Chuyên gia truyền thông cũng suýt bị lừa bởi page Facebook fake như thế nào?


Hào hứng mua bạc thỏi kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, 1 giám đốc công ty truyền thông có tiếng cũng suýt rơi vào “bẫy lừa”.

Mới đây, anh Hạ Hồng Việt, Giám đốc Công ty Truyền thông Sellator vừa chia sẻ trải nghiệm “bị lừa trên Facebook” của mình.

“Không ngờ rằng có 1 ngày tôi – 1 người rất cảnh giác và thường xuyên cảnh báo người thân của mình về các hình thức lừa đảo trên mạng – lại bị lừa bởi 1 cái page fake. Và tôi lên bài này bởi vì tin rằng đến chính tôi, 1 người tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin, làm truyền thông trên Mạng xã hội, mà còn bị lừa thì khả năng cao mọi người cũng dễ dàng mắc phải tình huống tương tự. Và tôi cũng rút ra cho riêng mình 1 số bài học để rút kinh nghiệm cho bản thân tránh lừa đảo trong tương lai”, anh Việt chia sẻ.

Chuyên Gia Truyền Thông Suýt Bị Lừa Đảo Trên Facebook Bởi Page Fake Tinh Vi - Ảnh 1.

Theo đó, tuần trước, anh Việt bắt đầu thấy 1 cái quảng cáo trên Facebook rất ấn tượng, đó là nhận đặt hàng bạc thỏi phiên bản kỷ niệm “50 năm thống nhất đất nước” đến từ Phú Quý Silver. Đã biết Bạc Phú Quý từ trước, cũng như thấy page tích xanh nên anh Việt không mảy may nghi ngờ gì.

“Quan trọng đoạn video rất nét, và nội dung thì rất thuyết phục. Bạc thỏi phiên bản giới hạn, và chỉ đúng dịp 30/4 này mới có, không đặt nhanh là hết. Là 1 người rất hào hứng với lễ kỷ niệm đặc biệt này, tôi rất muốn sở hữu thỏi bạc đặc biệt này, giống như kiểu 1 “phiên bản Tự Hào Việt Nam” vậy”, anh Việt kể lại.

Chuyên Gia Truyền Thông Suýt Bị Lừa Đảo Trên Facebook Bởi Page Fake Tinh Vi - Ảnh 2.

Anh đã inbox hỏi thông tin cụ thể, và thực sự đã cân nhắc chốt đơn, chuẩn bị chuyển tiền. Nhưng do công việc bận, và nghĩ rằng để 1 2 hôm nữa chuyển cũng chưa vội, nên anh Việt đã chưa chốt đơn ngay.

Cho đến sáng nay, tình cờ đọc được thông tin cảnh báo trên page chính chủ của Phú Quý, anh mới kiểm tra lại và tá hoả khi nhận ra page anh đọc được quảng cáo là giả. Trang Facebook giả được làm tích xanh như thật, thậm chí page fake còn cảnh báo mọi người về các trang khác là fake như thật.

Chuyên Gia Truyền Thông Suýt Bị Lừa Đảo Trên Facebook Bởi Page Fake Tinh Vi - Ảnh 3.

Dòng cảnh báo trên page Phú Quý Silver chính thức và đường link đúng

 

Chuyên Gia Truyền Thông Suýt Bị Lừa Đảo Trên Facebook Bởi Page Fake Tinh Vi - Ảnh 4.

Trên Facebook chính chủ của Phú Quý cũng đưa ra lời cảnh báo lừa đảo.

“Đến cái đường link phải để ý kỹ mới nhìn ra trang fake là: PhuQuySliver chứ không phải Silver. Họ làm page fake bài bản, fake có nghiên cứu có tìm hiểu, fake có đầu tư. Một page nào đó được đổi lại tên vào ngày 12/4, sau đó chạy tới hơn 200 cái quảng cáo để đi lừa đảo. Đến thời điểm này nhìn lại tôi thấy mình chính thức HOÀN TOÀN BỊ LỪA”, anh Việt chia sẻ.

Khi tìm hiểu lại, anh Việt mới biết là bạc thỏi kỷ niệm 50 năm là có thật, nhưng page chính thức thì đã thông báo hết hàng, và chính page chính thức cũng đang đau đầu vì bị giả mạo.

