Về để thấy tết (Phần 1)


blogradio.vn – Lúc đó, nhà vẫn là nhà, nhà có Liên, có ba và em trai của nó. Giờ với nó, cái đó không được gọi là nhà. Có thể nó vẫn sẽ về, nhưng về chỉ để nấu cho má bữa cơm, rồi lại đi. Đối với Liên, còn má mới còn gia đình, còn nhà để nó quay trở về. Còn lại, không đáng.

***

Liên bắt chuyến xe cuối ngày trong đêm đông.

Nay đã hai lăm âm lịch. Gần tròn mười năm nó mưu sinh trên mảnh đất xa xứ không người thân thích. Mảnh đất Sài Gòn nuôi sống nó gần một thập kỷ. Nó bỏ nhà đi từ sau khi mẹ nó mất. Ba nó có vợ khác. Liên không muốn bước vào vạch xuất phát để bắt đầu lại cuộc sống mới. Nó quyết định đi, đi đâu cũng được, miễn còn đôi bàn tay làm ra tiền thì vứt ở đâu, nó cũng sống.

Nó thôi học năm nó 19, rồi lao đầu ra ngoài xã hội mưu sinh.

Một mình tay xách nách mang balo gói mấy bộ đồ cũ mà mẹ nó từng mua. Tài sản quý nhất của nó có lẽ là sợi dây chuyền vàng của má. Lo tang lễ cho má xong, nó hay về ngoại. Chiều, bà khập khiễng đi vào phòng rồi ra trở lại hiên. Liên ngồi bẻ cái bánh tráng mè bà vừa nướng cho nó. Bà gọi nó, dúi vào tay nó sợi dây chuyền vàng còn mới. Mới lắm! Nó thẫn thờ nhìn bà rồi hỏi:

– Bà cho cháu à?

– Bà già rồi làm gì có vàng mà cho? Cái này của má mày. Má mất rồi. Giờ nó là của mày.

Bà nhỏ giọng lại, xoa đầu nó:

– Má gửi cậu lúc má nằm viện. Má bảo cậu gửi lại mày.

Liên chùng đôi vai gầy nhom khiến lưng nó khom hơn. Đôi mắt dần dần sụp xuống, nước mắt nó như muốn trào ra. Nó tự dặn lòng không được khóc. Má từng khen nó là đứa con gái mạnh mẽ, kiên cường. Và nó cũng kiên cường y hệt như má nó hồi trẻ vậy. “Trong đám tang, mày không khóc thì cái quái gì phải khóc chỉ vì một sợi dây chuyền cơ chứ” – Nó tự dặn lòng mình như thế. Khóe mắt nó cay cay. Nó im lặng hồi lâu rồi bẻ tiếp cái bánh tráng còn dở. Nó cho vào miệng, nhai rộp rộp. Tay Liên bẻ bánh mạnh hơn, cắn cũng mạnh hơn, như thể nó muốn giải tỏa cơn uất ức trong lòng nó.

Năm nay 29 tuổi, nó khác xa nó của mười năm trước. Kể từ lúc má mất, số lần về nhà của nó đếm trên đầu ngón tay. Mỗi lần về, nó chỉ ở lại một hai hôm, ghé nhà cũ đốt cho má nó nén nhang, lau lại tủ thờ, lật lại tấm album hồi má chụp lúc đám cưới. Thỉnh thoảng, nó cũng sẽ nấu mâm cơm có cá, có thịt đầy đủ, dọn ra hai chén, xới thật đầy. Liên ngồi ăn cùng với má ngay cạnh bàn thờ.

Ve De Thay Tet (Phan 1) (2)

Hai năm rồi, nó không về nhà. Qua hai cái xuân xanh, năm con Rồng năm con Rắn, nó chưa có dịp làm mâm cơm Tết cho má nó. Chập đêm giao thừa của năm trước, nó lẳng lặng đứng trước cửa phòng trọ, lâu lâu lại dạo quanh con hẻm trước dãy, ngồi đại trên chiếc ghế đá cũ, nhìn người người nhà nhà bắn pháo hoa. Liên thổn thức trong lòng mình, có cái gì đó cứ dấy lên trong lòng, man mác một nỗi nhớ quê, nhớ nhà. Qua khung của sổ nhà hàng xóm, nó thấy bóng dáng má nó của những mùa Tết xưa. Tết xưa, gia đình nhà ta quây quần đủ đầy, có hột vịt kho, có củ kiệu muối. Mỗi sáng kề Tết, má lại dắt hai chị em đi sắm sửa cái quần, cái áo, thỉnh thoảng ghé vào góc chợ cũ mua cho ba chiếc áo sơ mi kẻ sọc. Nó nhớ những sáng sớm còn đẫm sương mai má gọi nó dậy đi bán bánh mì. Căn bếp cũ vào mỗi dịp Tết lúc nào cũng nghi ngút khói. Mùi rơm, mùi rạ lén chui qua đường ống khói xám xịt.

