UBTVQH cho ý kiến về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu

Hôm nay (17/4): Giá vàng trong nước tiếp tục phá đỉnh, vượt 115 triệu đồng/lượng Tăng cơ hội hưởng lương hưu cho người tham gia

Xử lý bất hợp lý về chế độ phụ cấp và chế độ đặc thù

Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, bổ sung 10% Quỹ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 15%, mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 35,7% từ ngày 1/7/2024 là một nỗ lực lớn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.

Điều này đã cơ bản cải thiện được đời sống người hưởng lương và phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách nhà nước; đồng thời, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội.

Tại dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 đã bảo đảm đủ kinh phí chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù. Qua rà soát có 26/34 cơ quan, đơn vị, chiếm khoảng 77% cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù dự kiến sẽ sáp nhập, chia tách hoặc tổ chức lại.

Ubtvqh Cho Ý Kiến Về Cải Cách Tiền Lương, Điều Chỉnh Lương Hưu
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Quốc hội

Hiện, Chính phủ đang tích cực chỉ đạo xử lý bất hợp lý về chế độ phụ cấp và chế độ đặc thù đối với một số đối tượng thuộc lực lượng quân đội (Bộ Quốc phòng) và lực lượng Công an nhân dân (Bộ Công an).

Đồng thời, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với: Viên chức giáo dục, viên chức làm việc trong các đơn vị thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử, viên chức làm việc trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản và đo đạc bản đồ; viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản, phụ cấp ưu đãi theo nghề, đặc thù, chế độ phòng, chống dịch đối với viên chức ngành Y tế.

Tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện Quy chế thưởng, cân đối nguồn kinh phí để thực hiện chế độ tiền thưởng theo đúng quy định; rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập…

Chỉ đạo các ban, bộ, ngành có liên quan phối hợp với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp…

Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 142 trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức.

Ubtvqh Cho Ý Kiến Về Cải Cách Tiền Lương, Điều Chỉnh Lương Hưu
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Quốc hội

Việc thống nhất, triển khai thực hiện cải cách tiền lương đã góp phần cơ bản nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, đồng thời, nâng cao thu nhập, tạo được niềm tin, sự đồng thuận của các đối tượng hưởng lương hưu, góp phần ổn định xã hội…

Tiếp tục rà soát điểm nghẽn thể chế

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, qua thực tế tiếp xúc cử tri, khảo sát tại một số địa phương, phản ánh của cử tri, phương tiện thông tin đại chúng cho thấy có những khó khăn nhất định, cần được Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, có giải pháp khắc phục.

Cụ thể, việc chi trả phần tăng thêm sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở (tăng lên 2.340.000 đồng) ở một số địa phương, cơ quan còn chậm. Một số nơi phải tạm ứng, “vay” từ nguồn khác để chi trả lương khi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.

Kinh phí thực hiện điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo Nghị định số 77/2024/NĐ-CP của Chính phủ chưa được cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán năm 2024 kịp thời khiến người có công với cách mạng tâm tư, phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri.

Ubtvqh Cho Ý Kiến Về Cải Cách Tiền Lương, Điều Chỉnh Lương Hưu
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương, nhất là trong đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ tài chính có một số bất hợp lý phát sinh trong thực hiện chế độ tiền lương đối với một số đối tượng, ngành nghề (viên chức ngành giáo dục, y tế…).

Một số đơn vị chậm thực hiện chi trả theo chế độ tiền lương mới nên việc đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cũng bị ảnh hưởng nhất định. Bên cạnh đó, một số đối tượng không phải là đối tượng thuộc khu vực công, nhưng lại bị tác động bởi chính sách này (do ảnh hưởng của việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện).

Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ trong bối cảnh các bộ, ngành đang khẩn trương sắp xếp lại tổ chức, bộ máy và có 26/34 cơ quan, đơn vị, chiếm 76,5% số cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù phải thực hiện sáp nhập, chia tách hoặc tổ chức lại.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về việc thực hiện nội dung này trên thực tế của các cơ quan còn lại và tiến độ, lộ trình, thời hạn hoàn thành yêu cầu của Nghị quyết số 142 hoặc các kiến nghị cần thiết nếu có vướng mắc, khó khăn.

Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội cũng đề nghị Chính phủ hoàn thiện Báo cáo, bổ sung, cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu chi tiết về việc thực hiện một số nội dung cải cách chính sách tiền lương trong khu vực công, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024, trong đó, lưu ý về mặt thời hạn để đại biểu Quốc hội có đủ thời gian nghiên cứu tài liệu.

Tiếp tục rà soát, phân tích những khó khăn, bất cập, những điểm nghẽn trong thể chế, quy định pháp lý; từ đó có kiến nghị cụ thể để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm khả thi và xác định rõ lộ trình hoàn thành trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương để triển khai triệt để định hướng tại các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết của Quốc hội…