Rất nhiều người để lại bình luận trên Facebook chính thức của Phú Quý rằng đã bị page giả lừa đảo và mất tiền.

“May quá mình suýt bị lừa, thấy tên chủ tài khoản lạ nên check thấy ngay page công ty mới thành lập 4/2025”.

“Đang nghi ngờ thì đọc đc bài này, may quá. Nó bảo mình còn 16 thỏi trên 2025 thỏi, hỏi mình có đặt mua ko? Tý thì bị lừa 6.430.000 đồng”.

Đến lúc này, sau 3 ngày không trả lời, anh Việt hỏi lại page fake 1 lần nữa thì được thông báo số lượng thỏi bạc còn y như hôm trước. “May mà tôi chưa chuyển tiền, nếu không thì đã mất 6,5tr với bọn này. Nhưng là chưa mất tiền thôi, còn bị lừa thì rõ ràng”, anh Việt cảm thấy may mắn.

Chuyên Gia Truyền Thông Suýt Bị Lừa Đảo Trên Facebook Bởi Page Fake Tinh Vi - Ảnh 5.

Tin nhắn của anh Việt và page lừa đảo

 

Chuyên Gia Truyền Thông Suýt Bị Lừa Đảo Trên Facebook Bởi Page Fake Tinh Vi - Ảnh 6.

Đường link của page fake sai lỗi chính tả, page mới được đổi tên gần đây

 

Chia về trải nghiệm “suýt bị lừa”, anh Hạ Hồng Việt nhắn nhủ: “Với những thủ đoạn tinh vi, 1 người tiêu dùng bình thường thiếu kinh nghiệm rất dễ bị thao túng bởi những kẻ lừa đảo trên mạng xã hội. Chúng có thể tạo ra những page tích xanh, những bài đăng hàng chục nghìn lượt tương tác, những bình luận hỏi đáp tự nhiên đến từ nick ảo, và chúng dễ dàng tạo ra sự uy tín ảo để khiến những người nhẹ dạ cả tin bị lừa. Vì thế, việc tự nâng cao nhận thức của bản thân rất quan trọng.

Ví dụ như tôi đã tự rút kinh nghiệm cho mình sau việc này, đó là ưu tiên mua sắm thông qua thương mại điện tử, ít ra trên đó còn có cơ chế trả hàng hoàn tiền. Còn khi thanh toán online, phải biết rõ mình đang chuyển khoản cho ai, và luôn ý thức được bên phía màn hình bên kia có thể là những kẻ lừa đảo đang chờ mình sơ hở để lợi dụng. Tự cảnh giác bản thân để giảm thiểu rủi ro. Nếu có 1 cộng đồng hoặc 1 nơi để mọi người có thể tự check xem bên nào uy tín, có phải lừa đảo hay không, được tổ chức bởi 1 cơ quan uy tín, có quy trình chuẩn chỉnh thì tôi nghĩ sẽ còn thuận tiện cho mọi người hơn nữa. Còn bây giờ, người dân như tôi hiện chỉ biết tự bảo vệ mình thôi”.

Bài học chuyên gia Hạ Hồng Việt rút ra để lần sau tránh bị lừa: 

1. Tránh mua hàng trên Facebook lạ, không tin tưởng được kể cả tích xanh.

2. Nếu thực sự muốn mua, thì hãy kiểm tra thông tin thành lập, đổi tên của page. Kiểm tra thêm cả các website liên quan, các kênh mạng xã hội liên quan, để hỏi check lại thông tin trước khi xuống tiền, tránh để mất tiền.

3. Trước khi chuyển tiền cho cá nhân nào đó, hãy nghĩ lại 1 lần nữa “liệu có phải lừa đảo không”? Nếu chấp nhận là có thể bị lừa, chấp nhận có thể bị mất tiền, thì hãy xuống tiền.

4. Ưu tiên mua sắm trên Thương mại điện tử. Sau đó là mua sắm trực tiếp. Nếu chuyển khoản, ưu tiên chuyển cho người thân, cho Công ty/Hộ kinh doanh có pháp nhân. Còn khi chuyển cho ai đó trên mạng, luôn có khả năng bị lừa.

5. Nếu trót bị lừa, thì báo công an. Đừng nghe mấy bọn hướng dẫn lấy lại tiền trên mạng, nếu không muốn bị lừa tiếp.