Xoay xở với ‘bão giá điện’ phòng trọ

Vợ chồng chị Lan, 30 tuổi, thuê phòng trọ ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội giá 3 triệu đồng mỗi tháng, giá điện 4.000 đồng một số. Mùa đông gia đình dùng khoảng 100 số điện, mùa hè khoảng 200 số. Những đợt nắng nóng cao điểm có thể lên đến 250 số, tương ứng một triệu đồng. Khi chủ trọ báo tăng thêm 500 đồng mỗi số do giá điện sinh hoạt điều chỉnh, Lan phải tính toán hơn mỗi khi sử dụng.

Nữ nhân viên văn phòng quyết định cắt giảm mọi thiết bị tiêu tốn điện, ưu tiên đồ tiết kiệm năng lượng. Chị sử dụng bếp gas thay vì bếp từ hay nồi chiên không dầu, thường nấu các món “hai trong một” như nấu cơm kèm hấp thịt để tiết kiệm điện, gas.

Những đợt nắng nóng, gia đình chỉ bật điều hòa hai, ba tiếng mỗi đêm, sau đó dùng quạt. Để tiết kiệm hơn, chị vừa chi 800.000 đồng mua quạt chạy pin năng lượng mặt trời, kỳ vọng giảm 3-4 số điện mỗi đêm. Cuối tuần, hai vợ chồng rủ nhau đi trung tâm thương mại gần nhà hưởng điều hòa miễn phí, đỡ tốn điện ở phòng trọ.

“Mỗi thứ một ít nhưng gộp lại sẽ thành khoản lớn. Tôi phải tiết kiệm nhất có thể”, chị Lan chia sẻ.





Quạt chạy bằng năng lượng mặt trời được chị Ngọc Lan đặt mua giữa tháng 5/2025, hy vọng giảm lượng điện sử dụng tại phòng trọ ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quạt chạy bằng năng lượng mặt trời được chị Ngọc Lan đặt mua giữa tháng 5, hy vọng giảm lượng điện sử dụng tại phòng trọ ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong khi một số người chấp nhận điện tăng giá theo lộ trình như chị Lan, nhiều khách thuê trọ khác bức xúc khi chủ nhà viện cớ để thu 5.000-6.000 đồng mỗi kWh, trong khi biểu giá cao nhất của EVN chỉ là 3.460 đồng.

Thanh An, 25 tuổi, thuê trọ 4 năm tại quận Ba Đình, Hà Nội với giá 3 triệu đồng, điện 4.000 đồng/kWh. Đầu tháng 5, chủ trọ thông báo tăng giá điện lên 5.200 đồng/kWh.

“Chủ nhà nói cả dãy trọ dùng nhiều điện, nếu chỉ tăng 200 đồng họ phải bù lỗ, nên đóng thêm 1.200 đồng mỗi kWh mới đủ nhưng không nói rõ cách tính”, An kể.

Cô cho biết mặt bằng chung giá điện thuê trọ ở Hà Nội hiện khoảng 3.000-4.000 đồng một kWh. Sau điều chỉnh, một số nơi tăng thêm 200-500 đồng. Theo An, mức tăng này chấp nhận được vì ngang với điều chỉnh 4,8% của EVN.

“Nhưng chủ nhà tôi đang tăng gấp 6 lần mức điều chỉnh là không chấp nhận được”, An nói.

Đa số phòng trọ ở xóm của cô tuyên bố sẽ chuyển đi nếu chủ nhà không thay đổi. An cũng dự tính chuyển nhà nếu giá không giảm, có thể chấp nhận ở xa trung tâm hoặc rủ bạn bè thuê nhà nguyên căn để hưởng giá điện nhà nước.





Tin nhắn chủ trọ gửi Thanh An khi điều chỉnh giá điện từ 4.000 đồng một kWh lên 5.200 đồng, áp dụng từ tháng 5/2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tin nhắn chủ trọ gửi Thanh An khi điều chỉnh giá điện từ 4.000 đồng một kWh lên 5.200 đồng, áp dụng từ tháng 5/2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tại Nha Trang (Khánh Hòa), Thảo Nhi, 22 tuổi, ở phường Phước Long, cũng trong tình cảnh tương tự. Gần một năm qua cô chịu giá điện 4.500 đồng mỗi kWh rồi tăng lên 5.000 đồng. Nhi nói ” như chết đứng” khi chủ nhà thông báo tăng lên 6.000 đồng từ tháng 6.

