TS Trần Hữu Sơn – nhà khoa học mang sứ mệnh phục vụ cộng đồng

Ít ngày trước, TS Trần Hữu Sơn vừa được Chính phủ Cộng hòa Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Cành cọ Hàn lâm. Đây là sự ghi nhận dành cho sự nghiệp khoa học, cũng như những đóng góp nổi bật trong mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Pháp của nhà nghiên cứu này.

Những đóng góp của TS Trần Hữu Sơn gắn với các lĩnh vực nhân học, lịch sử, nghiên cứu phát triển tại những khu vực còn nhiều khó khăn của Việt Nam. Tại đó, ông cho thấy uy tín học thuật, năng lực kết nối và tinh thần cống hiến không mệt mỏi.

Nghiên cứu có tính ứng dụng cao

Trong sự nghiệp của mình, TS Trần Hữu Sơn luôn khẳng định một nguyên tắc xuyên suốt: nghiên cứu phải phục vụ cộng đồng. Ngay từ đầu thập niên 2000, khi đảm nhận vai trò Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai (2002 – 2015), ông đã xác định rõ hướng đi: Làm văn hóa không thể chỉ là gìn giữ, mà phải phát huy và gắn với phát triển, đặc biệt là phát triển bền vững. Chính ở giai đoạn này, những hợp tác chiến lược với các đối tác Pháp đã định hình một mô hình văn hóa ứng dụng có chiều sâu, và còn nguyên giá trị đến hôm nay.

“Ngay từ những thập niên trước, các công trình của tôi đều hướng đến cộng đồng, đến vùng đồng bào dân tộc. Và nhiều công trình đều có tính ứng dụng rõ rệt” – TS Sơn chia sẻ. Các dự án ông thực hiện ở Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang… không chỉ dừng lại ở việc khảo cứu tư liệu hay phân tích học thuật, mà còn trực tiếp góp phần xây dựng các mô hình phát triển văn hóa – xã hội gắn với thực tiễn địa phương.

TS Trần Hữu Sơn - nhà khoa học mang sứ mệnh phục vụ cộng đồng - Ảnh 1.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet (phải) trao Huân chương Hiệp sĩ Cành cọ Hàn lâm cho TS Trần Hữu Sơn

Một trong những dấu mốc tiêu biểu là chương trình hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và vùng Nouvelle-Aquitaine (Pháp) cùng Trường Đại học Bordeaux từ năm 2002. Đây là bước khởi đầu cho nhiều hoạt động trao đổi học thuật, điền dã dân tộc học và đặc biệt là ứng dụng tri thức nhân học vào quy hoạch phát triển địa phương. Trong khuôn khổ hợp tác này, nhiều chuyên gia Pháp đã tới Lào Cai nghiên cứu, hỗ trợ, trong đó nổi bật là TS Christian Culas, nhà dân tộc học uy tín và am hiểu sâu sắc về văn hóa tộc người.

“Ông ấy rất thạo tiếng Mông, và đã cùng tôi xuống làng, nói chuyện trực tiếp với người Mông” – TS Sơn kể lại. Từ sự hiểu biết thực địa ấy, TS Culas đã cùng tỉnh Lào Cai, thông qua vai trò điều phối của TS Sơn, xây dựng quy hoạch phát triển du lịch gắn với yếu tố văn hóa cộng đồng. Sự hợp tác này đã góp phần vào việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2001 – 2010 và định hướng đến năm 2020.

Một hoạt động nổi bật khác minh chứng cho tư duy ứng dụng của TS Trần Hữu Sơn là dự án “Bảo tồn sách cổ người Dao”. Dự án do ông xây dựng, với sự hỗ trợ từ Quỹ Ford và sự tham gia của các chuyên gia quốc tế như TS Philippe Le Failler (Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp), đã mở ra hướng bảo tồn gắn với tín ngưỡng bản địa.

Theo TS Sơn, lịch sử, phong tục, thậm chí toàn bộ văn hóa người Dao được trao truyền qua sách cổ. Trong quá trình điền dã, ông cùng các cộng sự đã lý giải được nguyên nhân cốt lõi giúp người Dao lưu giữ kho sách quý. Đó chính là mối gắn bó chặt chẽ với hệ thống tín ngưỡng và vai trò của các thầy cúng cấp sắc.

Từ nền tảng đó, nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình bảo tồn dựa trên cộng đồng, công nhận các thầy cúng là người giữ di sản sống và mở lớp dạy chữ Nôm Dao tại chỗ. Từ 20 học viên đầu tiên, mô hình đã lan tỏa ra nhiều địa phương, trở thành điển hình cho cách tiếp cận kết hợp giữa tri thức truyền thống và khoa học nhân học hiện đại.