Nó nhớ bóng lưng của má mỗi lần đứng bếp. Má dạy nó nấu ăn từ lúc nó lên bảy, lên tám. Cúng ông Công, ông Táo, rước ông đi, rước bà về, mâm nào cũng do hai má con chuẩn bị.

– Lấy má cái rổ ngoài giàn!

– Bé, lấy cho má bịch ớt trong giỏ cá!

– Con có thấy đâu!

– Cạnh cái cân, ngay bịch nilon đó!

….

Có má, mâm cơm Tết chẳng thiếu món gì! Bánh chưng, bánh Tét, hay hột vịt, canh khổ qua, rồi cả thịt ngâm mắm nữa, đều có đủ cả. Má đi căn bếp xưa cũng bị dỡ bỏ, mâm cơm Tết cũng chẳng tròn vị.

Nó của những mùa giao thừa trước chẳng khác gì cô bé bán diêm trong cuốn sách cổ tích của nhà văn An–đéc-xen mà má từng đọc cho nó nghe trước khi ngủ. Cứ nơm nớp ngóng vào cánh cửa sổ của các dãy nhà ở thành phố, Liên vừa buồn vừa tủi. Ở lại thành phố trong những mùa sum vầy như này là lựa chọn của bản thân nó. Trong tâm thức của cái Liên, nó chẳng định nghĩa từ “nhà” kể từ sau đám tang của má. Nó còn ba, ba vẫn thương nó, nhưng tình thương ấy chẳng như nó mường tượng trong suy nghĩ. Liên không thích cũng chẳng ghét dì Hai, nó chị thấy hụt hẫng vì ba nó đi bước nữa. Đôi lúc nó cũng tự hỏi: “Ba chẳng còn thương má nữa hay sao?”

Ngày ba đưa dì về nhà, nó trốn về ngoại. Nó từng nói với ba:

– Ba cho con xin một mùa Tết nữa, mùa Tết chỉ có ba cha con… Và má.

Ba biết chuyện nó không chấp nhận dì Hai làm mẹ. Ba chẳng nói gì, cứ lẳng lặng để mọi chuyện đi qua. Đến cuối năm, ba cái Liên làm mâm cơm cúng má để đón vợ mới. Ai vào nhà cũng hỏi nó đâu, chẳng một ai biết.

Chiếc xe lăn bánh qua cổng chính của bến. Tiếng mưa rả rích trong đêm khiến Liên choàng tỉnh giấc. Nó thôi nghĩ về câu chuyện của những năm mười tám, mười chín tuổi. Nó đưa mắt nhìn ra bên ngoài rồi nhìn vào đồng hồ. Tiếng chuông nhà thờ đính đoong mười hai giờ khuya. Bắt chuyến này về thì tầm năm hay sáu giờ sáng sẽ tới nơi. Chẳng biết hai năm không về nhà, nó có bỏ lỡ điều gì không? Làng quê từ lần cuối nó về, nó cũng chẳng nhớ rõ. Ngoại nó có khỏe không, cả ông nữa? Cậu và mợ vẫn còn chạy đôn chạy đáo vào thành phố để khám bệnh? Cả ba và em trai nó nữa…

Hàng trăm câu chuyện, hàng ngàn câu hỏi xoay quanh trong đầu nó. Nó vừa mừng vừa lo, tay này chà sát tay kia. Trời trở lạnh, lạnh cóng. Liên đan đôi bàn tay của mình vào nhau, tựa đầu vào ghế. Nó nghe thấy tiếng lòng mình thở dài, chìm sâu vào giấc ngủ. Tiếng mưa đêm vẫn rơi, lộp bộp, lộp bộp, ghé ngang khe cửa nhỏ

Cái Liên ngủ một giấc thật sâu, sâu đến mức nó chẳng hay biết chuyện gì nữa.

Tờ mờ sáng, bác tài xế và chú phụ xe bật loa thông báo sắp cập bến. Liên vẫn còn ngái ngủ. Giọt nắng sớm len lén ghé vào khung cửa nhỏ, nhảy vào mắt Liên. Con bé thức dậy sau một giấc ngủ dài, sau một đêm trên chuyến xe cứ lan man nghĩ về chuyện nhà.

