Chính phủ thống nhất đề xuất lập Quỹ nhà ở quốc gia

Tại cuộc họp chiều 21/4, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết việc thành lập quỹ phát triển nhà ở quốc gia có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Ông thống nhất tên gọi là Quỹ phát triển nhà ở quốc gia.

Chức năng của quỹ để phát triển nhà xã hội, nhà ở cho công nhân, người dưới 35 tuổi. Cơ cấu quỹ gồm cấp trung ương do Bộ Xây dựng quản lý và cấp địa phương do UBND cấp tỉnh quản lý.

Phó thủ tướng nêu rõ đây là quỹ ngoài ngân sách do Nhà nước thành lập, không trùng với nhiệm vụ chi ngân sách. Nguồn vốn dự kiến huy động từ nhiều nơi như ngân sách nhà nước; đóng góp tự nguyện của nhà đầu tư trong và ngoài nước, của tổ chức, cá nhân; nguồn thu từ quỹ đất 20% xây nhà xã hội trong các dự án nhà thương mại và các nguồn hợp pháp khác.

Bộ Xây dựng được giao hoàn thiện đề án Quỹ phát triển nhà ở quốc gia và dự thảo nghị định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.





Phó Thủ Tướng Hồ Đức Phớc Họp Với Các Bộ, Ngành Về Việc Nghiên Cứu Thành Lập Quỹ Phát Triển Nhà Ở Quốc Gia. Ảnh: Vgp

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc họp với các bộ, ngành về việc nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia. Ảnh: VGP

Hiện nay, trung ương và địa phương đều có chính sách cho vay ưu đãi với việc phát triển nhà xã hội. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất trong thời gian qua là nguồn vốn cho vay ưu đãi hạn hẹp, thời gian áp dụng ngắn.

Với gói tín dụng 145.000 tỷ đồng, sau hai năm triển khai, số tiền đã giải ngân đến nay chưa đến 2%, đạt 2.845 tỷ đồng. Bộ Xây dựng đánh giá lãi suất gói vay ưu đãi trên vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn.

Việc chậm giải ngân gói 120.000 tỷ đồng được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành đề án xây một triệu căn nhà xã hội đến 2030. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy cả nước chỉ đạt 16% kế hoạch trong năm ngoái.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, thị trường bất động sản liên tục thiếu nguồn cung nhà ở vừa túi tiền. Hãng dịch vụ bất động sản Savills cho biết một nửa lượng giao dịch căn hộ sơ cấp tại Hà Nội trong quý I có giá 2-4 tỷ đồng một căn, còn lại trên 4 tỷ đồng. Thị trường không có căn hộ sơ cấp dưới 2 tỷ trong ba tháng đầu năm.

Còn theo Hiệp hội bất động sản TP HCM, từ năm 2021 đến nay, thành phố đã không còn căn hộ giá dưới 25 triệu đồng mỗi m2. Giá trung bình căn hộ mở bán mới trên địa bàn khoảng 50 triệu đồng một m2 và liên tục tăng qua các năm. Ngay cả các thị trường vệ tinh, giá nhà cũng không còn rẻ.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung và khuyến khích doanh nghiệp làm nhà ở vừa túi tiền, các chuyên gia cho rằng nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư. Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam từng đề xuất Chính phủ nghiên cứu thành lập quỹ nhằm hỗ trợ phát triển và duy trì nguồn cung căn hộ giá rẻ. Quỹ này có thể được bổ sung từ ngân sách nhà nước và từ các nhà đầu tư tư nhân.

Năm ngoái, tại Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà xã hội trong tình hình mới, Ban Bí thư đã yêu cầu nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà xã hội hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững.

Trong cuộc họp với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương vào cuối tháng 2, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhắc tới việc thành lập “Quỹ nhà ở quốc gia” nhằm phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn. Đầu tháng 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thành lập quỹ này để huy động nguồn lực phát triển nhà ở xã hội.

Tại dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà xã hội, Quỹ phát triển nhà ở quốc gia dự kiến thực hiện ba nhiệm vụ gồm hỗ trợ kinh phí bồi thường, tái định cư; đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật – xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà xã hội. Chính phủ được giao quy định chi tiết mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, nguồn ngân sách cấp hằng năm.

Góp ý đề án thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng cần phát triển nguồn thu bền vững và tính toán cấu trúc nguồn vốn. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng quỹ cần có cơ chế phát triển vốn lâu dài theo nguyên tắc “lấy mỡ nó rán nó”, chứ không chỉ dừng ở việc chi. Nguồn thu này có thể lấy từ chính phí bảo lãnh chủ đầu tư, người mua nhà hoặc từ cho vay với lãi suất ưu đãi bằng 50-70% mức lãi thị trường, tương đương 5-7%

Ngọc Diễm