Tổng Bí thư Tô Lâm: Doanh nhân Việt Nam là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”

Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân Tổng Bí thư Tô Lâm tham quan triển lãm thành tựu phát triển kinh tế tư nhân

Sáng nay (18/5), tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khái quát thêm một số nội dung về việc phát triển kinh tế tư nhân trở thành “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Doanh nhân Việt Nam là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, trong tiến trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực trong xã hội trở thành đòi hỏi cấp thiết để phát triển nhanh.

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã ra đời, thể hiện bước tiến lớn trong tư duy lý luận và chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Và chúng ta xây dựng “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh và khẳng định vai trò chủ đạo, vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước.

“Hôm nay chúng ta bàn về Nghị quyết 68 cũng nói nhiều về doanh nghiệp tư nhân nhưng không thể bỏ qua được vai trò chủ đạo và dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước”, Tổng Bí thư khẳng định và cho biết, đối với doanh nghiệp nhà nước, đã có nghị quyết về những nội dung này, chứ không phải chỉ nhấn mạnh nhiều về kinh tế tư nhân mà phủ nhận vai trò của doanh nghiệp nhà nước.

Doanh nhân Việt Nam là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”
Đại biểu tham dự hội nghị.

Cũng theo Tổng Bí thư, những quan điểm trong Nghị quyết 68-NQ/TW đánh dấu sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức chiến lược về vai trò của khu vực tư nhân. Từ vị trí thứ yếu trở thành trụ cột phát triển, song hành cùng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, tạo thành thế “kiềng ba chân” vững chắc cho nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công.

Phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là yêu cầu về mặt kinh tế mà còn là mệnh lệnh chính trị, nhằm củng cố nền tảng tự chủ kinh tế quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng thích ứng trong một thế giới đầy biến động.

Trên tinh thần đó, Nghị quyết đặt ra các yêu cầu cải cách mạnh mẽ, bao gồm: Hoàn thiện thể chế: Bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, tạo dựng môi trường đầu tư – kinh doanh công bằng, minh bạch, ổn định.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn
Toàn cảnh hội nghị.

Khơi thông nguồn lực: Mở rộng tiếp cận đất đai, tín dụng, thị trường, công nghệ cho khu vực tư nhân; tháo gỡ tận gốc các điểm nghẽn thể chế và chính sách.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo: Phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nghiên cứu phát triển, tham gia sâu vào mạng lưới sáng tạo và chuỗi giá trị toàn cầu.

Xây dựng đội ngũ doanh nhân hiện đại: Không chỉ giỏi kinh doanh mà còn có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần dân tộc và khát vọng cống hiến cho đất nước và vươn tầm thế giới.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Nghị quyết khẳng định doanh nhân Việt Nam là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” trong thời kỳ mới. Họ không chỉ góp phần làm giàu cho bản thân mà còn thực hiện sứ mệnh cao cả, đó là dựng xây đất nước hùng cường và thịnh vượng.

“Có thể nói, Nghị quyết 68 là đặt nền móng cho sự chuyển biến toàn diện về chính sách phát triển kinh tế tư nhân: từ việc “thừa nhận” sang “bảo vệ, khuyến khích, thúc đẩy”, từ “bổ trợ” sang “dẫn dắt phát triển”. Đây là sự lựa chọn chiến lược đúng đắn, cấp thiết, mang tầm nhìn dài hạn, nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường vào giữa thế kỷ XXI”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Theo mục tiêu của Nghị quyết 68, đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước.

Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.