Về đâu trước đây? Về cái nơi mà trong tâm trí nó vẫn lưu luyến gọi là nhà hay về ngoại? Về thưa ba, thưa dì hay về chào cậu, chào mợ trước?

Ve De Thay Tet (Phan 1)

– Bé! Con về ngã tư Cây Bông đúng không?

Câu nói của chú phụ xe cắt ngang suy nghĩ của Liên. Con bé giật mình, mắt đã mở nhưng vẫn còn lan man điều gì trong suy nghĩ của nó. Nó đáp lại với vẻ mặt bần thần, khóe mắt còn chưa mở hết. Liên kéo khóa, mở cặp, gói hết đồ còn lại của mình lên xe. Liên tìm sấp tiền trong ví để trả tiền xe. Nó đứng dậy, rời chỗ ngồi, đi thẳng về phía đầu xe.

– Con về một mình à?

– Nhà ở đâu thế?

– Gần ngã tư đó luôn ấy chú! – Liên cất giọng rành mạch. Nhưng đó còn phải là ngôi nhà của Liên hay không?

– Có ai đón con không? Ba hay má? – Chú phụ xe hỏi

Con bé chẳng nói gì. Liên biết chẳng ai trong nhà thèm đoái hoài tới nó. Nó về Tết này cả nhà cũng chẳng hay. Ba nó, em trai nó, cả ngoại nữa, chẳng một ai hay tin.

***

Xe đỗ trước ngã tư của thị trấn. Còn đoạn đường xa lắm. Từ chỗ này về nhà cũng hơn chục cây nữa, vẫn thấy còn rất xa. Cũng đoạn đường đó, đoạn đường hồi cấp ba Liên bon bon đạp xe về nhà. Lúc đó, nhà vẫn là nhà, nhà có Liên, có ba và em trai của nó. Giờ với nó, cái đó không được gọi là nhà. Có thể nó vẫn sẽ về, nhưng về chỉ để nấu cho má bữa cơm, rồi lại đi. Đối với Liên, còn má mới còn gia đình, còn nhà để nó quay trở về. Còn lại, không đáng.

Nhỏ đứng trước mái hiên của một quán sửa xe. Đèn đường vẫn còn sáng. Loa phát thanh chưa phát lên âm thanh quen thuộc. Mưa dần dần nặng hạt, cơn mưa tuôn như thác đổ. Trời càng trở lạnh, lòng Liên càng trở buồn hơn. Nó đăm đăm nhìn vào đồng hồ trên điện thoại. Từng phút chầm chậm trôi qua. Đã bốn giờ hơn. Giờ bắt xe về vẫn còn kịp. Mưa ngày một lớn, Liên nép vào sâu bên trong cánh cửa. Trời gió lạnh lẽo chẳng một ai dậy sớm. Các quán xá bên cạnh khép cổng chưa mở. Ngồi trước thềm tối, thỉnh thoảng, ánh đèn của vài chiếc ô tô, xe tải hắt vào mặt. Liên thấy rõ làn mưa qua hai tia sáng của đèn pha. Gánh hủ tiếu hàng rong được đẩy đi trong mưa. Xoong nước lèo nghi ngút khói. Mặc trời lạnh, chiếc xe vẫn cứ rong ruổi dưới làn nước trắng xóa. Có phải ngôi nhà nào cũng đều mong một mùa Tết ấm no? Có phải người mẹ nào cũng muốn mua cho con mình bộ quần áo mới. Hồi xưa, má nó cũng thế mà. Cả một năm làm lụng, chẳng bao giờ đoái hoài vào tiêu xài đồng tiền, cứ bỏ túi tiết kiệm. Tết về, má trích ra một ít mua bánh, mua kẹo. Còn lại chút ít, má dẫn hai chị em mua quần áo mới. Còn má, má mặc lại quần áo cũ. Ba cũng thế. Cái áo sơ mi kẻ sọc trong tủ cũng đã sờn, thế mà ngày qua tháng lại, năm cũ đi, năm mới đến, chiếc áo cũng chẳng phai màu, cũng chẳng hề bị châm kim. Số lần ba mặc có thể tính trên đầu ngón tay. Mùa Tết không nói, đến những dịp đặc biệt như tiệc cưới, tất niên, ba cũng không dám mặc. Qua mấy năm rồi, chiếc áo sơ mi vẫn còn mới tinh. Mỗi lần mở miệng nói muốn mua, ba lại cản.

Chỉ có những người nặng lòng với Tết mới thật sự cảm thấy những ngày cuối năm thế này là đáng giá. Còn Liên, nó vẫn còn chấp niệm thứ gọi là gia đình, nó bâng khuâng chẳng biết khoảng thời gian nào là quý giá nhất với nó. Hẳn là những năm tháng còn có má, còn đủ bốn người.