Không dừng lại ở lĩnh vực bảo tồn văn hóa, TS Trần Hữu Sơn tiếp tục thúc đẩy các hợp tác khoa học Việt Nam – Pháp theo hướng nhân học ứng dụng, gắn nghiên cứu với phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Một trong những dự án nổi bật là chương trình nghiên cứu do TS Emmanuel Pannier (Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp – IRD) điều phối, trong khuôn khổ gói “Adapto” của dự án GEMMES Việt Nam do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ.

TS Trần Hữu Sơn - nhà khoa học mang sứ mệnh phục vụ cộng đồng - Ảnh 2.

TS Trần Hữu Sơn nhận Huân chương Hiệp sĩ Cành cọ Hàn lâm. Ảnh: Mỹ Hạnh

Tại Lào Cai, dự án tập trung khảo sát cách cộng đồng địa phương ứng phó với thiên tai, đặc biệt là vai trò của mạng lưới xã hội trong chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Thực tế, ở các tỉnh miền núi như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, hầu như mùa lũ nào cũng có người thiệt mạng. Câu hỏi đặt ra là phải làm gì để phòng tránh và thích ứng?” – TS Sơn chia sẻ – “Từ nền tảng dữ liệu thực địa mà chúng tôi đã từng thu thập, dự án đã xây dựng được những nghiên cứu nền về nhận thức cộng đồng, từ đó mở rộng thành các mô hình thích ứng và phục hồi sau thiên tai. Tại Nghĩa Đô, Bảo Yên, Bát Xát (Lào Cai), những kết quả nghiên cứu bước đầu đã được ứng dụng vào quy hoạch địa phương và nâng cao nhận thức cộng đồng”.

Rõ ràng, từ loạt nghiên cứu, dự án và hoạt động hợp tác có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, ta có thể thấy rõ dấu ấn sâu đậm của mối quan hệ Việt Nam – Pháp trong lĩnh vực khoa học xã hội và phát triển cộng đồng. Ở đó, TS Trần Hữu Sơn, với nền tảng dân tộc học vững chắc và tinh thần gắn bó thực địa, đã khẳng định vai trò của một đối tác học thuật chủ lực, người không chỉ mở đường mà còn kết nối, vun đắp cho mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Pháp thêm sâu sắc, hiệu quả và giàu tính nhân văn.

Mở ra tư duy khoa học mới

“Sau khi làm việc cùng các học giả Pháp, tôi bắt đầu chuyển từ mô tả sang lý giải bản chất vấn đề” – TS Trần Hữu Sơn.

Trong hành trình nghiên cứu dân tộc học và văn hóa dân gian, TS Trần Hữu Sơn không chỉ thực hiện hàng loạt công trình thực tiễn ở vùng cao, mà còn từng bước tiếp cận và áp dụng những lý thuyết khoa học hiện đại vào nghiên cứu. Ông cho biết, quá trình này có sự đồng hành bền bỉ của các học giả Pháp – những người vừa là cộng sự, vừa là nguồn cảm hứng học thuật suốt nhiều năm.

“Tình hữu nghị Việt Nam – Pháp ngày càng thấm đẫm trong mỗi dự án, mỗi công trình nghiên cứu của tôi” – TS Sơn chia sẻ.

Một số mối quan hệ học thuật đáng nhớ của ông phải kể tới TS Philippe Le Failler – chuyên gia lịch sử hàng đầu về vùng Tây Bắc; TS Christian Culas – người đồng hành sâu sát trong các dự án về người Mông, người Dao; hay TS Emmanuel Pannier – người gợi mở các lý thuyết hiện đại về quan hệ giữa con người với môi trường. Họ không chỉ chia sẻ chuyên môn, mà còn hỗ trợ đào tạo, xây dựng nhóm nghiên cứu và góp phần xuất bản hàng chục đầu sách chuyên sâu về các dân tộc Việt Nam.

TS Trần Hữu Sơn - nhà khoa học mang sứ mệnh phục vụ cộng đồng - Ảnh 4.

Một số công trình nghiên cứu của TS Trần Hữu Sơn

Sự hợp tác học thuật này không chỉ dừng ở hỗ trợ chuyên môn, mà đã góp phần hình thành nên một phong cách nghiên cứu mới. TS Trần Hữu Sơn cho biết, chính quá trình làm việc với các nhà dân tộc học Pháp đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy và phương pháp của ông.

