Sài Gòn ngày 30/4/1975 trong ký ức của nhà báo Ấn Độ

Chiếc xe tăng với lá cờ nửa xanh nửa đỏ lao nhanh về phía cổng Dinh Độc lập. Người phóng viên của tạp chí “Far Eastern Economic Review” (Kinh tế Viễn đông) vẫy tay với những anh lính ngồi trên xe tăng, ra hiệu mình là nhà báo. Họ vẫy tay đáp lại.

Chanda chụp vội một bức ảnh rồi quay lại văn phòng trên đường Hàn Thuyên, gửi tin về tòa soạn: “Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào 11 giờ 25 phút sáng nay”. Ông tiếp tục chạy vào Dinh Độc lập.

Đến nơi, ông thấy tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đứng ở cầu thang, chờ được đưa đến đài phát thanh để đọc tuyên bố đầu hàng.

“Đó là ký ức sâu sắc nhất trong cuộc đời 50 năm làm báo của tôi”, nhà báo Ấn Độ Nayan Chanda, 78 tuổi, kể với VnExpress.





Nhà báo Nayan Chanda ở quận 1, TP HCM, tối 25/4. Ảnh: Ngọc Ngân

Nhà báo Nayan Chanda trong khách sạn ở quận 1, TP HCM, tối 25/4. Ảnh: Ngọc Ngân

Năm 1974, khi đang làm việc cho trường đại học ở Pháp, Nayan Chanda nhận lời mời trở thành phóng viên thường trú Sài Gòn của tờ Far Eastern Economic Review. Tháng 7 năm đó, ông bay từ Paris đến Sài Gòn, mỗi tuần viết hai bài gửi về văn phòng ở Hong Kong.

Tháng 3/1975, Chanda lờ mờ nhận ra cuộc chiến này sắp đi vào hồi kết khi quân giải phóng mở chiến dịch tấn công Tây Nguyên. Binh sĩ Việt Nam Cộng hòa ùn ùn bỏ chạy về Sài Gòn.

Giữa tháng 4/1975, ban biên tập của Far Eastern Economic Review nhận định tình hình chiến sự rất nghiêm trọng, yêu cầu ông rời khỏi Sài Gòn để an toàn. Nhưng Chanda từ chối. Ngoài làm báo, ông còn nghiên cứu lịch sử nên rất muốn chứng kiến hồi kết của cuộc chiến này. Ông nhận làm cộng tác viên cho Reuters, làm việc ở văn phòng bên kia công viên, gần Dinh Độc lập, nơi có máy telex.

Đêm 28/4, Sài Gòn như vỡ tung với những cuộc di tản. Mọi người mang theo đồ đạc chạy tán loạn, trèo lên bất kỳ con tàu nào với hy vọng rời khỏi thành phố.

Trực thăng lên xuống liên tục. Chanda chuyển đến ở trong khách sạn Continental vì nghĩ nếu có pháo kích, đó sẽ là nơi an toàn nhất. Ở đó, ông gặp một số người nước ngoài có radio cầm tay kết nối với mạng truyền tin của đại sứ quán Mỹ. Nhờ đó, họ nghe được người Mỹ nói gì, như việc đại sứ Graham Martin sắp rời đi.

Tin này tạo nên sự hỗn loạn ngày càng tăng của Sài Gòn sáng 30/4. Phía ngoài đại sứ quán Mỹ, Chanda chứng kiến hàng nghìn người đập cửa, gào thét để vào trong khi lính thủy quân lục chiến cố chặn họ lại. Đột nhiên, binh lính rút khỏi cổng chạy vào tòa nhà, ném lựu đạn hơi cay, ngăn cản đám đông ùa vào. Nhiều người bắt đầu phá phách vì tức giận, cho rằng người Mỹ bỏ rơi họ.

Nayan Chanda cũng có mặt ở đó. Ông dừng lại trước một bức tranh có câu nói của nhà ngoại giao, sĩ quan quân đội Anh Thomas Edward Lawrence về quyền tự quyết của thế giới Ả Rập: “Đừng bao giờ quên đây là đất nước của họ, cuộc chiến của họ và thời gian của chúng ta rất ngắn ngủi”.

“Ai đó đã treo câu nói này trong Đại sứ quán Mỹ. Thật trớ trêu là người Mỹ biết thời gian của họ ngắn, nhưng không ngờ đến mức phải bỏ đại sứ quán và rời đi bằng trực thăng”, ông nói với VnExpress.





Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1974. Ảnh: Nayan Chanda

Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh: Nayan Chanda

Trưa 30/4, xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Ông chụp ảnh các binh sĩ mang cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (Mặt trận) chạy vào sân.

Chanda bước lên tầng hai của Dinh, nơi có tấm thảm đỏ lớn mà các tổng thống thường tiếp khách. Ông thấy một chiến sĩ giải phóng trẻ tuổi cởi đôi dép cao su, bước đi bằng chân trần và nhẹ nhàng cảm nhận tấm thảm. “Hình ảnh đó in sâu trong tôi. Nó biểu trưng cho sự chuyển giao quyền lực”, ông nói.

Khi ông quay lại văn phòng Reuters để viết bài, có người gọi đến, nói rằng cờ Mặt trận đã được treo lên khắp nơi. Ông nghĩ khi xe tăng tiến vào thành phố, mọi người rất sợ. Nhưng rất nhanh, nỗi sợ đó đã chuyển sang cảm giác nhẹ nhõm rằng chiến tranh đã kết thúc, không còn ai bắn nhau, không còn ai chết nữa. Có người khóc, có người reo hò rồi cả đường phố reo hò.

Chiều 30/4, những người Sài Gòn trốn trong nhà bắt đầu đổ ra đường. Họ đến nói chuyện với các chiến sĩ ngồi trên vỉa hè, tay cầm súng.

Một số người ngồi quanh bộ đội hỏi: Anh đến từ đâu? Tỉnh nào? Tôi có người chú ở đấy. Những khẩu pháo tầm xa này bắn được bao nhiêu viên đạn?… Các anh giải phóng nhiệt tình trả lời tất cả.

Người Sài Gòn rất ngạc nhiên khi thấy các anh bộ đội. Họ chưa từng thấy những tòa nhà lớn, xe hơi, xe máy. Ông thấy một anh lính đứng đối diện nhà thờ loay hoay. Tò mò, ông đến gần và nhận ra anh ấy đang xem la bàn để xác định hướng đi.

Rời khỏi Dinh Độc lập, Chanda cùng 15 nhà báo khác là người Mỹ, Nhật và Pháp đến quán cà phê gần khách sạn Continental. Họ mất toàn bộ liên lạc với bên ngoài, chỉ có thể nghe radio của đài VOA và BBC.

“Thế giới lúc đó đoán có thể điều gì đó khủng khiếp đang xảy ra ở Việt Nam”, ông nhớ lại. “Nhưng thực tế lại trái ngược. Mọi thứ bình yên và ổn định nhanh ngoài sức tưởng tượng”.

Ông cho rằng thời điểm 11h30 ngày 30/4 là khoảnh khắc kịch tính nhất của thế kỷ, đánh dấu một dân tộc thuộc địa chiến đấu cho độc lập và thành công.

Tối 30/4, ông ngả lưng với cảm giác yên tâm rằng chiến tranh cuối cùng đã kết thúc. “Tôi ngủ mà không còn nghe tiếng trực thăng, súng nổ. Thành phố tĩnh lặng”, ông kể.

Tháng 7/1975, Nayan Chanda rời Sài Gòn. Suốt 50 năm qua, ông quay lại thành phố này 8 lần, trong đó có dịp 30/4/1985, Việt Nam mừng kỷ niệm 10 năm thống nhất. Thời điểm đó, ông cảm nhận Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt về kinh tế.

Ông cho rằng khi một đất nước bị chia cắt với các chế độ và hệ thống kinh tế, xã hội khác nhau sẽ dẫn đến thái độ và kỳ vọng khác nhau. Vấn đề hòa giải không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Nhưng quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh đã diễn ra và sau 50 năm, sự đoàn kết đã mạnh mẽ hơn.

Sáng 25/4/2025, khi trở lại Việt Nam dự lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất, Nayan Chanda cảm nhận bầu không khí hoàn toàn khác. Từ một khách sạn trên đường Đồng Khởi, ông thấy rất đông người Việt mặc áo đỏ, tay vẫy cờ Tổ quốc đi trên những con đường được trang hoàng.

“Khi tôi nhìn lại, mọi thứ mới rõ ràng. 50 năm là một hành trình dài và đáng tự hào của Việt Nam”, ông nói.

Ngọc Ngân