‘Lục hổ Hàng Châu’: Biểu tượng vĩ đại trong giới khởi nghiệp Trung Quốc, là hình mẫu tạo ra ‘làng AI’ bí ẩn, tương lai tái định nghĩa cuộc chơi công nghệ toàn cầu


Có một ‘Làng AI” bí ẩn đang hình thành tại Trung Quốc.

Hc3 1751856069031 17518560696971425077479

Vào một buổi chiều thứ bảy đầy nắng, tại một sân khấu nhỏ đặt tại sân sau của một tòa nhà, hàng chục nhà sáng lập khởi nghiệp công nghệ đang cùng ngồi xung quanh nhau để chia sẻ ý tưởng của họ. Trong đám đông, nhiều người ngồi cúi mình bên laptop, uống Frappuccino dâu tây. Một chiếc drone bay vù vù trên đầu. Bên trong ngôi nhà, các nhà đầu tư đang nghe thuyết trình ngay trong bếp.

Cảnh tượng trông như ở thung lũng Silicon, nhưng thực tế là tại Lương Trúc (Liangzhu) – một vùng ngoại ô yên tĩnh của thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Đây là nơi thu hút đông đảo doanh nhân và tài năng công nghệ nhờ giá thuê thấp và vị trí gần các tập đoàn như Alibaba và DeepSeek.

“Người ta đến đây để khám phá khả năng của bản thân”, Felix Tao, 36 tuổi, cựu nhân viên của Facebook và Alibaba – cũng là người tổ chức sự kiện cho biết.

Gần như tất cả những khả năng ấy đều xoay quanh trí tuệ nhân tạo (AI). Khi Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt với Mỹ để giành vị thế dẫn đầu về công nghệ, Hàng Châu đã trở thành trung tâm cơn sốt AI của Trung Quốc.

Hc2 1751856070687 1751856070878951262077

Cách đây một thập kỷ, chính quyền địa phương và tỉnh đã bắt đầu cung cấp trợ cấp và miễn giảm thuế cho các công ty mới tại Hàng Châu – chính sách đã giúp nuôi dưỡng hàng trăm công ty khởi nghiệp. Vào cuối tuần, người ta bay từ Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến đến đây để thuê lập trình viên.

Gần đây, nhiều người trong số họ đã tụ tập tại sân sau nhà Tao. Anh từng đồng sáng lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu AI tại Alibaba trước khi rời đi và thành lập công ty riêng – Mindverse – vào năm 2022. Giờ đây, nhà của anh là trung tâm tụ họp của các lập trình viên đang sinh sống tại Lương Trúc, phần lớn ở độ tuổi 20 và 30. Họ tự gọi mình là “dân làng”, viết code tại các quán cà phê vào ban ngày và chơi game cùng nhau vào ban đêm, nuôi hy vọng sẽ tạo ra công ty riêng nhờ AI.

LỤC HỔ HÀNG CHÂU

Hàng Châu đã là nơi khai sinh nhiều ông lớn công nghệ – không chỉ có Alibaba và DeepSeek mà còn cả NetEase và Hikvision.

Vào tháng 1, DeepSeek khiến giới công nghệ chấn động khi công bố hệ thống AI mà họ cho biết được phát triển với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với các công ty ở thung lũng Silicon. Kể từ đó, các hệ thống do DeepSeek và Alibaba phát triển liên tục nằm trong nhóm mô hình AI mã nguồn mở hàng đầu thế giới – nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể xây dựng dựa trên đó. Các sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Chiết Giang ở Hàng Châu, nơi mà người sáng lập DeepSeek từng theo học, đang trở thành nguồn nhân lực được săn đón tại các công ty công nghệ Trung Quốc.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc theo dõi sát sao việc một thành viên chủ chốt trong nhóm của DeepSeek bị công ty Xiaomi “chiêu mộ”. Ở Lương Trúc, nhiều kỹ sư cho biết họ đang “giết thời gian” cho đến khi có thể tự mở công ty riêng, trong lúc phải chờ hết hiệu lực các hợp đồng không cạnh tranh với các tập đoàn lớn như ByteDance.

DeepSeek là một trong sáu công ty khởi nghiệp AI và robot từ Hàng Châu, được truyền thông gọi là “lục hổ Hàng Châu”.

Năm ngoái, một trong sáu công ty này – Game Science – đã phát hành trò chơi điện tử bom tấn đầu tiên của Trung Quốc được công nhận toàn cầu: Black Myth: Wukong. Một công ty khác, Unitree, đã thu hút sự chú ý khi robot của họ biểu diễn trong chương trình gala Tết của đài truyền hình trung ương Trung Quốc vào tháng 1.

Mùa xuân năm nay, Chu Minh Minh – nhà sáng lập Rokid, một công ty khởi nghiệp tại Hàng Châu sản xuất kính thông minh hỗ trợ AI – đã mời cả sáu nhà sáng lập đến nhà mình dùng bữa tối.

“Đó là lần đầu tiên tất cả chúng tôi gặp nhau ngoài đời”, ông Chu nói. Giống như ông, hầu hết trong số họ đều từng học tại Đại học Chiết Giang hoặc làm việc tại Alibaba.

