FBI cảnh báo 3 hình thức tấn công khiến người dùng mất trắng tài sản


PV Tech News – FBI cảnh báo sự gia tăng các vụ lừa đảo tinh vi tại Mỹ, nhắm vào cả quan chức cấp cao, với thủ đoạn giả mạo sử dụng công nghệ AI để chiếm đoạt thông tin cá nhân. Người dân được khuyến nghị thận trọng và xác minh kỹ danh tính người liên hệ.

Trong thời gian gần đây, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết đã ghi nhận hàng loạt vụ tấn công lừa đảo nhằm vào các cá nhân tại Hoa Kỳ, bao gồm cả các quan chức đương nhiệm lẫn cựu quan chức cấp cao ở cả cấp liên bang và tiểu bang. Những cuộc tấn công này được thực hiện dưới hình thức giả mạo tinh vi với mục tiêu cuối cùng là chiếm đoạt thông tin cá nhân và tài chính.

Thủ đoạn của kẻ gian thường bắt đầu bằng việc giả danh các quan chức cấp cao trong chính phủ. Chúng tiếp cận nạn nhân thông qua các kênh như tin nhắn, cuộc gọi hoặc email, tạo cảm giác tin cậy để dần khai thác thông tin quan trọng như tài khoản ngân hàng, ví điện tử hay thông tin đăng nhập vào các ứng dụng tài chính.

FBI cho biết đã ghi nhận hàng loạt vụ tấn công lừa đảo nhằm vào các cá nhân tại Hoa Kỳ
FBI cho biết đã ghi nhận hàng loạt vụ tấn công lừa đảo nhằm vào các cá nhân tại Hoa Kỳ (Nguồn: NDTV)

Đặc biệt, những kẻ lừa đảo hiện đã kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao độ thuyết phục. Chúng có thể tạo ra giọng nói giả giống hệt người quen hoặc đối tác của nạn nhân, thậm chí sử dụng hình ảnh được chỉnh sửa nhẹ để tăng độ tin cậy. Điều này khiến nhiều người dễ bị đánh lừa, tin rằng mình đang tương tác với người thật.

FBI nhấn mạnh rằng những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ như lỗi chính tả trong địa chỉ email, một con số sai trong số điện thoại hay cách xưng hô bất thường đều có thể là dấu hiệu của hành vi lừa đảo.

Ba hình thức tấn công phổ biến hiện nay gồm:

  • Smishing: Dụ người dùng bấm vào liên kết độc hại qua tin nhắn SMS/MMS, từ đó đánh cắp dữ liệu cá nhân.
  • Vishing: Giả mạo cuộc gọi, có thể sử dụng giọng nói nhân tạo để tạo cảm giác thân quen và thuyết phục.
  • Spear phishing: Gửi email được thiết kế riêng để nhắm đến một cá nhân hoặc tổ chức cụ thể, thường có nội dung cá nhân hóa để đánh lừa.

Dù sử dụng hình thức nào, mục tiêu sau cùng của các cuộc tấn công đều là đánh cắp dữ liệu nhạy cảm. Đáng lo ngại, nhiều người đã bị lừa vì tin rằng mình đang trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp nhưng thực chất đang bị lừa bằng công nghệ giả lập tinh vi.

FBI khuyến cáo người dân không nên vội tin vào những dấu hiệu quen thuộc như giọng nói, ảnh đại diện hay cách nói chuyện. Thay vào đó, hãy chủ động xác minh danh tính người liên hệ qua các kênh độc lập như gọi điện trực tiếp, gửi email đến địa chỉ chính thức hoặc liên hệ với tổ chức liên quan.

FBI khuyến cáo người dân không nên vội tin vào những dấu hiệu quen thuộc như giọng nói, ảnh đại diện hay cách nói chuyện
FBI khuyến cáo người dân không nên vội tin vào những dấu hiệu quen thuộc như giọng nói, ảnh đại diện hay cách nói chuyện (Nguồn: Internet)

Theo cảnh báo, dù AI có thể tạo ra hình ảnh và âm thanh giống người thật, vẫn có những chi tiết bất thường, ví dụ như tay bị biến dạng, ánh sáng thiếu tự nhiên hay chuyển động môi không khớp tiếng là dấu hiệu cho thấy nội dung bị làm giả.

Trong trường hợp nghi ngờ, người dân nên nhanh chóng liên hệ với cơ quan chức năng tại địa phương để được hỗ trợ kịp thời.

FBI cũng đưa ra một số khuyến nghị quan trọng nhằm phòng tránh rủi ro:

  • Tuyệt đối không bấm vào liên kết lạ, ngay cả khi tin nhắn hay email có vẻ đáng tin.
  • Không mở tệp đính kèm từ người gửi không rõ ràng.
  • Không chuyển tiền, gửi mã thẻ quà tặng hoặc tiền mã hóa cho người chỉ quen biết qua mạng.
  • Kích hoạt xác thực hai yếu tố trên các ứng dụng tài chính và không chia sẻ mã xác minh với bất kỳ ai.

Bài viết liên quan:

  • Cảnh giác những chiêu thức lừa đảo “tinh vi” từ quét mã QR
  • Cách phát hiện Website lừa đảo bằng AI năm 2025
  • Apple cảnh báo bảo mật khẩn iPhone tại hơn 100 quốc gia
Card màn hình VGA Nividia RTX 5070 Ti