Ngẫm ngợi cuối tuần: Cây mía một thời

Vùng quê tôi xưa có hai giống mía thường trồng: mía xương gà và mía de.

Mía xương gà là mía để ăn. Dóng mía dài vừa phải, thân màu vàng nhạt. Mía xương gà giòn và mềm. Ăn chẳng cần dao tiện khẩu, cứ cầm tấm mía tước bằng răng. Nước mía ngọt ngào trôi qua họng thấm tận tâm can, tỉnh cả người, mệt mỏi trôi đâu hết. Sau buổi cày về, nhai lúc hết cây mía, nhả ra cả đống bã rồi nằm khểnh, hiu hiu vào giấc ngủ, chả thèm nghĩ đến cơm nữa.

Mía xương gà có thời thành thương phẩm. Cây mía chặt thành 4, mỗi khúc non hai gang tay, gọi là tấm mía. Cứ năm xu một hào một là mua được một tấm, tùy cây mía to hay nhỏ. Đó là món quà vừa túi tiền những bà mẹ quê mua cho con sau buổi chợ.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Cây mía một thời - Ảnh 1.

Mía xương gà là mía để ăn còn mía de là mía chỉ để làm mật

Mía bắt đầu ngọt từ đầu Đông khi trời bắt đầu khô hanh. Có câu thành ngữ:”hanh heo mật trèo lên ngọn”. Đó là đoạn trời không mưa, đất khô kiệt, nước không vận lên thân mía nữa, khi ấy là vào mùa thu hoạch. Mía được chặt ăn trong nhà, bán ở chợ. Giá mía rẻ vì chỉ để ăn chơi nên khó tiêu thụ. Cho nên mỗi nhà chỉ trồng đôi ba luống. Năm 1968, duy nhất một lần tại Bắc Sơn tôi được thấy một vườn mía xương gà của ông Thầm rộng đến mấy mẫu nơi chân núi. Không biết ông tiêu thụ thế nào?

***

Còn mía de là mía chỉ để làm mật. Mía de thân nhỏ và cứng, da xanh, ít nước. Mùa thu hoạch cũng vào sau Tết. Khi ấy lượng mật trong mía cao nhất. Ngày trước chưa có kĩ nghệ cơ khí, ép mía lấy mật người ta chọn cây gỗ to, đường kính dưới một mét làm hai trụ, gọi là “cây mật”. Cây mật được tạo tác bánh răng cưa phía trên trụ, bên âm bên dương khớp vào nhau. Đầu trên có cần dài chốt cứng, cho trâu kéo vòng. Khi trâu kéo, bánh răng khớp vào nhau đẩy hai trụ xoay vòng. Nguyên tắc như máy ép nước mía bán quán. Dưới hai trụ là cái hố đặt thùng hứng nước mía ép chảy xuống. Những tháng sau tết trời khô là thời gian các nhà xếp hàng thay nhau chặt mía, kéo mật.

Cây mật thường đặt ở giữa cánh đồng thoáng đãng. Lều được dựng luôn bên cạnh chảo nấu mật. Mật mía được chế ra hai loại đường: Đường phên, đóng thành miếng mỏng nhỏ hơn viên gạch. Làm đường cát thì phải lọc kĩ hơn. Nấu như thế nào để ra đường phên hoặc ra đường cát thì tôi cũng không còn nhớ cách làm. Phụ phẩm của lò đường mía là nước mật. Nước mật sánh thơm và ngọt sắc để chấm bánh gio. Trước đây cả vùng mới có một hai cây mật, các nhà thay nhau kẽo kẹt suốt ngày đêm, cả tháng trời hầu như không nghỉ.

  • Ngẫm ngợi cuối tuần: Thương quá mùa Xuân

    Ngẫm ngợi cuối tuần: Thương quá mùa Xuân

     16/03/2025 10:51

Bên lò nấu mật người ta để sẵn các vại chứa váng bẩn được vỉ buồm hớt ra. Đem nước váng đó đánh thêm vào vôi cát xây nhà thì tốt hơn cả xi măng.

***

Bây giờ hai loại mía xương gà và mía de ở vùng tôi không còn. Đó là những loài cây đắc dụng thời bao cấp, tự sản tự tiêu. Lưu thông hàng hóa bây giờ đã biến đổi giống cây trồng sang một diện mạo mới. Mía lấy mật giờ có vùng chuyên canh, giống cũng khác. Sản xuất đường có máy móc hiện đại rồi.

Bộ mặt thôn quê giờ khác lắm. Nhiều giống bản địa tồn tại trăm năm nay không còn mà thay thế bằng giống mới lai tạo. Những giống mía de và mía xương gà may ra chỉ còn trên hồ sơ lưu trữ.