Tổng Bí thư: Muốn sửa Luật Đấu thầu thì phải xem ‘ông đấu thầu’ có những tội gì

Chiều nay, Quốc hội đã thảo luận tại tổ đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư.

Liên quan tới sửa Luật Đấu thầu, Tổng Bí thư Tô Lâm, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng đây là việc rất khó, nhưng là điểm trũng phải tháo gỡ.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: “Nhu cầu phát triển đất nước rất lớn. Phải vay vốn nước ngoài vào, mình có tiền không tiêu được. Tại sao? Đấu thầu riêng quy trình không thôi cũng gần hết năm rồi. Mấy tháng chọn thầu, mấy tháng mở thầu, mấy tháng chấm thầu, còn đâu thời gian để thực thi nữa. Tiền ngân sách thì cho trong năm. Không được để tiền trong tay tiêu sang năm. Tôi thấy đúng là khó thật. Bây giờ đầu tư công quý I không tiêu được cái gì cả. Bao giờ cũng thấp nhất vì vướng các thủ tục. Muốn sửa Luật Đấu thầu phải tổng kết lại xem “ông đấu thầu” có những tội gì. Tội nặng lắm. Tội chậm tiến độ phát triển, chậm công trình, chất lượng kém, tội hư hỏng, mất cán bộ và không tiết kiệm. Mục tiêu của đấu thầu để hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ và có những công trình tốt, nhưng không làm được”.

Tổng Bí thư: Muốn sửa Luật Đấu thầu thì phải xem ông đấu thầu có những tội gì - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu tại cuộc họp.

Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật trong lĩnh vực Đầu tư, một số đại biểu cho rằng, các quy định phải được thiết kế theo tinh thần đổi mới tư duy quản lý, thay vì kiểm soát, giám sát, chuyển sang kiến tạo, phát triển.

Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết: “Theo luật đất đai, nếu như có đất rồi mà muốn chuyển sang các hoạt động đầu tư kinh doanh thì việc đầu tiên là phải đúng quy hoạch. Nếu đúng quy hoạch thì sẽ cho phép chuyển mục đích sử dụng dự án và cho phép đầu tư. Nhưng nếu như hiện nay, kết hợp theo luật đầu tư thì vẫn phải theo điều 29, thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư.Mặc dù luật viết hai thủ tục là một nhưng vẫn phải hai bộ hồ sơ. Như vậy lại phát sinh thêm một cái thủ tục về đầu tư. Tôi đề nghị nghiên cứu, bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và quy định Chủ trương đầu tư đối với các dự án của nhà đầu tư tư nhân”.

Về Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi, các đại biểu quan tâm tới quy định về tỷ lệ phân chia các khoản thu, chi của các địa phương và Trung ương.

Tổng Bí thư: Muốn sửa Luật Đấu thầu thì phải xem ông đấu thầu có những tội gì - Ảnh 2.

Ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Như TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội sắp tới đây sẽ triển khai rất nhiều dự án nhất là hệ thống đường sắt đô thị. Như vậy rất cần nguồn ngân sách địa phương, cho nên tôi đề nghị nên điều tiết ngân sách trung ương đối với tiền thu hồi đất là khoảng 15-20%, còn lại là của địa phương. Nếu không có thể áp dụng cho mặt bằng chung cho các địa phương là 80% đối với địa phương và trung ương là 20%”.

Về Luật quốc tịch, các đại biểu cho rằng cần quy định rõ cơ chế khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đối với người Việt Nam ở nước ngoài được nhập quốc tịch, và người nước ngoài làm việc, cống hiến cho Việt Nam. Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!