Kiếm tiền an toàn – Chi tiêu khôn ngoan: Đó không phải ‘chủ nghĩa thực dụng’, mà là cách người trẻ quản lý tài chính tích cực và thấu đáo!


Sự thay đổi trong quan niệm về tiền của giới trẻ chính là một lát cắt tiêu biểu của thời đại xã hội phát triển nhanh chóng.

***

Người trẻ nhìn nhận tiền bạc như thế nào? Quan điểm về tiền của người trẻ có những đặc điểm gì khác so với thế hệ trước? Ý thức quản lý tài chính của người trẻ ra sao?… Là thế hệ sinh ra và lớn lên trong làn sóng kinh tế thị trường, thái độ của người trẻ đối với tiền bạc luôn thu hút sự quan tâm rộng rãi từ xã hội.

Có người đã tổng kết rằng: từ lối sống tiết kiệm phổ biến đến cuộc sống có chất lượng; từ né tránh rủi ro đến đầu tư tích cực; từ tất bật lao lực đến tận hưởng hiện tại. Sự thay đổi trong quan niệm về tiền của giới trẻ chính là một lát cắt tiêu biểu của thời đại xã hội phát triển nhanh chóng.

Cần kiếm nhiều tiền, nhưng cũng phải có cuộc sống của riêng mình

Tuy hiện nay áp lực cuộc sống ngày càng lớn, nhiều người trẻ đều muốn kiếm được nhiều tiền hơn; nhưng đối với cách kiếm tiền, họ có những tiêu chuẩn lựa chọn rõ ràng.

“Dù làm thêm trong các kỳ nghỉ lễ được trả gấp 3 lần, nhưng tôi cảm thấy tăng ca mà không tự nguyện thì đều không thể chấp nhận được.” – Vương Mộng Mộng, một nhân viên làm việc tại ở Bắc Kinh chia sẻ với phóng viên – “Tôi cần kiếm tiền, nhưng cũng phải có cuộc sống riêng của mình.”

Mễ Lâm, người bắt đầu đi làm từ năm 2020, cho biết nếu phải làm thêm giờ hay làm việc ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập thì trước hết phải đảm bảo còn đủ sức, tuyệt đối không được ảnh hưởng đến sức khỏe. “Phấn đấu là sắc màu cơ bản của thế hệ chúng tôi, nhưng nếu vì tiền mà không ngừng bào mòn cơ thể và niềm vui sống thì theo tôi, điều đó cũng không thể chấp nhận.”

Đại dịch COVID-19 bất ngờ ập đến là một đòn giáng mạnh khiến một bộ phận giới trẻ thay đổi cách nhìn về việc kiếm tiền, tiêu dùng và quản lý tài chính. “Dịch bệnh dạy tôi hai điều rất quan trọng: một là phải mua bảo hiểm, hai là phải tiết kiệm và đầu tư hợp lý. Những ‘thiên nga đen’ luôn đến bất ngờ, vậy nên vẫn phải có sự đảm bảo nhất định rồi mới tận hưởng cuộc sống.” – Vương Mộng Mộng nói.

So với thế hệ cha mẹ mình, người trẻ không còn quá hứng thú với kiểu sống “cày cuốc tích lũy rồi mới hưởng thụ”, thay vào đó là thái độ sống “vừa kiếm tiền vừa tận hưởng”.

Kiếm Tiền An Toàn - Chi Tiêu Khôn Ngoan: Đó Không Phải ‘Chủ Nghĩa Thực Dụng’, Mà Là Cách Người Trẻ Quản Lý Tài Chính Tích Cực Và Thấu Đáo!

Về động lực kiếm tiền, người trẻ ít đặt ra mục tiêu dài hạn cụ thể, mà thường hướng đến những “mục tiêu nhỏ” dễ thực hiện, được truyền cảm hứng từ mạng xã hội hay trào lưu gần đây. Tuy người trẻ nhìn chung có mức độ lo lắng về rủi ro trong tương lai cao hơn, và có thể cảm thấy thiếu an toàn hơn thế hệ trước, nhưng họ lại không chọn cách tích cóp không ngừng để giảm bớt lo lắng như cha mẹ mình, mà là lên kế hoạch kỹ càng trong khả năng tài chính ổn định, để “lo chuyện ngày mai vào ngày mai”.

“Các thế hệ trước kiếm tiền chủ yếu là để ‘sinh tồn’, như để mua nhà, nuôi con đi học hoặc phòng khi gia đình có việc gấp, cũng có người kiếm tiền chỉ để tiết kiệm. Nhưng ngày càng nhiều người trẻ cho rằng kiếm tiền là để sống, chứ không phải sống là để kiếm tiền. Vì thế, họ có xu hướng chọn cuộc sống chú trọng đến những niềm vui nhỏ nhưng thực tế.” – Nhà nghiên cứu Chu Địch, Viện Xã hội học thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc phân tích.

