Lao cột sống, người đàn ông nghĩ cuộc đời sẽ gắn liền với chiếc giường mãi mãi

Khi được chẩn đoán lao cột sống, dù có chỉ định mổ nhưng vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên anh S. chỉ dùng thuốc điều trị kèm theo tập vật lý trị liệu. Tuy nhiên những giải pháp này chỉ mang tính chất giảm đau tạm thời, sau đó cơn đau vẫn tiếp diễn và ngày càng nặng hơn, cột sống cũng ngày càng gù cong.

Đỉnh điểm là trong một tháng gần đây, anh đau lưng đến mức không thể ngồi dậy hay đi lại được, chỉ nằm một chỗ, sụt cân nghiêm trọng. Anh từng nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ phải gắn liền với chiếc giường mãi mãi.

Hủy đốt sống

Qua lời người quen giới thiệu, gia đình đưa anh đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) để thăm khám. Tại phòng khám Ngoại Thần kinh, anh S. được các bác sĩ chỉ định chụp MRI cột sống, kết quả cho thấy dấu hiệu của hủy xương L2 – L3, vẹo cột sống thắt lưng L1 – S1. Phần xương bị hủy gây mất vững xương và gù tiến triển, nếu để lâu sẽ gây chèn ép phần ống sống làm tổn thương thần kinh dẫn đến liệt 2 chân, rối loạn cảm giác, rối loạn tiêu tiểu. Vì thế các bác sĩ đã hội chẩn và lên kế hoạch phẫu thuật để cố định xương cho anh S.

Lao Cột Sống, Người Đàn Ông Nghĩ Cuộc Đời Sẽ Gắn Liền Với Chiếc Giường Mãi Mãi - Ảnh 1.

Anh S. trong ngày chuẩn bị xuất viện

ẢNH: BSCC

Ngày 19.4, thạc sĩ – bác sĩ Trần Vũ Hoàng Dương, Trưởng khoa Sọ não cột sống 2, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, cho biết bệnh nhân S. bị hủy đốt sống L2 – L3 chèn ép vào đoạn ống sống nhiều, nhưng may mắn là chưa có dấu hiệu chèn ép thần kinh, chỉ có dấu hiệu đau lưng và mất vững cột sống. Trong trường hợp này, chúng tôi đã chọn mổ bắt vít cố định cột sống từ đoạn ngực D10 trở xuống xương cột sống cùng S1, còn đoạn xương bị hủy thì cắt 2 thân đốt sống L1, L2 và lắp đặt lồng để hàn xương cho cứng lại.

Phẫu thuật lao cột sống là ca phức tạp

Theo bác sĩ Dương, phẫu thuật lao cột sống là ca phức tạp, giúp loại bỏ phần lớn khối áp xe, cắt bỏ phần thân đốt sống bị hư hại do vi trùng lao gây ra và thay bằng đốt xương nhân tạo. Cuộc mổ đòi hỏi sự chuẩn bị đầy đủ và kỹ lưỡng về trang thiết bị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các phẫu thuật viên tay nghề cao, ê kíp gây mê giàu kinh nghiệm. Vì các cấu trúc mô bị lao tấn công thường gây chảy máu rất nhiều và lan rộng áp xe vào gần các cấu trúc thần kinh và mạch máu quan trọng. Quá trình điều trị sau mổ cũng cần tỉ mỉ, tuân thủ tuyệt đối kháng lao để tránh kháng thuốc, đồng thời cần có sự phối hợp chăm sóc vết mổ, tập vật lý trị liệu tích cực”.

Kết thúc ca phẫu thuật, những cơn đau lưng của anh S. đã được cải thiện rõ rệt, phục hồi tốt. Chỉ 4 ngày sau phẫu thuật, anh đã có thể đi lại và vận động bình thường.

Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ lưu hành lao cao trong dân số

Bác sĩ Dương cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ lưu hành lao cao trong dân số, bao gồm lao phổi và lao ngoài phổi. Lao cột sống là một dạng lao ngoài phổi, xảy ra khi vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) tấn công vào đốt sống, thường gặp nhất ở cột sống ngực và thắt lưng. Bệnh lý này gây hủy xương, áp xe lạnh, biến dạng cột sống (gù) và có thể dẫn đến chèn ép tủy sống, gây yếu liệt nếu không điều trị kịp thời.

Việc điều trị lao cột sống bao gồm kháng lao theo phác đồ chuẩn của Bộ Y tế, đồng thời có chỉ định phẫu thuật khi có tình trạng chèn ép thần kinh gây yếu liệt hoặc biến dạng cột sống. Sau mổ, người bệnh nên nằm đúng tư thế, hạn chế xoay người mạnh hoặc bê đồ nặng, hạn chế nằm võng để sớm phục hồi.

Đặc biệt, nếu người dân có các biểu hiện như đau lưng kéo dài, đau khi thay đổi tư thế, tê tay chân, yếu 2 chân hoặc có khối u ở vùng lưng, gù cột sống thì nên đi khám sớm để có phương án điều trị kịp thời, từ đó mang lại hiệu quả điều trị mong muốn.