Xu hướng giảm cân độc hại do bắt chước mạng xã hội

Trào lưu này lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram, Reddit, YouTube, cổ vũ các phương pháp giảm cân cấp tốc, hạn chế ăn uống tối đa, coi kỷ luật là con đường duy nhất giúp đạt vóc dáng gầy gò lý tưởng.

Nhiều khẩu hiệu được chia sẻ trong xu hướng này có nội dung gây sốc và phản cảm, ví dụ “Khi bụng réo, hãy coi đó là tiếng vỗ tay chúc mừng bạn”, “Muốn gầy thì ăn ít, muốn béo thì ăn nhiều”…

Bác sĩ Asim Cheema, chuyên gia nội khoa ở Mỹ, cảnh báo trên Forbes rằng “SkinnyTok” đang gióng lên hồi chuông báo động y tế nghiêm trọng, cổ súy bỏ đói bản thân và biến thức ăn thành thứ vô hồn.

Các chuyên gia cho rằng đây thực chất là phiên bản làm mới của các cộng đồng “pro-ana” (ủng hộ chán ăn tâm thần) đầu những năm 2000, được lan truyền rộng rãi hơn nhờ sức mạnh mạng xã hội.





Nhiều Người Trẻ Phương Pháp Giảm Cân Cực Đoan Trên Tiktok, Khiến Chuyên Gia Lo Ngại Về Sức Khỏe Tinh Thần Và Thể Chất. Ảnh Minh Họa: Adobestock

Nhiều người trẻ phương pháp giảm cân cực đoan trên TikTok, khiến chuyên gia lo ngại về sức khỏe tinh thần và thể chất. Ảnh minh họa: Adobestock

Ông Stephen Buchwald, chuyên gia của Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Manhattan (Mỹ) nói tư duy này bỏ qua yếu tố phức tạp về gene, sức khỏe tâm lý và kinh tế xã hội, thay vào đó thúc đẩy sự xấu hổ về cơ thể. Đây là câu chuyện độc hại ngụy trang dưới vỏ bọc trao quyền.

Ông nhấn mạnh văn hóa dựa trên sự xấu hổ này không hiệu quả và rất nguy hiểm về tâm lý. Việc liên tục thấy hình ảnh gầy gò không thực tế trên mạng khiến mọi người thấy mình “không đủ đẹp”, tạo vòng luẩn quẩn tự chỉ trích, lòng tự trọng thấp, có thể dẫn đến lo âu và trầm cảm.

Thanh thiếu niên đặc biệt có nguy cơ cao vì đang trong giai đoạn phát triển não bộ nhạy cảm, dễ tìm kiếm sự chấp thuận và cảm giác thuộc về cộng đồng, dễ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng trực tuyến.

Mặc dù TikTok có nguyên tắc cộng đồng cấm quảng bá hành vi ăn uống không lành mạnh và giảm cân nguy hiểm, đồng thời cung cấp tài nguyên hỗ trợ rối loạn ăn uống khi tìm kiếm hashtag liên quan, nội dung thúc đẩy “quản lý cân nặng có khả năng gây hại” vẫn tồn tại trên nền tảng. Tuy nhiên, nội dung này bị hạn chế người xem dưới 18 tuổi và không xuất hiện trên mục “Dành cho bạn”.

Theo các chuyên gia, bất chấp nỗ lực phản đối “nỗi sợ béo” (fatphobia) và văn hóa ăn kiêng khắc nghiệt, hình mẫu gầy gò lý tưởng vẫn là chuẩn mực áp đặt trong xã hội hiện đại.

Chuyên gia dinh dưỡng Andrea Mathis cảnh báo ngay cả khi người sáng tạo nội dung có ý định tốt, việc họ đưa ra lời khuyên dinh dưỡng thiếu kiểm chứng là không nên. “Có thể bắt đầu theo một cách (không quá tiêu cực), nhưng càng làm điều đó với tâm lý ám ảnh về cân nặng, nó có thể biến thành một rối loạn thực sự”, bà Mathis nói.

Chuyên gia dinh dưỡng Maria AbiHanna nhấn mạnh các chế độ ăn kiêng cấp tốc thường không hiệu quả về lâu dài vì cơ thể có cơ chế chống lại việc giảm mỡ nhanh chóng, khiến mọi người thường lầm tưởng đó là do thiếu ý chí.

Các chuyên gia y tế khẳng định nếu việc ăn uống và suy nghĩ về cân nặng trở nên rối loạn, đó là dấu hiệu cần tìm kiếm giúp đỡ từ bác sĩ, chuyên gia tâm lý. Trào lưu “SkinnyTok” là lời nhắc nhở nguy hiểm về những cạm bẫy rình rập trên mạng xã hội, đặc biệt với giới trẻ đang định hình bản thân.

Minh Phương (Theo NyPost)