Từ “sống là để kiếm tiền” đến “kiếm tiền là để sống”, tuy chỉ đảo lại thứ tự câu chữ, nhưng phản ánh sự thay đổi quan điểm tiền bạc của giới trẻ: từ chú trọng tích lũy sang học cách hưởng thụ, từ “tích cóp rồi mới hưởng” đến “vừa kiếm tiền vừa hưởng thụ”.

Sự thay đổi này, trong con mắt của nhiều bậc cha chú, là điều khó chấp nhận, vì thế thường có những lời trách cứ người trẻ là tầm nhìn ngắn hạn, không biết quán xuyến việc nhà, thậm chí còn dẫn đến cãi vã to tiếng, khiến người trẻ “muốn nói cũng khó mở lời”.

Giáo sư Phù Quốc Quần thuộc Trường Quản lý Quang Hoa, Đại học Bắc Kinh cho rằng, giữa các thế hệ chắc chắn sẽ có khác biệt trong cách đánh giá quan niệm về tiền bạc, do đó nên nhìn nhận quan điểm tiền bạc của giới trẻ trong bối cảnh rộng lớn hơn, thay vì đứng từ lập trường của thế hệ trước để trách móc thế hệ sau.

Theo Chu Địch, một mặt cần hướng dẫn giới trẻ hình thành quan niệm tiền bạc hợp lý và lành mạnh, vừa đảm bảo chất lượng cuộc sống, vừa có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Mặt khác, cũng cần chú trọng bảo vệ nhu cầu tiêu dùng của giới trẻ, tránh để xã hội rơi vào tình trạng “xã hội ít ham muốn”.

Hào phóng với bản thân, cũng rộng lượng đáp đền xã hội

“Thời đại học tôi đúng kiểu ‘nghèo tinh tế’, có bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, chẳng bao giờ tiết kiệm.” – Tiểu Lưu, một giáo viên tiểu học ở Bắc Kinh chia sẻ với phóng viên. Cô cho biết chỉ cần trong khả năng tài chính cho phép thì luôn cố gắng mua những thứ tốt hơn.

Với Tiểu Lưu, “không làm khổ bản thân” là nguyên tắc tiêu dùng hàng đầu. “Bây giờ tôi đã đi làm, thu nhập cũng khá ổn định, hiện tại không có áp lực kinh tế gì lớn, thì tại sao lại không nâng cao chất lượng cuộc sống của mình chứ?” – cô nói.

Trong bối cảnh kinh tế số phát triển nhanh chóng và tầng lớp thu nhập trung bình ngày càng mở rộng, ngày càng nhiều người trẻ như Tiểu Lưu theo đuổi một cuộc sống chất lượng, khiến mục tiêu chi tiêu của họ cũng trở nên đa dạng và phong phú hơn.

Báo cáo của Bain năm 2020 cho thấy, độ tuổi trung bình mà người trẻ mua món hàng xa xỉ đầu tiên là 20 tuổi.

Chuyên gia Chu Địch phân tích: “Thanh niên ngày nay chú trọng ‘trân trọng hiện tại’ hơn là ‘chuẩn bị cho tương lai’, họ biết mình muốn gì, thích gì. Điều này khác với các thế hệ trước, vốn thường chỉ quan tâm đến việc ‘mình có đủ tiền để mua hay không’. Tác động từ các doanh nghiệp, chiến lược tiếp thị và văn hóa tiêu dùng mà họ tạo ra cũng không ngừng kích thích ham muốn tiêu dùng của giới trẻ.”

Giáo sư Phù Quốc Quần nhận định: “Người trẻ ngày nay tự tin hơn vào tương lai kinh tế và con đường phát triển cá nhân của họ. Hơn nữa, cùng với sự hoàn thiện của hệ thống an sinh xã hội, thế hệ sinh sau năm 1990 hiện tại không quá lo lắng về các vấn đề như lương hưu.”

Bên cạnh việc chi tiền để tận hưởng cuộc sống vật chất tốt hơn, thỏa mãn nhu cầu tinh thần và thể hiện giá trị xã hội cũng là những động lực quan trọng khiến người trẻ sẵn sàng chi tiêu để làm mình vui.

“Giờ nghĩ lại thì mua xe không bằng gọi xe công nghệ. Tự lái phải nghĩ đến chỗ đậu xe, bảo dưỡng, không tiện bằng đặt xe.” – Tiểu Tạ, sinh sau năm 1990, nói với phóng viên. “Mua xe không chỉ mang gánh nặng dài hạn mà còn kèm theo nhiều chi phí ẩn. Giờ đây, chi tiền để mua dịch vụ và trải nghiệm lại hợp lý hơn.” Với những món đồ lớn từng được thế hệ trước xem là thiết yếu, thế hệ trẻ lại dễ dàng chấp nhận việc “từ bỏ quyền sở hữu” để tập trung vào “quyền sử dụng” – tiêu dùng theo hướng trải nghiệm.

