Từ vụ Dean Huijsen sang Real Madrid: Nghịch lý đau lòng của Serie A

Vụ chuyển nhượng trung vệ trẻ Dean Huijsen từ Bournemouth sang Real Madrid với mức giá khoảng 60 triệu euro như một nhát dao cứa sâu vào nỗi đau kéo dài của Serie A.

Nó phơi bày một nghịch lý trớ trêu: Giải đấu từng là đỉnh cao của bóng đá thế giới nay lại trở thành nơi “bán lúa non” những viên ngọc quý của chính mình, để rồi ngậm ngùi nhìn họ tỏa sáng ở những phương trời khác, trong khi bản thân ngày càng lún sâu vào vòng xoáy suy thoái.

Juventus và sai lầm nối tiếp sai lầm

Câu chuyện của Huijsen là một ví dụ điển hình đến mức khó tin về sự yếu kém trong khâu quản trị và đánh giá tiềm năng cầu thủ của Juventus, một trong những CLB giàu truyền thống nhất Italy. Chưa đến 1 năm trước, vào tháng 8/2024, chính Juve đã “bán tống, bán tháo” trung vệ đầy triển vọng này cho Bournemouth với giá chỉ 15 triệu euro, cộng thêm 3 triệu phụ phí và điều khoản hưởng 10% giá trị bán lại trong tương lai. Mục đích của việc bán Huijsen khi đó là để gom tiền đầu tư vào các ngôi sao tên tuổi Teun Koopmeiners và Nico Gonzalez – những thương vụ hoàn toàn thất bại tính đến lúc này. Với việc Real Madrid mua Huijsen 60 triệu euro, tổng số tiền Juve thu về từ cầu thủ này là 24 triệu euro – chưa bằng nửa giá trị thực mà thị trường vừa định giá cho anh.

Sự trớ trêu không dừng lại ở đó. Chỉ nửa năm sau khi bán Huijsen, Juventus lại phải bỏ ra 3 triệu euro để mượn Lloyd Kelly, một trung vệ dự bị từ Newcastle, người gia nhập CLB Anh theo dạng chuyển nhượng tự do vào mùa Hè 2024. Và cay đắng hơn, vài ngày trước khi vụ Huijsen đến Real Madrid được xác nhận, Juventus đã hoàn tất việc mua đứt Kelly với tổng chi phí có thể lên đến 25 triệu euro. Phép tính đơn giản cho thấy một sự thật phũ phàng: Juventus đã đánh đổi một tài năng trẻ có giá trị thị trường 60 triệu euro để lấy về một cầu thủ dự bị, giá 0 đồng ở cùng thời điểm.

Huijsen không phải là trường hợp cá biệt. Juventus những năm gần đây nổi tiếng với công tác đào tạo trẻ chất lượng, liên tục trình làng những gương mặt đầy hứa hẹn, nhưng nghịch lý là họ cũng rất nhanh chóng đào thải các măng non này. Ngoài Huijsen, danh sách những cầu thủ trẻ tiềm năng bị Juventus đẩy đi còn rất dài: Samuel Iling-Junior, Nicolo Fagioli, Nicolussi Caviglia, Moise Kean, Nicolo Rovella, Matias Soule… Hầu hết những cái tên này sau đó đều khẳng định được giá trị và trở thành ngôi sao ở các đội bóng mới mà họ đầu quân.

Từ vụ Dean Huijsen sang Real Madrid: Nghịch lý đau lòng của Serie A - Ảnh 1.

