Bác sĩ: Nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng gấp 6 lần trong tuần đầu nhiễm cúm

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Lê Phương Thảo, Bệnh viện Tim Tâm Đức (TP.HCM) cho biết, cúm có thể làm tăng gấp 6 lần nguy cơ nhồi máu cơ tim trong tuần đầu nhiễm bệnh, và 1/8 bệnh nhân nhập viện vì cúm phải đối mặt với biến cố tim mạch nghiêm trọng.

Mối liên hệ giữa nhiễm cúm và bệnh lý tim mạch

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh đi kèm phổ biến nhất ở bệnh nhân nhiễm cúm phải nhập viện và có liên quan đến diễn tiến bệnh nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân cúm không chỉ bao gồm các biểu hiện về hô hấp, sốt cao, mệt mỏi, đau cơ, mà còn thường xuyên có sự ảnh hưởng đến tim mạch.

Bác Sĩ: Nguy Cơ Nhồi Máu Cơ Tim Tăng Gấp 6 Lần Trong Tuần Đầu Nhiễm Cúm - Ảnh 1.

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh đi kèm phổ biến nhất ở bệnh nhân nhiễm cúm phải nhập viện

Ảnh: AI

Theo bác sĩ Phương Thảo, trong 2 thập kỷ qua, mối liên hệ giữa nhiễm cúm và các bệnh lý tim mạch ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Ngoài việc làm tăng nguy cơ tử vong do tim mạch, cúm còn có liên quan đến cả biến chứng thiếu máu cục bộ và tổn thương cơ tim, bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ, làm trầm trọng thêm suy tim và ở mức độ nhẹ hơn là bệnh cơ tim do stress, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

Cơ chế tiềm ẩn của mối liên hệ này vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn, nhưng có thể liên quan đến tác động trực tiếp của virus cúm, phản ứng viêm toàn thân đối với nhiễm trùng, hoặc sự kết hợp của cả hai yếu tố này.

Cúm ảnh hưởng đến nguy cơ nhồi máu cơ tim

Bác sĩ Phương Thảo cho biết, cúm mùa làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch, đặc biệt ở bệnh nhân có sẵn bệnh lý tim mạch.

Một nghiên cứu năm 2018 tại Canada đăng trên tạp chí The New England Journal of Medicine (một trong những tạp chí y khoa hàng đầu thế giới), cho thấy nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng gấp 6 lần trong tuần đầu sau khi nhiễm cúm.

Nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng gấp 6 lần trong tuần đầu sau khi nhiễm cúm.

Một nghiên cứu khác của Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ được công bố năm 2020 trên tạp chí Annals of Internal Medicine cho thấy, các biến cố tim mạch cấp tính nghiêm trọng thường gặp ở người lớn nhập viện vì cúm. Nghiên cứu này đã phân tích hơn 80.000 bệnh nhân trưởng thành nhập viện do cúm trong 8 mùa cúm và phát hiện rằng gần 12% bệnh nhân, tức 1 trên 8 người, gặp biến cố tim cấp tính, chẳng hạn như suy tim cấp hoặc bệnh tim thiếu máu cục bộ cấp tính. Trong số đó, 30% phải vào khoa hồi sức tích cực (ICU) và 7% tử vong khi đang nằm viện.

Nguy cơ nhồi máu cơ tim thường tăng trong giai đoạn đầu sau khi mắc nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng. Nguyên nhân có thể là do nhiễm trùng làm rối loạn quá trình đông máu và kích thích giải phóng các phân tử gây viêm. Điều này có thể làm mất ổn định mảng xơ vữa trong động mạch, khiến mảng xơ vữa vỡ ra, dẫn đến tắc nghẽn động mạch vành.

Ngoài ra, tình trạng cơ thể sốt cao, thiếu oxy, gây tăng nhịp tim cũng gây gánh nặng cho tim, thúc đẩy người bệnh vào đợt suy tim cấp mất bù nên nền suy tim mạn.

Bác Sĩ: Nguy Cơ Nhồi Máu Cơ Tim Tăng Gấp 6 Lần Trong Tuần Đầu Nhiễm Cúm - Ảnh 2.

Nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng gấp 6 lần trong tuần đầu sau khi nhiễm cúm

Ảnh: AI

Bệnh nhân tim mạch cần chăm sóc như thế nào khi mắc cúm?

Theo dõi triệu chứng: Nếu có dấu hiệu cúm, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, hạ sốt theo hướng dẫn bác sĩ.

Dùng thuốc theo chỉ định: Bệnh nhân tim mạch cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc kháng virus cúm điều trị cúm A (Oseltamivir), hoặc thuốc giảm đau NSAIDs/corticoid (có thể gây bất ổn huyết áp hoặc rối loạn đông máu đối với những bệnh nhân đang dùng thuốc kháng đông, tránh tự ý dùng chích thuốc có thể ảnh hưởng tim mạch).

Nhận biết dấu hiệu nguy hiểm: Cần đến bệnh viện ngay nếu có:

  • Khó thở, đau ngực.
  • Cảm giác nhịp tim không đều, hồi hộp đánh trống ngực.
  • Huyết áp giảm, hoa mắt, gần ngất hoặc ngất.
  • Triệu chứng cúm kéo dài trên 7 ngày hoặc trở nặng.

Để bảo vệ trái tim trước cúm mùa, bệnh nhân tim mạch cần tiêm vắc xin hằng năm, giữ vệ sinh tốt và theo dõi sát sao triệu chứng. Khi có dấu hiệu bất thường như khó thở hay đau ngực, hãy đến bệnh viện ngay. Phòng ngừa và can thiệp kịp thời là cách phòng tránh những biến chứng nguy hiểm từ “cơn cúm tưởng chừng vô hại” này.