu cơ chế tương tự mang tên Inactivity Reboot từ cuối năm 2024, trong bản cập nhật iOS 18.1. Với cơ chế này, iPhone sẽ tự động khởi động lại sau một thời gian dài không sử dụng, như một biện pháp bổ sung nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Vì Sao Google Ra Tính Năng 'Ép' Smartphone Android Tự Khởi Động Lại Sau 3 Ngày Không Dùng?- Ảnh 1.

Lý do khiến tính năng này trở nên quan trọng nằm ở việc: một thiết bị vừa được khởi động lại sẽ an toàn hơn khi rơi vào tay kẻ xấu. Cụ thể, sau mỗi lần khởi động, các phương thức mở khóa bằng sinh trắc học như vân tay hay nhận diện khuôn mặt thường bị vô hiệu hóa tạm thời. Thay vào đó, hệ thống buộc người dùng phải nhập mã PIN hoặc mật khẩu. Thêm vào đó, ở trạng thái “trước lần mở khóa đầu tiên”, dữ liệu trên thiết bị sẽ được mã hóa mạnh hơn, khiến việc trích xuất thông tin gần như bất khả thi nếu không có mã giải mã.

Tuy không được quảng bá rầm rộ, nhưng đây là một trong những tính năng được các chuyên gia bảo mật đánh giá cao, nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều người lưu trữ thông tin nhạy cảm trên điện thoại.

Không chỉ dừng ở đó, bản cập nhật Google Play Services 25.14 còn mang đến một số nâng cấp khác như cải tiến dịch vụ quản lý hệ thống để nâng cao độ ổn định, cùng với tính năng mới giúp việc thiết lập thiết bị và chuyển dữ liệu từ điện thoại cũ sang máy mới trở nên dễ dàng hơn.

Trong thế giới smartphone, ngành công nghiệp vẫn hoạt động theo mô hình “ai làm trước, người còn lại sẽ học theo”. Apple từng đi đầu trong nhiều tính năng, từ nhận diện khuôn mặt, khung giới hạn quyền riêng tư cho đến tính năng khởi động lại khi không hoạt động. Và khi các tính năng đó tỏ ra hiệu quả, việc Google – hay bất kỳ hãng nào khác – tích hợp vào hệ điều hành của riêng mình chỉ còn là vấn đề thời gian.

Anh Việt