Bán Huijsen là sai lầm không thể tha thứ của Juventus

Mặt trái của công tác cầu thủ trẻ

Song phải thừa nhận một thực tế rằng áp lực thành tích ở một CLB lớn như Juventus là rất khắc nghiệt. Các cầu thủ trẻ được trao cơ hội do khủng hoảng lực lượng ở đội chính, nhưng họ không được trao sự thông cảm. Những Fagioli, Kean, Nicolussi, Rovella phải ra đi vì một vài trận dở hoặc mắc sai lầm đời tư, trong khi Huijsen bị buộc trở thành “vật tế thần” cho các “ngôi sao” giờ đây kém giá trị hơn anh. Điều này dẫn đến việc họ muốn ra đi để được thi đấu thường xuyên hơn, để được trưởng thành. AC Milan cũng từng bán hậu vệ trái Milos Kerkez cho AZ Alkmaar với giá chỉ khoảng 3 triệu euro vào tháng 1/2022. Giờ đây, sau những màn trình diễn ấn tượng, Kerkez đang được các ông lớn như Liverpool, Real Madrid và Chelsea săn đón với mức giá không dưới 50 triệu euro.

Những câu chuyện như của Huijsen hay Kerkez phơi bày một điểm yếu mang tính hệ thống của các CLB lớn tại Serie A: Thiếu kiên nhẫn và thiếu tầm nhìn trong việc phát triển và giữ chân tài năng trẻ. Họ sẵn sàng chi những khoản tiền lớn cho các cầu thủ đã thành danh (nhưng không phải lúc nào cũng thành công) hơn là đầu tư và trao cơ hội cho “gà nhà”.

Nghịch lý của một giải đấu đang suy thoái

Điều đáng buồn hơn cả là nghịch lý này diễn ra trong bối cảnh Serie A ngày càng tụt hậu so với các giải đấu hàng đầu khác ở châu Âu. Việc Inter lọt vào chung kết Champions League không thể khỏa lấp đi thực tế là các đại diện khác của Italy đã gây thất vọng. Lẽ ra, trong bối cảnh khó khăn tài chính, các CLB Serie A phải biết chắt chiu và phát triển nguồn lực nội tại, nhưng Serie A lại đang làm điều ngược lại. Họ sẵn sàng bán đi những “viên ngọc thô” với giá rẻ mạt, để rồi sau đó phải bỏ ra số tiền lớn hơn gấp nhiều lần để mua lại những cầu thủ xoàng hoặc nhìn chính những tài năng trẻ của mình vươn tầm ở các giải đấu khác. Hậu quả là vừa nghèo, vừa suy thoái.

Đây đang được đánh giá là mùa giải đại bại của Juventus và AC Milan, 2 trong số những biểu tượng của bóng đá Italy. Nguyên nhân không chỉ nằm ở HLV hay các cầu thủ, những người trực tiếp hiện diện trên sân, mà sâu xa, thất bại đến từ chính sách quản trị yếu kém, từ sự thiếu năng lực và tầm nhìn của những người đứng đầu các CLB này. Chừng nào nghịch lý về việc sử dụng và phát triển tài năng trẻ còn tồn tại, chừng đó Serie A khó lòng tìm lại được ánh hào quang xưa. 

Milan Futuro rơi xuống hạng nghiệp dư

Mùa 2024-25, Milan lần đầu tiên thành lập đội U23 của mình với cái tên Milan Futuro để thi đấu ở Serie C, nhằm mục tiêu cho các cầu thủ trẻ cơ hội thi đấu thường xuyên để phát triển. Nhưng đội trẻ này thi đấu quá tệ, và sau khi thua Spal 1-2 ở play-off cuối tuần qua, đã bị rớt xuống Serie D, tức hạng đấu nghiệp dư. Đúng là Milan “nát” từ trên xuống dưới.

  • Vòng 37 Serie A: Phép màu nào cho Milan?

    Vòng 37 Serie A: Phép màu nào cho Milan?

     16/05/2025 08:11

  • Cuộc đua vô địch Serie A: Napoli trước họng súng Inter Milan

    Cuộc đua vô địch Serie A: Napoli trước họng súng Inter Milan

     15/05/2025 14:35

  • MU nhắm mua hai ngôi sao Serie A

    MU nhắm mua hai ngôi sao Serie A

     15/05/2025 11:10