Chữ và nghĩa: Thiêng liêng 2 tiếng “miền Nam”

Người Việt Nam chúng ta đã quen với cách phân chia 3 vùng địa lý chính: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ – mà trong giao tiếp, mọi người vẫn quen gọi là miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Bắc – Trung – Nam “chung một mái nhà” làm nên nước Việt Nam.

Nhưng trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, “miền Nam” trở thành một “từ khóa” đặc biệt, là mối quan tâm hàng đầu trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Đó là trong những câu nói đã đi vào lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi” (1962). Ngay cả trước khi qua đời (1969), Người còn mong, tới ngày toàn thắng, sẽ thực hiện ước nguyện: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.

Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim Người: “Bác nhớ miền Nam – nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác – nỗi mong cha” (Tố Hữu).

Chữ và nghĩa: Thiêng liêng 2 tiếng "miền Nam" - Ảnh 1.

Hình ảnh vị cha già kính yêu luôn trong tim mỗi người dân nước Việt.Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Cùng với nỗi niềm đó của Bác, suốt một khoảng thời gian dài, trong giao tiếp và đặc biệt trong văn bản văn học nghệ thuật, ta thấy mọi người chỉ nhắc (và nhắc nhiều) đến 2 tiếng “miền Nam”.

Năm 1961, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác bài hát Giải phóng miền Nam (sau nhạc bài này thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh Giải phóng). Bài hát có những câu: “Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước/ Diệt Đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước/ Ôi xương tan máu rơi, lòng hận thù ngất trời/ Sông núi bao nhiêu năm cắt rời”.

Cũng trong năm 1961, nhạc sĩ An Chung sáng tác bài hát Trăng sáng đôi miền (1961). Với ông, “đôi miền” đó chính là miền Bắc với miền Nam “Nhưng miền Nam mây phủ bầu trời/ Che vầng trăng cho dạ bời bời”.

Năm 1963, nhà thơ Tố Hữu (trong bài Miền Nam), đã viết: “Nếu tâm sự cùng ta bạn hỏi/ Tiếng nào trong muôn ngàn tiếng nói/ Như nỗi niềm nhức nhói tim gan? – Trong lòng ta, hai tiếng: Miền Nam!”

Năm 1964, nhạc sĩ Lưu Cầu, sáng tác bài Miền Nam ơi, chúng tôi đã sẵn sàng, có những câu: “Miền Nam kêu gọi ta, vượt Trường Sơn bay vọng ra/

Ôi tiếng quê hương như thúc giục chúng ta”.

Năm 1965, nhà thơ Chính Hữu sáng tác bài Ngọn đèn đứng gác, có những câu: “Trên đường ta đi đánh giặc/ Ta về Nam hay ta lên Bắc/ Ở đâu cũng gặp/ Những ngọn đèn dầu, chong mắt đêm thâu”.

Năm 1969, nhạc sĩ Huy Thục sáng tác bài Bác đang cùng chúng cháu hành quân, có những câu: “Đi ta đi giải phóng miền Nam/ Khi quê hương nhà vẫn còn bóng quân xâm lược/ Thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi/ Lời Bác thúc giục chúng ta/ Chiến đấu cho quê nhà Nam Bắc hòa lời ca”.

Cũng trong năm 1969, nhà thơ Phạm Tiến Duật viết Bài thơ về tiểu đội xe không kính (trong chùm thơ đoạt giải báo Văn Nghệ), có những câu: “Không có kính, rồi xe không có đèn/ Không có mui xe, thùng xe có xước/ Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim”….

***

Tại sao trong một giai đoạn lịch sử, chúng ta hay sử dụng khái niệm miền Nam (cùng với miền Bắc) mà không nói gì đến miền Trung? Có thể nói, sau Hiệp định Genève (1954), khi đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2, thì trong lòng người dân Việt Nam, ai cũng đau đáu nỗi niềm “2 miền Nam Bắc”, mong chờ ngày thống nhất. Sông Bến Hải (có nhịp cầu Hiền Lương) chạy theo vĩ tuyến 17, bấy giờ trở thành ranh giới chia 2.

  • Chữ và nghĩa: 'Chỉ một đường ra', sao lại là hai?

    Chữ và nghĩa: ‘Chỉ một đường ra’, sao lại là hai?

     24/04/2024 17:58

Ở đây, miền Nam trở thành khái niệm “định danh mang tính lịch sử”. Nó không nằm trong phạm trù “địa danh 3 miền phân giới” (về địa lý, về đặc thù riêng). Nghĩ tới miền Nam là nghĩ tới “sự chia cắt tạm thời” cần phải xóa bỏ sự chia cắt đó để non sông thu về một mối. Đó chính là mối quan tâm hàng đầu của toàn dân ta, là niềm thương nỗi nhớ, là ngọn cờ vẫy gọi cả dân tộc đứng lên trong cuộc đấu tranh đưa đất nước về một mối.