Những tháng trước, phòng Nhi chỉ có tủ lạnh, quạt, không điều hòa, không bếp điện nhưng mỗi tháng vẫn tốn 500.000 đồng. “Nay giá lên 6.000 đồng, tôi không biết cắt giảm thiết bị nào nữa”, Nhi nói và tính phương án chấm dứt hợp đồng, tìm trọ khác xa hơn.

Khảo sát của VnExpress trên các diễn đàn mạng xã hội từ đầu tháng 5 nhiều người thuê trọ than phiền việc một số chủ nhà lợi dụng để tăng giá điện từ 3.800-4.000 đồng/kWh lên 5.000-6.000 đồng, gấp nhiều lần mức điều chỉnh của EVN, gây bức xúc.

Anh Hoàng Linh, chủ nhà trọ quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho biết chưa tăng giá điện trong tháng 5 mà dựa vào lượng điện tiêu thụ để tính toán giá mới từ tháng sau, tránh bù lỗ. “Tôi sẽ tính toán dựa trên sản lượng thực tế, không ‘ăn chặn’ người thuê, ai không chịu được giá mới có thể rời đi”, chủ trọ nói.

Ông Lâm Tuấn, chuyên gia kế hoạch tài chính cá nhân, nhận định các chủ trọ có thể phải chịu chi phí vận hành, bảo trì, khấu hao đường dây, thiết bị điện tại các khu trọ đông người nên tính giá cao hơn. Tuy nhiên, các chi phí này cần được tính toán hợp lý và minh bạch, không thể là cái cớ để tăng giá tùy tiện.

“Lý lẽ của nhiều chủ trọ là ‘giá chung tăng thì mình cũng tăng theo’ có thể hiểu được. Nhưng nếu EVN chỉ tăng 4,8% mà chủ nhà tăng giá điện cho người thuê lên 20-30%, thậm chí hơn, là điều bất hợp lý”, ông Tuấn nói.

Theo chuyên gia, người thuê trọ, thường có thu nhập thấp, vốn đã phải trả tiền điện giá cao (thường từ 3.500 – 4.000 đồng/kWh), nay lại phải gánh thêm vài trăm đến cả nghìn đồng mỗi kWh, việc họ phản ứng là điều dễ hiểu.

Ông Tuấn nhấn mạnh, cần làm rõ mức giá chủ trọ thu có phản ánh đúng chi phí thực tế và có được thỏa thuận minh bạch với người thuê trước khi áp dụng không. Việc tăng giá tùy tiện ảnh hưởng lớn đến ngân sách người thuê thu nhập thấp, buộc họ cắt giảm chi tiêu thiết yếu, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và gây mất niềm tin giữa chủ trọ và người thuê.





Nhiều khách thuê trọ bất ngờ khi giá điện bị chủ trọ tăng vô lý lên 4.500-6.000 đồng một kWh. Ảnh minh họa: Quỳnh Nguyễn

Nhiều khách thuê trọ bất ngờ khi giá điện bị chủ trọ tăng vô lý lên 4.500-6.000 đồng một kWh. Ảnh minh họa: Quỳnh Nguyễn

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết điện, nước là mặt hàng thiết yếu, có sự quản lý của nhà nước. Giá điện cho người thuê trọ được quy định tại Điều 10, Thông tư 16/2014.

“Tự ý tăng giá điện lên 5.000 – 6.000 đồng/kWh là vi phạm pháp luật về giá, có thể bị phạt 20-30 triệu đồng và buộc nộp lại khoản thu lợi bất hợp pháp”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Ông cho biết, người thuê có quyền yêu cầu chủ nhà điều chỉnh giá điện đúng quy định. Nếu không được đáp ứng, họ có thể phản ánh lên UBND cấp xã, phường, cơ quan Quản lý thị trường hoặc đơn vị điện lực địa phương.

Để tránh tranh chấp và cân bằng chi phí, chuyên gia tài chính Lâm Tuấn khuyên người thuê nhà nên chủ động trao đổi rõ ràng về giá điện, nước và các chi phí phát sinh khác ngay từ khi ký hợp đồng thuê nhà, đề nghị chủ nhà ghi rõ mức giá hoặc cơ chế điều chỉnh giá (nếu có) vào hợp đồng. Người thuê cũng nên theo dõi chỉ số điện tiêu thụ hàng tháng, ưu tiên sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện và cùng những người ở ghép nâng cao ý thức sử dụng điện chung.

Đối với chủ nhà trọ, ông Tuấn đề cao sự minh bạch và tuân thủ quy định. Nếu có sự điều chỉnh giá điện, cần thông báo sớm cho người thuê, giải thích rõ ràng lý do và cơ sở tính toán để tạo sự đồng thuận, tránh gây bức xúc không đáng có.

Quỳnh Nguyễn