Nhỏ nước chanh vào mắt gây nguy hiểm cho thị lực như thế nào?

Thực hư nhỏ nước chanh vào mắt giúp trị bệnh, sáng mắt

Gần đây, nước cốt chanh được nhiều người trên mạng xã hội tung hô như một “thần dược” đa công dụng, từ thải độc, giảm cân, kiềm hóa máu cho đến phòng ngừa ung thư. Một số ý kiến còn cho rằng chỉ cần uống nước chanh mỗi sáng thay cho ăn sáng, không thuốc thang cũng đủ để sống khỏe mạnh.

Không dừng lại ở việc uống, một số người còn chia sẻ những cách sử dụng nước chanh như nhỏ trực tiếp vào tai, mũi, họng, thậm chí cả vào mắt. Dù cảm thấy cay xót, khó chịu khi nhỏ nước chanh vào mũi hay mắt nhưng họ vẫn tin rằng cách làm này giúp đẩy dịch ra ngoài, làm thông mũi và sáng mắt, trị được mắt lẹo.

Nhỏ Nước Chanh Vào Mắt Gây Nguy Hiểm Cho Thị Lực Như Thế Nào? - Ảnh 1.

Nước chanh có nồng độ axit cao, khi nhỏ vào mắt có khả năng gây kích ứng làm đau mắt

Ảnh: AI

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Phú Tùng, Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn Ngô Gia Tự cho biết, việc nhỏ nước cốt chanh vào mắt là một hành động phản khoa học và rất nguy hiểm cho thị lực, có khả năng gây ra nhiều tác hại khôn lường.

“Quả chanh giàu nước và có vitamin B, vitamin C cùng nhiều khoáng chất, đặc biệt là axit citric. Đây là một loại axit có nồng độ cao, khi tiếp xúc vào mắt có khả năng gây kích ứng làm đau mắt, đỏ mắt. Trường hợp nặng hơn có thể gây tróc biểu mô giác mạc, bỏng giác mạc, viêm loét giác mạc…”, bác sĩ Tùng cho hay.

Do đó, bác sĩ Tùng khuyến cáo người bệnh tuyệt đối không được dùng nước cốt chanh nhỏ vào mắt. Khi có các dấu hiệu bất thường nên đi khám tại cơ sở chuyên khoa mắt uy tín và có cách chăm sóc mắt khoa học.

 - Ảnh 2.

Một trường hợp chia sẻ về việc nhỏ nước cốt chanh vào mắt

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Cần chú ý gì khi chăm sóc mắt lẹo, chắp mắt?

Theo bác sĩ Tùng, để làm giảm đau các chỗ lẹo và chắp mắt, người bệnh có thể dùng khăn sạch hoặc bông dùng một lần nhúng vào nước rất ấm. Đặt lên mi mắt khoảng 10 phút, mỗi ngày 3 – 5 lần. Độ ấm sẽ giúp giảm viêm và giảm tắc nghẽn ở tuyến dầu trên mí mắt. Hoặc có thể mát xa nhẹ nhàng vùng quanh mắt.

Điều trị tích cực theo phác đồ của bác sĩ như dùng thuốc nhỏ mắt, mỡ kháng sinh, tiêm steroid vào chỗ sưng để giảm đau hoặc chích nạo khi lẹo, chắp không tan…, người bệnh cần chú ý rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào vùng mắt để tra thuốc.

Không trang điểm vùng mắt khi đang bị lẹo và chắp. Hạn chế trang điểm mi mắt hoặc tẩy trang vùng mắt khi bị bệnh. Hạn chế việc để mắt tiếp xúc với nguồn nước bẩn, không khí ô nhiễm, bụi bặm hay ánh sáng mặt trời. Khi đi ra ngoài cần đeo kính chống bụi, chống tia UV. Sau khi ra ngoài cần rửa mi mắt bằng nước sạch, tra kết mạc bằng dung dịch Natri Clorid 0,9%. Hạn chế thói quen dùng tay dụi mắt. Trong thời gian bị lẹo, chắp mắt, hạn chế dùng kính áp tròng.

Bị chắp mắt, hạn chế ăn gì?

Khi bị chắp mắt, trẻ có thể bị nóng trong quá trình dùng thuốc điều trị bệnh. Phụ huynh không nên cho trẻ ăn các trái cây nhiệt như xoài, nhãn, vải, ổi, đồ ăn cay nóng, nhiều ớt, hành, tiêu, thịt dê, hải sản… Đồ ăn, thức uống nhiều đường làm suy giảm hệ miễn dịch cơ thể, làm vết thương lâu lành hơn. Phụ huynh cũng nên kiểm soát việc tiêu thụ nước ngọt có ga, các loại kẹo bánh chứa nhiều đường ở trẻ.

Trẻ cần được cung cấp đủ vitamin A, C, E và kẽm trong suốt quá trình hồi phục sức khỏe nếu bị lẹo, chắp ở mắt. Những loại vitamin và khoáng chất kể trên còn có tính năng chống viêm nhiễm, giảm sưng tấy, tăng cường sức đề kháng cho người bệnh.

“Nguồn vitamin A tốt cho người bệnh khi bị chắp, lẹo mắt gồm cà rốt, bí đỏ, rau ngót, mồng tơi, cải bó xôi… Nguồn vitamin C thích hợp có thể dùng như ớt chuông, bưởi, cam, quýt, dâu, việt quất… Nguồn kẽm có gan, chuối, cải bó xôi, nấm… Nguồn vitamin E có cà chua, cà rốt, đu đủ, hạt bí, hạt hạnh nhân, quả bơ”, bác sĩ Tùng chia sẻ.