Nối tiếp truyền thống, xây dựng tương lai

Để kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước Rèn luyện kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo bắt nhịp “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”

Phóng viên: Nhiều năm làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về lĩnh vực kinh tế, Giáo sư có thể chia sẻ cảm nhận của mình về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay?

GS.TS, ĐBQH Hoàng Văn Cường: Năm nay, chúng ta kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước. Nhìn lại dấu mốc này cho thấy, nền kinh tế đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển.

Trong giai đoạn kinh tế kế hoạch hóa tập trung (1975-1986), chúng ta đã xây dựng và phát triển nền kinh tế theo mô hình kinh tế tập thể, giai đoạn này cũng có nhiều công trình công cộng, nông trường… được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, cơ chế sản xuất theo mệnh lệnh, kế hoạch hóa nhiều hạn chế, không có động lực cho phát triển, dẫn đến thiếu hụt lương thực, hàng tiêu dùng và năng lực cạnh tranh thấp.

Từ năm 1986, chúng ta tiến hành đổi mới, cải cách nền kinh tế, chuyển sang cơ chế thị trường, phá bỏ đi những rào cản về thể chế cũ, phát triển các thành phần kinh tế ngoài nhà nước và mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài đã giúp giải phóng các lực lượng sản xuất, tạo ra môi trường cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Nối tiếp truyền thống, xây dựng tương lai
GS.TS, ĐBQH Hoàng Văn Cường. Ảnh: PT

Nhờ quá trình đổi mới, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới (gạo, cà phê, thủy sản…); phát triển mạnh mẽ về công nghiệp chế biến, chế tạo, trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp của khu vực…

Đến nay, quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng lên đáng kể, xếp hạng khoảng thứ 4-5 khu vực Đông Nam Á, thứ 33-34 trên thế giới. Đặc biệt diện mạo đời sống kinh tế – xã hội của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, các chỉ số về đánh giá năng lực cạnh tranh, tín nhiệm quốc gia, chỉ số đổi mới sáng tạo… những năm gần đây đều tăng cao; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt mức khá cao so với mức trung bình của thế giới.

Có thể thấy, quá trình đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong 30-40 năm qua được đánh giá rất thành công, với những thay đổi vượt bậc về mọi mặt so với trước đây. Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế năng động, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, và đời sống của người dân cũng được cải thiện đáng kể.

Phóng viên: Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, kinh tế tư nhân đóng góp đến 70% GDP, Giáo sư có cho rằng, cần có cải cách thể chế để tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển?

GS.TS, ĐBQH Hoàng Văn Cường: Việc phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam là một quá trình có xoay chuyển, từ chỗ kinh tế tư nhân không được thừa nhận, đến khi đổi mới, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường thì trong Nghị quyết của Đảng thừa nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế.

Sau đấy đến năm 1996, 1997 thì chúng ta lại có quan điểm mới hơn về kinh tế tư nhân, trong Nghị quyết của Đảng quy định các thành phần kinh tế bình đẳng; kinh tế tư nhân dần được coi là một thành phần kinh tế quan trọng, bình đẳng với các thành phần khác; sau này thì khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Hiện, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế, xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất. Kinh tế tư nhân chiếm trên 50% GDP và quan trọng hơn, chiếm đến 80% lực lượng lao động.

Nhiều tập đoàn lớn và nhà đầu tư công nghệ mới đang chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư, phản ánh tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam. Vị thế kinh tế, xã hội và môi trường đầu tư của Việt Nam cũng liên tục được cải thiện, thể hiện qua các chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và tín nhiệm quốc gia.

Đáng mừng là rất nhiều doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đã trở thành những tập đoàn mạnh hàng đầu, thay thế được các tập đoàn nước ngoài, có khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế, điển hình như tập đoàn Vinamilk, Vingroup, Sungroup…

Về khuôn khổ luật pháp, hiện không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tất cả đều hoạt động bình đẳng theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, còn có những yếu tố khiến kinh tế tư nhân chưa khẳng định được vị thế và gần như lép vế trong các thành phần kinh tế.