“Khi bắt đầu, chúng tôi chỉ là những con cá nhỏ”, ông Chu nói. “Nhưng ngay từ lúc đó, chính phủ đã hỗ trợ”. Ông cho biết các quan chức chính phủ đã giúp ông kết nối với các nhà đầu tư đầu tiên của Rokid, bao gồm cả Jack Ma – người sáng lập Alibaba.

Tuy nhiên, một số người cho rằng sự hỗ trợ của chính phủ dành cho giới công nghệ Hàng Châu đã khiến một số nhà đầu tư nước ngoài e ngại. Một vài nhà sáng lập cho biết họ gặp khó khăn trong việc thu hút vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài – điều cản trở tham vọng vươn ra toàn cầu của họ.

Tình huống tệ nhất, họ nói, là trở thành như ByteDance – công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc, nơi các giám đốc từng bị Quốc hội Mỹ chất vấn về mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc.

Các nhà sáng lập mô tả rằng họ phải lựa chọn giữa hai con đường để phát triển: Nhận vốn chính phủ và tập trung phục vụ thị trường Trung Quốc, hoặc tự huy động đủ vốn để mở văn phòng tại các quốc gia như Singapore nhằm tiếp cận nhà đầu tư quốc tế. Đối với phần lớn, lựa chọn đầu tiên là khả thi hơn.

Một bất ổn khác là khả năng tiếp cận chip máy tính tiên tiến – yếu tố then chốt cho hệ thống AI. Chính phủ Mỹ đã mất nhiều năm để ngăn Trung Quốc mua loại chip này, và các công ty Trung Quốc như Huawei hay SMIC đang chạy đua để tự sản xuất.

Hiện tại, chip sản xuất trong nước đã đủ tốt để giúp công ty như ByteDance cung cấp một số dịch vụ AI tại Trung Quốc. Nhiều công ty Trung Quốc đã tích trữ chip Nvidia bất chấp các biện pháp kiểm soát từ Mỹ. Tuy nhiên, chưa rõ nguồn cung đó sẽ kéo dài bao lâu, hay tốc độ các nhà sản xuất chip Trung Quốc bắt kịp Mỹ sẽ như thế nào.

Một khái niệm gần như không thể tránh khỏi tại Hàng Châu là “AI tác nhân” (agentic AI) – ý tưởng rằng hệ thống AI có thể tự hành động theo chỉ dẫn.

Qian Roy – một doanh nhân khác tại Hàng Châu – đã phát triển một “người bạn đồng hành kỹ thuật số” cho giới trẻ, sử dụng AI để phản hồi cảm xúc dựa trên kết quả trắc nghiệm tính cách Myers-Briggs – một công cụ phổ biến ở giới trẻ Trung Quốc. Nhóm của anh đã lập trình ứng dụng mang tên All Time bằng cách sử dụng các hệ thống AI công khai, bao gồm cả của DeepSeek, Alibaba và công ty Mỹ Anthropic.

Hc1 1751856071488 1751856071649820023633

Mindverse – công ty do Felix Tao đồng sáng lập – đang phát triển một sản phẩm dùng AI để giúp người dùng quản lý cuộc sống. Ví dụ, nó có thể tự động gửi email động viên đồng nghiệp hàng ngày hoặc nhắn tin cho cha mẹ với nội dung gợi nhớ kỳ nghỉ gia đình.

“Tôi không muốn AI chỉ đơn thuần xử lý công việc, mà phải thực sự giúp bạn giải phóng tâm trí, để bạn có thể ngắt kết nối và thư giãn”, Tao chia sẻ.

Nhiều người trong sân sau nhà Tao cho biết không khí tại Hàng Châu – thành phố bên hồ từng truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ thi sĩ và họa sĩ Trung Quốc – đã nuôi dưỡng sự sáng tạo của họ.

Lâm Viên Lâm khởi nghiệp công ty Zeabur khi còn đang học tại Đại học Chiết Giang. Công ty anh cung cấp hệ thống nền tảng cho những người xây dựng ứng dụng và website thông qua hình thức “vibecoding” – lập trình bằng công cụ AI mà không cần hiểu sâu về phần mềm.

Lương Trúc là nơi thử nghiệm lý tưởng cho sản phẩm của anh, Lâm nói. Anh có thể trò chuyện với ai đó trong quán cà phê hoặc ghé nhà hàng xóm để tìm hiểu họ cần gì cho khởi nghiệp. Lâm đến Lương Trúc thường xuyên đến mức quyết định chuyển hẳn về đây.

Cư dân “làng Lương Trúc” còn tổ chức các buổi chiếu phim. Gần đây, họ xem The Matrix, rồi thống nhất rằng đây nên là phim bắt buộc phải xem. Chủ đề chính của phim – con người tìm cách thoát khỏi hệ thống kiểm soát xã hội – đã trở thành nguồn cảm hứng chính xác cho họ.

Những nhà sáng lập khởi nghiệp tại Lương Trúc – kể cả những người không học ở các trường hàng đầu – vẫn tin rằng họ có thể tạo ra công ty công nghệ thay đổi thế giới kế tiếp, Tao nói.

“Nhiều người trong số họ cực kỳ can đảm khi chọn con đường riêng để khám phá – bởi vì ở Trung Quốc, đó không phải là cách sống phổ biến”.

Theo: NYTimes


Để lại một bình luận