Trời hửng sáng, mưa cũng ngớt. Nó xách ba lô đứng dậy, gọi một chiếc taxi về nhà. Nó quyết định về ngoại, về thăm bà trước. Mọi chuyện còn lại tính sau.

Xe rước Liên đến tận cổng nhà bà. Cái cổng sắt sơn vàng hồi trước nay đã bong. Nó nhớ hồi bé, cứ cuối năm sau đã lảy lá mai, ông bà sẽ lau dọn nhà cửa, quét dọn vườn tược, ông sẽ mua hộp sơn mới, tô lại những chỗ gỉ sét. Cái cổng đến mỗi mùa Tết thêm một lớp áo mới. Ông giờ cũng già, sức cũng yếu, chẳng còn khỏe như trước để sơn sửa mấy cái nhỏ nhặt như này.

Người quê hay dậy sớm, dù có ra đồng hay không. Ông bà cũng thế, quen với nếp sống của thời chiến, chẳng bao giờ ngủ. Nó vác balo đeo trên lưng đi vào ngõ rẽ. Trong gian nhà cũ, trước gian bếp, một người già khụ ngồi đung đưa chiếc võng. Bà đang nhặt rau, tước từng cọng rau lan. Mắt bà ti hí, đôi tay cũng chầm chậm run run. Bà đưa cán dao vào từng đọt rau già, ngắt mạnh. Nghe tiếng bước chân sột soạt cất bước vào trong nhà, ngoại đưa mắt hướng về trước hiên. Bà thấy cháu gái nó về:

– Cái Hạ đấy à? Hạ về hả con?…

Cái Hạ là chị cái Liên. Chị tốt nghiệp Cao đẳng trường nghề rồi về làm việc ở quê. Chị theo má vào công ty may mặc. Má chị là mợ cái Liên. Đầy đủ thì nó vẫn hay gọi “mợ Ba”. Lúc trước, tầm tám, tầm chín, bà con hàng xóm mỗi khi gặp hai chị em, ai cũng bảo sinh đôi. Nay bà gọi nhầm cũng là lẽ thường tình. Cũng đã hai năm, bà chưa gặp lại nó lần nào. Bà nghĩ chị hai Hạ về, cất giọng hỏi:

– Quên đồ gì hả con?

Thấy không ai trả lời, bà lại hỏi thêm:

– Má tới chỗ làm chưa con? Quên đồ má hay quên đồ của con?

Bà chỉ hỏi thế rồi cặm cụi nhặt tiếp giỏ rau. Nó bần thần bước vào hiên nhà cũ, đôi chân chậm rãi của Liên tiến lại gần bà:

– Cháu của bà! Chẳng phải cái Hạ! Là cái Liên, con ba Đạt.

Ve De Thay Tet (Phan 1) (3)

Mắt bà kém, bà chẳng nhìn rõ nữa. Ngoại nheo nheo khóe mắt lại, buông con dao xuống đất. Liên ngồi xuống cho bà nhìn rõ. Đôi tay gầy guộc, gò lên những nào xương, nào gân. Màu da nâu đặc trưng của ngoại, có chỗ còn nổi đốm đen, đến nay chẳng thay đổi gì. Ngoại giơ đôi tay lên gò má của con bé, sờ vào mái tóc xoăn xoăn của nó, rồi lại nắm đôi bàn tay trơ trốc xương.

– Cái Liên hả con? Phải cái Liên không?

– Hai năm rồi mày không về nhà? Bà cũng chẳng nhớ mặt mày như nào? Mày là Liên con má Miền phải không?

– …

Ngoại cứ hỏi liên tục như thế. Một câu “Có phải cái Liên không?” hỏi đi hỏi lại hơn chục lần. Ngoại muốn chắc chắn có phải lần này nó về nhà thật không?

– Con Liên đây? Con Liên bằng da bằng thịt này!

– Mày làm gì cả hai năm không về? Mày cũng chẳng thăm, chẳng hỏi bà mày một tiếng? Hai năm im thin thít. Mày chỉ gọi về nhà hỏi ba hỏi em mày chứ quan tâm gì tới bà mày.

– Con có gửi quà Tết cho bà với mợ? Bà không nhận được ạ!

– Bà mày cần gì mấy thứ đó hả con? Bà cần mày về.

Ngồi cạnh ngoại, bà hỏi biết bao nhiêu là chuyện. Ngoại hỏi nó sáng nay đã có gì cho vào bụng chưa, rồi chỉ tay vào góc bếp:

– Mày vào hâm lại xoong cá kho, rồi mở túi lấy cái bánh tráng bà nướng ra mà ăn.

