Chủ tịch Quốc hội: Kiên quyết không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, dân sự

Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân Tổng Bí thư Tô Lâm tham quan triển lãm thành tựu phát triển kinh tế tư nhân Thủ tướng Chính phủ: Chuẩn bị phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu

Sáng 18/5, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã quán triệt Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được thành lập ngay sau khi Nghị quyết được Bộ Chính trị ban hành do Tổng Bí thư làm Trưởng ban; Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội làm Phó Trưởng ban.

“Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong tư duy và hành động đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật của nước ta”, người đứng đầu Quốc hội thông tin.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Phạm Đông
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin, ngày 17/5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật để kịp thời thể chế hóa ngay các quyết sách của Nghị quyết 66.

Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, có thể nói là chưa có tiền lệ, không chỉ là khoản chi 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm cho công tác xây dựng pháp luật, thành lập Quỹ Hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, kỳ vọng tạo bước đổi mới đột phá, có tính chiến lược, kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết 66 khẳng định xây dựng và thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần được thực hiện dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng.

Một điểm nhấn quan trọng là đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật. Luật pháp được xác định là lợi thế cạnh tranh của đất nước, do đó Nghị quyết yêu cầu dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” – thay vào đó phải khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển.

Đặc biệt, đối với các luật chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết yêu cầu cắt giảm tối đa điều kiện kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ; bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội: Kiên quyết không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, dân sự
Đại biểu tham dự hội nghị.

Coi khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận dễ dàng nguồn vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao.

Nghị quyết 66 đặt ra yêu cầu công tác thi hành pháp luật phải đột phá. Pháp luật được thực thi công bằng, nghiêm minh, nhất quán và kịp thời, gắn chặt với quá trình xây dựng pháp luật. Nghị quyết yêu cầu phát huy tinh thần phục vụ nhân dân của công chức, bảo đảm quan điểm “người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm”.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức xã hội được huy động tích cực tham gia giám sát thi hành pháp luật và phổ biến giáo dục pháp luật. Nghị quyết yêu cầu xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, đa dạng hóa truyền thông chính sách (ứng dụng công nghệ số).

Đồng thời, kiên quyết không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, dân sự, không dùng biện pháp hành chính để giải quyết tranh chấp kinh tế, giữ vững tính công bằng và linh hoạt của luật pháp.

Về nhiệm vụ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh khẩn trương xây dựng kế hoạch và lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 66. Dứt khoát không để tình trạng “nói nhiều làm ít”, “nói mà không làm”.

Tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong xây dựng và thi hành pháp luật.