OpenAI và Jony Ive chuẩn bị sản xuất thiết bị AI tại Việt Nam

OpenAI cùng nhà thiết kế huyền thoại Jony Ive đang hợp tác phát triển một thiết bị phần cứng AI hoàn toàn mới – nhỏ gọn, không màn hình và có thể đeo quanh cổ – với kế hoạch đưa vào sản xuất hàng loạt từ đầu năm 2027. 

Thiết bị đến từ “io”, một công ty được thành lập bởi Jony Ive và vừa bị OpenAI thâu tóm. Dù chưa có tên chính thức, nhưng nó đã gây chú ý mạnh nhờ thiết kế “nhỏ gọn và thanh lịch như iPod Shuffle”. Thiết bị không có màn hình, nhưng tích hợp camera và micro để nhận biết môi trường xung quanh, đồng thời kết nối với smartphone và máy tính để xử lý và hiển thị thông tin. Một trong những kịch bản sử dụng chính là đeo quanh cổ như một món phụ kiện công nghệ, điều gợi nhớ đến cách iPod từng tạo ra một làn sóng thời trang công nghệ hai thập kỷ trước.

OpenAI và Jony Ive chuẩn bị sản xuất thiết bị AI tại Việt Nam- Ảnh 1.

Hình ảnh concept về thiết bị của OpenAI và Jony Ive (ảnh: BenGeskin/X)

Ming-Chi Kuo cũng lưu ý rằng phần cứng hiện tại vẫn là nguyên mẫu và có thể thay đổi trước khi sản xuất đại trà. Tuy nhiên, định hướng tổng thể đã rõ ràng: đây là một thiết bị AI vật lý (physical AI), xu hướng tiếp theo của ngành AI khi nơi trí tuệ nhân tạo không chỉ sống trong màn hình mà hiện diện trực tiếp bên cạnh người dùng, hỗ trợ liên tục và chủ động trong đời sống hàng ngày.

Sau khi công bố thương vụ mua lại io trị giá 6,5 tỷ USD, OpenAI gần như không tiết lộ chi tiết gì về sản phẩm, ngoài tuyên bố “đây sẽ là một khoảnh khắc đặc biệt” và rằng sản phẩm này sẽ “hoàn toàn thay đổi cách chúng ta tương tác với trí tuệ nhân tạo”. Với sự tham gia của Jony Ive – người đứng sau thiết kế iPhone đầu tiên, giới công nghệ kỳ vọng sản phẩm sẽ có triết lý thiết kế đột phá, đơn giản nhưng sâu sắc, đúng tinh thần của những thiết bị đã từng làm nên lịch sử của Apple.

Từ một video giới thiệu ban đầu đến những phân tích từ chuỗi cung ứng, thiết bị AI đeo cổ này đang dần lộ diện. Nó không phải điện thoại, cũng không phải kính hay đồng hồ – mà có thể là thiết bị AI cá nhân đầu tiên thực sự đóng vai trò như một người bạn đồng hành, có thể chủ động tương tác với người dùng. Thiết bị này có thể mở ra một dòng sản phẩm hoàn toàn mới trong thời kỳ hậu-smartphone. Nếu dự án thành công, Việt Nam có thể trở thành nơi lắp ráp thiết bị AI mang tính đột phá đầu tiên trên thế giới.