Tôi lấy chồng được gần 2 năm, vừa sinh con đầu lòng hơn 3 tháng. Hiện vợ chồng tôi vẫn đang sống chung cùng bố mẹ chồng và cô em chồng năm nay vừa tròn 18 tuổi.

Suốt gần 2 năm qua, cảnh sống chung với nhà chồng cũng chẳng hề dễ chịu gì. Tuy nhiên, tôi luôn tự động viên bản thân cố gắng nhẫn nhịn, đến khi dành dụm đủ tiền thì xây nhà ở riêng.

Thế nhưng, dường như tôi càng nhịn, bố mẹ chồng càng nghĩ tôi nhu nhược nên muốn nói gì cũng được. Như chuyện vừa mới xảy ra tối qua không hề liên quan đến tôi nhưng cuối cùng, tôi lại thành “bao cát” để nhà chồng trút giận. Điều đó khiến tôi không thể tiếp tục nhịn được nữa.

Em chồng vừa có điểm thi tốt nghiệp, tôi uất nghẹn với cách hành xử của cả nhà chồng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chuyện là hôm qua em chồng tôi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm số rất thấp, gần như không có “cửa” để vào đại học. Thực ra, tôi không bất ngờ với kết quả này vì sau quãng thời gian về làm dâu, tôi biết, em chồng là người ham chơi, lười học dù luôn được bố mẹ chồng tôi ưu tiên, chiều chuộng về mọi thứ.

Tuy nhiên, điều khiến tôi bất ngờ là trong bữa cơm, thay vì nói con gái, bố mẹ chồng lại quay sang trách móc tôi đủ điều. Mẹ chồng trách tôi ở nhà bắt em chồng phụ việc nhà rồi trông cháu quá nhiều khiến con bé không có thời gian ôn luyện bài vở.

Trong khi sự thật là suốt mấy tháng qua, em chồng không hề động tay giúp tôi việc gì. Cô ấy luôn viện lý do ở nhà học bài và giúp chị dâu đang ở cữ nên không phải đi làm đồng cùng bố mẹ.

Thế nhưng, khi bố mẹ đi làm, em chồng tôi cũng bỏ đi chơi từ sáng đến trưa mới về. Buổi chiều cũng tương tự. Nhiều lần tôi có góp ý em phải tập trung lo hành nhưng em chồng đều phớt lờ nói “chuyện của em, em tự biết đường lo, chị không cần can thiệp làm gì”.

Tôi sinh mổ, người đau nhức, lại phải chăm con nhưng chưa bao giờ tôi trách em chồng không phụ giúp mình. Vậy mà, giờ em chồng điểm thấp, mẹ chồng lại quy chụp nguyên nhân là do tôi bắt em làm quá nhiều. Dĩ nhiên, tôi có lên tiếng thanh minh nhưng càng nói, mẹ chồng càng cho rằng tôi bao biện, chèn ép con bé nhưng không chịu thừa nhận.

Chưa dừng lại ở đó, bố chồng cũng mắng tôi là chị dâu, ở nhà với em suốt ngày nhưng lại không biết bảo ban em học hành, mặc kệ em không cần quan tâm.

Lúc nào cũng mang tiếng tốt nghiệp đại học tốp đầu, thế mà giờ có đứa em cũng không kèm cặp ra hồn được. Cô muốn cái nhà này xấu hổ, không ngẩng mặt lên được thì mới hả dạ đúng không“.

Lời quy chụp của bố chồng khiến tôi ấm ức đến phát khóc. Tôi quay sang nhìn chồng nhưng anh lại im lặng không nói gì. Rõ ràng, tôi đã nhiều lần tâm sự với anh rằng, thấy em chồng thường xuyên bỏ nhà đi chơi mà không học bài. Song anh lại bênh em gái, cho rằng, có thể em đi học nhóm với các bạn và em lớn rồi, không nên can thiệp vào chuyện riêng của em.

Và giờ, anh im lặng như đồng tình với bố mẹ mình là em chồng điểm thấp, tất cả là do tôi…

Tôi uất nghẹn vô cùng. Tôi không giận em chồng, dù rõ ràng cô ấy đã lợi dụng tôi để trốn học đi chơi. Điều tôi giận nhất là những người lớn, người trưởng thành trong nhà nhưng lại có cái nhìn thiển cận, chỉ biết quy chụp, đổ lỗi cho người khác mà không chịu nhìn thẳng vào vấn đề.

Chuyện này như giọt nước tràn ly khiến tôi cả đêm phải suy nghĩ. Tôi không biết mình nên tiếp tục chịu đựng hay nên suy nghĩ nghiêm túc về cuộc hôn nhân này. Bởi ngay cả người chồng đầu ấp vai kề cũng không dám lên tiếng bảo vệ tôi trước mặt bố mẹ anh ta, thì liệu tôi còn trông mong gì vào tương lai khi có nhiều biến cố và sóng gió lớn hơn?

Chồng cũ cưới vợ sau 6 tháng ly hôn, tôi đến dự, nói câu khiến anh đau điếngSau tất cả, tôi nhận ra ly hôn chính là bước ngoặt của cuộc đời mình. Tôi cần mạnh mẽ, vững vàng hơn vì con, vì tương lai của chính mình.
Theo Gia đình và Xã hội