Đi bơi ngày nóng, cần chú ý gì để tránh thủng màng nhĩ?

Thói quen đi bơi không đúng có thể gây thủng màng nhĩ

Thạc sĩ – bác sĩ Trần Thị Tuyết Sương, Phó trưởng Khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á TP.HCM cho biết, thủng màng nhĩ khi bơi lội thường xuất phát từ những thói quen tưởng chừng vô hại. 

Những thói quen nguy hiểm khi đi bơi có thể dẫn đến thủng màng nhĩ bao gồm:

Thứ nhất, nhảy từ độ cao xuống nước mà không bảo vệ tai. Khi cơ thể tiếp xúc với mặt nước ở tốc độ cao, áp lực nước đột ngột có thể làm tổn thương màng nhĩ, đặc biệt nếu nhảy với tư thế không đúng.

Thứ hai, lặn sâu không biết cách cân bằng áp suất tai. Khi lặn xuống độ sâu, áp suất nước có thể chênh lệch đáng kể giữa tai ngoài và tai giữa. Nếu không biết cách cân bằng áp suất, màng nhĩ có thể bị căng quá mức và dẫn đến rách hoặc thủng.

Đi bơi ngày nóng, cần chú ý gì để tránh thủng màng nhĩ từ thói quen xấu - Ảnh 1.

Người dân đi bơi tại một hồ bơi ở TP.Thủ Đức

ẢNH: LÊ CẦM

Thứ ba, không sử dụng dụng cụ bảo vệ tai khi bơi hoặc sử dụng không đúng cách. Nhiều người chủ quan không đeo nút bịt tai hoặc mũ bơi che tai, khiến nước dễ dàng xâm nhập vào ống tai, dễ gây viêm tai ngoài, có thể ảnh hưởng màng nhĩ nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra việc nhét quá nông hay nhét quá sâu cũng gây ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng tai.

Thứ tư, vệ sinh tai không đúng cách sau khi bơi. Việc dùng tăm bông hoặc các vật nhọn để làm sạch tai sau khi bơi có thể đẩy nước sâu hơn vào tai hoặc trực tiếp gây tổn thương màng nhĩ.

Cuối cùng, bơi khi đang có vấn đề về tai như viêm tai ngoài, viêm tai giữa làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương màng nhĩ.

Thủng màng nhĩ nguy hiểm thế nào?

Thủng màng nhĩ không chỉ gây đau đớn tạm thời mà còn có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Thủng màng nhĩ có thể gây giảm thính lực vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Ngoài ra, khi màng nhĩ bị thủng, vi khuẩn từ môi trường bên ngoài có thể dễ dàng xâm nhập vào tai giữa, gây viêm nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt với trẻ em, viêm tai giữa do thủng màng nhĩ có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngôn ngữ và khả năng học tập.

Nhiều bệnh nhân bị thủng màng nhĩ còn phải đối mặt với chóng mặt, rối loạn thăng bằng và tiếng ù tai kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Khuyến cáo bảo vệ tai khi đi bơi

Để phòng tránh thủng màng nhĩ khi đi bơi, bác sĩ Sương khuyến cáo:

Sử dụng nút bịt tai chuyên dụng đúng cách: Nút bịt tai chuyên dụng cho người bơi là cách hiệu quả nhất để ngăn nước xâm nhập vào tai. Nên chọn loại phù hợp với kích thước ống tai và đảm bảo đeo đúng cách. Nút tai giá rẻ, chất lượng kém có thể không đảm bảo khả năng chống nước.

Đội mũ bơi che tai: Mũ bơi không chỉ giúp giảm ma sát khi bơi mà còn bảo vệ tai khỏi nước. Nên chọn mũ bơi có phần che tai và đảm bảo nó vừa vặn.

Đi bơi ngày nóng, cần chú ý gì để tránh thủng màng nhĩ từ thói quen xấu - Ảnh 2.

Nên sử dụng các dụng cụ bảo vệ như mũ che tai khi đi bơi, vệ sinh tai đúng cách sau bơi…

ẢNH MINH HỌA: AI

Tránh nhảy từ độ cao xuống nước: Nếu không thể tránh, hãy học cách bảo vệ tai bằng cách giữ đầu nghiêng nhẹ và che tai bằng một tay khi tiếp xúc với mặt nước.

Học kỹ thuật cân bằng áp suất: Kỹ thuật Valsalva (ngậm miệng, bịt mũi và thổi nhẹ) giúp cân bằng áp suất giữa tai ngoài và tai giữa khi lặn xuống sâu.

Làm khô tai đúng cách sau khi bơi: Sau khi bơi, nghiêng đầu sang hai bên để nước chảy ra ngoài. Có thể sử dụng máy sấy tóc ở chế độ mát, đặt cách tai khoảng 30cm để làm khô tai ngoài.

Tránh vệ sinh tai bằng tăm bông: Không dùng tăm bông hoặc bất kỳ vật gì để ngoáy tai sau khi bơi. Nếu cảm thấy nước còn đọng trong tai, có thể dùng dung dịch làm khô tai chuyên dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Không bơi khi đang có vấn đề về tai: Nếu đang bị viêm tai, cảm cúm hoặc các vấn đề về đường hô hấp trên, hãy tránh bơi cho đến khi khỏi hẳn.

Kiểm tra chất lượng nước bơi: Bơi trong hồ bơi có hệ thống lọc và xử lý nước đạt chuẩn để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng nếu không may nước vào tai.

Khi nào cần đến bác sĩ?

“Người dân sau khi đi bơi nên đến cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu như đau tai đột ngột hoặc dữ dội, cảm giác chảy dịch từ tai, giảm thính lực đột ngột, chóng mặt hoặc mất thăng bằng, tiếng ù tai kéo dài… Thủng màng nhĩ nếu được phát hiện và điều trị sớm có tỷ lệ hồi phục cao. Tuy nhiên, nếu để lâu, tổn thương có thể trở nên vĩnh viễn”, bác sĩ Sương khuyến cáo.