“Hầu hết các nhà dân tộc học Việt Nam hiện nay, nếu không được đào tạo bài bản ở nước ngoài, đều chỉ dừng ở phương pháp miêu thuật, tức là mô tả hiện tượng. Nhưng sau khi làm việc cùng các học giả Pháp, tôi bắt đầu chuyển từ mô tả sang lý giải bản chất vấn đề” – ông khẳng định.

Từ năm 2015, khi chuyển về Hà Nội, các nghiên cứu của TS Sơn đã cho thấy rõ sự thay đổi về hướng tiếp cận: Không còn đơn thuần ghi chép hiện tượng, mà tập trung sử dụng các lý thuyết mới trong nhân học, xã hội học để giải mã hiện tượng văn hóa một cách sâu sắc hơn. Đây cũng chính là điểm khác biệt nổi bật trong hành trình khoa học của ông so với nhiều nhà nghiên cứu cùng thời. Đó là một sự thay đổi được khơi nguồn từ những mối giao lưu tri thức Việt Nam – Pháp mang tính chiều sâu và bền vững.

Một trong những biểu hiện rõ nét nhất cho hướng tiếp cận học thuật mới ấy là việc TS Trần Hữu Sơn đã chủ động áp dụng các lý thuyết hiện đại trong nhân học và văn hóa học vào từng nghiên cứu cụ thể. Với tín ngưỡng thờ Mẫu,  một hiện tượng đã được khai thác khá nhiều, ông lựa chọn lý thuyết cấu trúc – nhị nguyên để phân tích các cặp đối lập nằm trong sự thống nhất bản thể của tín ngưỡng thờ Mẫu, từ đó lý giải chiều sâu triết lý và khả năng thích nghi văn hóa của tín ngưỡng này.

Khi nghiên cứu nghi lễ người Dao, thay vì chỉ dừng lại ở miêu thuật dân tộc chí (cách tiếp cận với các thao tác quan sát trực tiếp, ghi chép phỏng vấn, phân tích diễn giải) như nhiều công trình trước đó, ông xây dựng một khung lý thuyết tổng hợp, vận dụng các hệ hình như cấu trúc luận, chức năng luận, nhân học biểu tượng và lý thuyết trình diễn. Nhờ vậy, nghi lễ không chỉ được ghi nhận mà còn được giải thích như một cấu trúc vận hành của thế giới quan, của mối quan hệ giữa con người và vũ trụ.

Tương tự, trong nghiên cứu về văn hóa cư trú của người Hà Nhì, TS Sơn dựa trên thế giới quan sinh thái để tiếp cận không gian làng bản như một cấu trúc thích nghi. Bằng lý thuyết cấu trúc, ông chỉ ra mối quan hệ giữa địa thế “dựa lưng vào rừng, hướng mặt ra ruộng bậc thang” với chiến lược cư trú và thích ứng môi trường, một đặc điểm văn hóa không thể tách rời điều kiện sinh thái.

  • TS Trần Hữu Sơn: 'Không nên chỉ vì phẫn nộ mà coi kéo vợ là hủ tục'

    TS Trần Hữu Sơn: ‘Không nên chỉ vì phẫn nộ mà coi kéo vợ là hủ tục’

     14/02/2022 08:24

Với những kết quả nghiên cứu mang dấu ấn của một tư duy khoa học đổi mới, TS Trần Hữu Sơn khẳng định, mối quan hệ học thuật Việt Nam – Pháp đã để lại ảnh hưởng sâu sắc trong từng chặng đường sự nghiệp của ông.

Theo ông, mối quan hệ ấy phát triển qua 3 giai đoạn. Ban đầu, các chuyên gia Pháp đóng vai trò như những người thầy: cố vấn, giảng dạy, tập huấn trong các dự án văn hóa. Giai đoạn tiếp theo, họ trở thành những cộng sự học thuật, cùng nghiên cứu, cùng đồng hành trên thực địa. Và đến hiện tại, đó là mối quan hệ hợp tác bình đẳng về chuyên môn, cùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đó là một hành trình cộng tác dựa trên sự tin cậy và bổ sung lẫn nhau.

Về TS Trần Hữu Sơn

Sinh năm 1956, ông Sơn tốt nghiệp khoa Lịch sử – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội – năm 1978. Ông có 14 năm làm Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, đồng thời bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Dân tộc học.

TS Trần Hữu Sơn là tác giả của nhiều công trình khoa học, 8 ấn phẩm về phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai, đồng thời là chủ biên khoa học của 15 tập chuyên đề. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục làm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (2015 – 2020) và hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch.