Cấy chỉ điều trị viêm mũi dị ứng

Bên cạnh các biện pháp điều trị bằng thuốc tây, thì cấy chỉ, một phương pháp kết hợp giữa châm cứu cổ truyền và kỹ thuật hiện đại, đang được quan tâm như một giải pháp hỗ trợ hiệu quả, bền vững và ít tác dụng phụ.

MŨI THÔNG NGAY TỪ LẦN CẤY CHỈ ĐẦU TIÊN

Tại Bệnh viện (BV) Y học cổ truyền Đà Nẵng, nhiều bệnh nhân (BN) viêm mũi mạn tính đã chọn phương pháp cấy chỉ để cải thiện tình trạng bệnh. Chị T.T.T.H (25 tuổi, ở Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết bị viêm mũi dị ứng hơn 10 năm. Chị H. hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, ngạt mũi, đau vùng trán và khó thở, đặc biệt trầm trọng hơn vào chiều tối, hoặc khi thời tiết đột ngột thay đổi.

Cấy Chỉ Điều Trị Viêm Mũi Dị Ứng - Ảnh 1.

Một bệnh nhân viêm mũi mạn tính chọn phương pháp cấy chỉ để điều trị, tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng

ẢNH: AN DY

Tại BV, khi được chẩn đoán viêm mũi dị ứng, vẹo vách ngăn và phù nề cuốn mũi bên phải, chị H. được chỉ định thực hiện liệu trình cấy chỉ. Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Công Lý, Trưởng phòng khám 2, BV Y học cổ truyền Đà Nẵng, BN được cấy chỉ tại các huyệt: Nghinh hương, Ấn đường, Hợp cốc, Khúc trì, Phong trì, Túc tam lý, Phế du, Cao hoang du, Huyết hải, Phong long… Mục đích chống viêm, giảm phù nề, giảm dị ứng, lưu thông tuần hoàn máu, dẫn lưu vùng mũi, xoang, cải thiện tình trạng tắc nghẽn, tăng cường sức đề kháng.

“Mũi của tôi đã thông ngay sau lần cấy đầu tiên, các triệu chứng bắt đầu thuyên giảm như giảm dịch mũi, giảm đau trán và ít hắt hơi hơn. Sau lần cấy thứ hai, tình trạng ngạt mũi, khó thở và đau đầu hầu như không còn, giúp tôi cảm thấy khỏe hơn đáng kể”, chị H. cho biết.

Một trường hợp khác là BN L.N.A.D (44 tuổi, ở Đà Nẵng) bị xoang trán, xoang sàng bẩm sinh, viêm mũi dị ứng… hành hạ suốt hơn 40 năm. BN được bác sĩ chỉ định liệu trình cấy chỉ 3 lần (mỗi lần cách nhau 15 ngày) để tăng hiệu quả. Chị D. cho biết, sau mỗi đợt cấy chỉ, các triệu chứng giảm rõ rệt như ít nhạy cảm với thời tiết và mùi lạ, đường thở thông thoáng hơn. Chị D. cũng được hướng dẫn kết hợp chế độ dinh dưỡng cân bằng, tập thể dục ngoài trời và giữ ấm cơ thể để hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả.

TĂNG TUẦN HOÀN MÁU, GIẢM CO THẮT ĐƯỜNG HÔ HẤP

Cấy chỉ (còn gọi là chôn chỉ, vùi chỉ) là kỹ thuật đưa chỉ tự tiêu vào huyệt đạo nhằm duy trì tác động kích thích lâu dài, giúp tăng cường lưu thông khí huyết, điều hòa miễn dịch và giảm viêm. So với châm cứu truyền thống, tác động của cấy chỉ kéo dài hơn, thường từ 10 – 14 ngày.

Về cơ chế tác động, y học hiện đại ghi nhận cấy chỉ giúp tăng tuần hoàn máu tại chỗ, giảm co thắt đường hô hấp và điều hòa miễn dịch. Trong khi đó, theo y học cổ truyền, đây là phương pháp bổ chính khu tà, tăng cường chính khí để đẩy lùi phong hàn thấp tà, nguyên nhân chính gây bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Công Lý cho biết, công thức huyệt cấy chỉ được chỉ định tùy theo thể bệnh, mức độ triệu chứng và cơ địa BN. Mặc dù là phương pháp an toàn, nhưng cấy chỉ vẫn có thể gây ra một số biến chứng nếu thực hiện không đúng kỹ thuật hoặc tại cơ sở không đạt chuẩn.

“Chính vì vậy, người bệnh cần chọn cơ sở y tế được cấp phép, bác sĩ có chuyên môn về y học cổ truyền và kỹ thuật cấy chỉ. Quá trình cấy chỉ phải đảm bảo vô trùng, sử dụng chỉ chất lượng và thao tác đúng kỹ thuật”, bác sĩ Lý tư vấn.

Ngoài thực hiện cấy chỉ, BN cần tuân thủ các nguyên tắc chăm sóc sức khỏe như: giữ ấm vùng đầu mặt cổ; tránh tiếp xúc bụi bẩn; vệ sinh mũi hằng ngày bằng nước muối sinh lý; hạn chế thực phẩm cay nóng, lạnh; bổ sung thực phẩm có tính kháng viêm tự nhiên như gừng, tỏi, mật ong; tăng cường luyện tập thể chất.

TỶ LỆ MẮC VIÊM MŨI DỊ ỨNG TẠI VN CHIẾM HƠN 20% DÂN SỐ

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc BV Y học cổ truyền Đà Nẵng, chia sẻ số liệu từ Bộ Y tế và các nghiên cứu dịch tễ, cho thấy tỷ lệ mắc viêm mũi dị ứng tại VN đang gia tăng rõ rệt trong những năm trở lại đây, chiếm hơn 20% dân số, trong bối cảnh các vấn đề ô nhiễm, bụi mịn, biến đổi khí hậu… gia tăng phức tạp. “Lượng BN tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung đến khám và điều trị bệnh đường hô hấp, viêm mũi tại BV gia tăng. Ngày càng nhiều BN chọn cấy chỉ để điều trị bệnh viêm mũi mạn tính”, bác sĩ Ánh nói.

Theo các chuyên gia về y học cổ truyền, cấy chỉ điều trị viêm mũi dị ứng là lựa chọn đáng cân nhắc trong các phương pháp điều trị bảo tồn, đặc biệt với những BN viêm mũi dị ứng mạn tính, khó kiểm soát bằng thuốc tây. Tuy nhiên, hiệu quả và an toàn của phương pháp này phụ thuộc lớn vào tay nghề bác sĩ và sự phối hợp tích cực của người bệnh trong việc chăm sóc, điều chỉnh lối sống, dinh dưỡng và môi trường sống.