Nó làm theo lời bà. Vẫn như thói quen cũ, nó mở cánh cửa tủ chén, lấy thêm vài trái ớt xiêm, bỏ vào nồi cá kho. Khi khói đã bốc, nước cá cũng sôi sùng sục, nó bê cái xoong vào rá, đem ra cạnh bà.

– Bà ăn với cháu!

– Bà ăn rồi! Mợ mua cho tao tô bánh canh lúc sáng!

– Thế mày đã thắp cho má mày nén nhang chưa?

Tay nó đang cầm đũa, bỗng khựng lại một hồi lâu. Nó chăm chăm nhìn vào xoong cá, chẳng nói gì. Liên rỉa thịt cá, bỏ xương qua một bên, gắp cho ngoại lát cá to nhất, giọng Liên cứng rắn đáp lại:

– Con chưa! – Cái miệng vừa nhai bánh, vừa đáp lại lời bà.

Ngoại hiểu tính nó. Bà biết nó chẳng thù ai, cái Liên nó chỉ ngại khi gặp dì Hai. Liên chẳng biết mở lời như nào, ăn nói ra làm sao.

– Không muốn ba cưới vợ, rồi cứ để ba sống thế à?

Liên cúi gằm mặt xuống đất. Nó im thin thít. Mấy câu này nó đã nghe trên dưới trăm lần. Bất kể là đi đâu, nó cũng bị người ta nhìn chằm chằm, tỏ vẻ thương hại: “Con bé nó giỏi mà mẹ nó mất!” Nó ghét sự thương hại đó. Và càng ghét hơn khi nó xuất phát từ trong chính căn nhà mình sống.

– Những năm không có má, ba bố con vẫn sống ổn đấy thôi?

– Ổn thế nào mà ổn? Mày đừng tưởng bà không biết hai bố con bây hay cãi nhau.

Có không? Có. Chẳng có một ông chồng nào không tỏ ra phản ứng gì sau khi vợ mình mất được. Từ bé, nó chỉ thân với má. Ba đi biển xa, một tháng mới về một lần. Số lần nó ở cạnh ba có thể đếm trên đầu ngón tay. Lớn lên tí nữa, có chuyện gì Liên cũng tâm sự với má. Má dạy Liên tất cả mọi thứ, nó khắn khít với má nhiều hơn ba.

Cũng vì thế, từ ngày má mất, nó hay tỏ vẻ bực dọc, khó chịu. Tuổi mười bảy là tuổi ương ngạnh của đưa trẻ vị thành niên. Nó hay cáu gắt với ba. Có nhiều lần ba dạy, ba nói, nó chẳng chịu nghe. Có một thời gian, hai ba con không nhìn mặt nhau, ba làm việc của ba, nó đi học phần nó. Nhờ mọi người xung quanh nói, nó mới thôi giận ba, hiểu cho ba.

Ngoài mặt, nó vẫn cười, vẫn nói, chấp nhận có một người mới thay má, chăm sóc cho gia đình, nhưng mặt bên trong lại không muốn thế. Liên luôn cảm thấy bất mãn với việc một người phụ nữ khác thay thế và trở thành má của nó.

– Để chiều con về!

Nói xong, Liên dọn đống thức ăn sang một bên, cất nửa cái bánh tráng còn lại vào tủ chén. Bà ngoại chăm chăm nhìn mắt nó. Đôi mắt nó hết lấp lánh như những lần nó tự hào kể với mọi người về gia đình mình. Ngoại thấy rõ vẻ mặt buồn tủi của nó khi ai ép nó làm việc gì. Liên có vẻ miễn cưỡng nhưng rồi cũng ậm ực ừ ừ cho qua chuyện. Nó xả nước ào ào, rửa xong mấy cái chén, vài đôi đũa, đi đôi dép xạc xạc bước lên gác. Liên nằm trên võng ở phòng khách, đung đưa qua lại. Nó nghĩ đến chuyện về nhà. Liên đem nỗi đắn đo vào giấc ngủ. Nó sẽ cảm thấy thế nào khi gặp lại ba, gặp lại dì Hai? Nó chẳng biết phải bắt đầu từ đâu? Chào hỏi một tiếng, hỏi thăm sức khỏe hay lẳng lặng thắp nén nhang rồi trở về nhà? Nó ngủ đi tự lúc nào.

 

(Còn tiếp)

 

© Nguyễn Ngọc Yến Linh – blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Cô Gái, Mong Em Đừng Khóc Và Mạnh Mẽ Đứng Lên | Radio Tâm Sự