Bởi lẽ, khu vực kinh tế tư nhân có tiềm lực quá nhỏ, 80-90% là DN nhỏ và vừa, nên năng lực cạnh tranh yếu, không thể tạo ra được năng lực cạnh tranh với các DN Nhà nước hay DN có vốn đầu tư nước ngoài. Các DNTN cũng không liên kết với nhau, mà “mạnh ai nấy chạy”, dẫn đến chồng chéo, tự bản thân các DNTN cạnh tranh, chèn ép nhau, làm suy yếu thêm. Dẫn đến, việc tiếp cận cơ hội đầu tư, cơ hội phát triển của DNTN khó hơn rất nhiều so với DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN Nhà nước có tiềm lực lớn

Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, chúng ta không thể để cho các doanh nghiệp này tự bươn trải, tự cạnh tranh với nhau, tự mâu thuẫn với nhau mà cần phải có định hướng, để tạo ra sự phát triển đồng thuận theo một chiều, tạo ra hợp lực.

Muốn vậy, các DNTN phải liên kết lại với nhau, và điều này Nhà nước không thể làm thay được, mà phải có các DN đóng vai trò dẫn dắt, như là chim đầu đàn, kéo theo các DN khác phát triển theo xu hướng đó. Muốn có các DN đầu đàn, thì cần có sự định hướng của Nhà nước cho các DN này, dành những thị trường mà Nhà nước thấy rằng đặt hàng, giao nhiệm vụ cho khu vực kinh tế tư nhân thực hiện sẽ hiệu quả hơn, tốt hơn khu vực Nhà nước.

Ví dụ trong triển khai xây dựng cao tốc Bắc – Nam, Nhà nước có thể đặt hàng cho các DNTN sản xuất đường ray, toa xe, xây dựng cầu, đường dẫn… Khi yên tâm đã có đầu ra thì các DN lớn sẽ đầu tư và kêu gọi các DN nhỏ cùng tham gia, mỗi DN sẽ thực hiện một khâu, tạo ra chuỗi liên kết, hệ sinh thái, hỗ trợ cho nhau.

Như vậy, cần có bàn tay của Nhà nước để định hướng thông qua đặt hàng, giao nhiệm vụ… để hình thành nên những tập đoàn lớn, những doanh nghiệp lớn có thế lực đóng vai trò dẫn dắt và tạo ra hệ sinh thái liên kết giữa các DN với nhau. Trong cải cách thể chế, cần phải có sự thay đổi trong cơ chế quản lý đầu tư công, cho phép Nhà nước đặt hàng và hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân thực hiện các dự án.

Phóng viên: Giáo sư có đề xuất, kiến nghị gì về việc thực thi các chính sách về phát triển kinh tế tư nhân thật sự hiệu quả?

GS.TS, ĐBQH Hoàng Văn Cường: Thực tế cho thấy, chính sách pháp luật của mình không thiếu. Tuy nhiên, việc thực thi nhiều khi chưa mang lại kết quả, do nhiều yếu tố. Có thể do bản thân các cơ chế chính sách chồng chéo, mâu thuẫn nên khó khăn khi thực hiện. Cũng có thể trong quá trình thực hiện, các chính sách không bao trùm, cụ thể hóa được hết các diễn biến thực tế vì chính sách có khuôn khổ, còn thực tế thì muôn hình vạn trạng.

Dẫn đến khi áp dụng vào thực tế, người ta không biết có phù hợp hay không, được phép hay không, nên trông chờ, xin ý kiến của nhiều cơ quan… nên mất thời gian. Điều này liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, nhưng khu vực tư nhân sẽ bị chịu thiệt thòi nhiều hơn.

Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, tôi cho rằng, cần thay đổi quan điểm chỉ đạo trong áp dụng chính sách. Việc áp dụng không nên máy móc mà phải vận dụng phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhưng đồng thời không để xảy ra hậu quả xấu cho xã hội, cho đối tượng quản lý và không có các yếu tố vụ lợi.

Cán bộ thực thi cần được trao quyền và có sự chủ động, sáng tạo trong việc tìm giải pháp phù hợp với thực tiễn. Nếu có quan điểm như vậy, người thực thi sẽ phải tìm giải pháp để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!