Từ tháng 7 năm 2012, Tiểu Lưu đã bắt đầu đóng góp định kỳ cho Hội Chữ thập đỏ thông qua hình thức trừ cước phí điện thoại di động. “Được góp chút sức nhỏ cho xã hội là điều khiến tôi cảm thấy có thành tựu.” – cô chia sẻ, đồng thời cho biết cũng thường xuyên quyên góp quần áo không dùng nữa cho những người cần giúp đỡ. Không chỉ rộng rãi với bản thân, người trẻ ngày nay còn cởi mở và hào phóng hơn với các hoạt động thiện nguyện.

“Gia tăng chi tiêu cho dịch vụ là dấu hiệu của một xã hội tiêu dùng trưởng thành hơn. Đặc trưng của tiêu dùng dịch vụ là mang lại cuộc sống tiện nghi, thoải mái, đồng thời cung cấp những trải nghiệm thú vị và mới lạ – điều này phù hợp với quan niệm tiêu dùng và lối sống của người trẻ”, Chu Địch phân tích. “Việc ngày càng chấp nhận thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng thông qua dịch vụ thay vì sở hữu vật chất phản ánh sự chuyển biến trong quan niệm vật chất của thanh niên, đồng thời đại diện cho xu thế phát triển của xã hội.”

Kiếm Tiền An Toàn - Chi Tiêu Khôn Ngoan: Đó Không Phải ‘Chủ Nghĩa Thực Dụng’, Mà Là Cách Người Trẻ Quản Lý Tài Chính Tích Cực Và Thấu Đáo!

Lựa chọn đa dạng, chấp nhận các hình thức quản lý tài chính mới

Lý Linh, sinh năm 1997, có phương pháp quản lý tài chính “tự sáng tạo” của riêng mình. “Tôi có hai tài khoản Alipay: một tài khoản chuyên để tiết kiệm, trích một phần để mua các sản phẩm tài chính ổn định; tài khoản còn lại dành riêng cho chi tiêu hằng ngày.” Mỗi tháng, Lý Linh chuyển một khoản sinh hoạt phí cố định từ tài khoản tiết kiệm sang tài khoản chi tiêu để kiểm soát mức độ tiêu dùng và đồng thời cố gắng gia tăng tài sản.

“Khi còn đi học, tôi bắt đầu tiếp cận quản lý tài chính qua Alipay.” – Lý Linh chia sẻ. “Giờ đây, tôi phân chia lương theo tỷ lệ, trong đó một phần dành riêng để mua các sản phẩm tài chính.” Các sản phẩm tài chính qua mạng chính là lớp nhập môn về quản lý tài chính của phần lớn giới trẻ: thao tác thuận tiện, ngưỡng tham gia thấp, dễ dàng gửi vào rút ra bất cứ lúc nào – những đặc điểm này rất được thế hệ “cư dân mạng bẩm sinh” ưa chuộng. “Cách quản lý tài chính tốt nhất là không phải tốn nhiều công sức!”

Thật ra, những người trẻ có tư duy tài chính như Lý Linh ngày càng phổ biến. Báo cáo xu hướng tài chính cá nhân Trung Quốc năm 2020 của Viện nghiên cứu tài chính Cao Kim Thượng Hải cho thấy, nhóm người tham gia đầu tư tài chính đang có xu hướng trẻ hóa rõ rệt, thế hệ 9x đang trở thành lực lượng chủ lực. Quản lý tài chính trực tuyến đang là lựa chọn ngày càng phổ biến của giới trẻ. Báo cáo năm 2019 của CBNData về nhóm người dùng tài chính online cho thấy, thế hệ 9x, 95 và 00 chiếm đến 49% số lượng người tham gia tài chính trực tuyến.

Những sản phẩm tín dụng tiêu dùng – từng bị xã hội lo ngại sẽ khiến người trẻ “quen tiêu trước trả sau” – lại trở thành công cụ quản lý tài chính hợp lý trong tay một số người trẻ.

“Chiếc máy tính Apple là khoản chi tiêu lớn nhất của tôi trong danh mục tín dụng tiêu dùng, được mua theo hình thức trả góp không lãi suất.” – Tiểu Tạ chia sẻ. “Không phải tôi không có đủ tiền, mà là tôi nghĩ tận dụng hình thức tín dụng không lãi suất, tôi có thể dùng phần vốn gốc đó để đầu tư tài chính trong khoảng thời gian này.”

Ngoài việc mua các sản phẩm tài chính, tiết kiệm cũng là một lựa chọn ổn định được giới trẻ ưa chuộng. “Mỗi tháng tôi lên kế hoạch gửi tiết kiệm khoảng 60% thu nhập.” – Tiểu Tạ nói. “Tiền không chỉ là mục tiêu để làm giàu, mà còn là nguồn động lực để làm giàu – tiền tiết kiệm thực ra chính là cảm giác an toàn và thoải mái.”

Bên cạnh đó, cũng có một số bạn trẻ bắt đầu thử sức với các kênh đầu tư có rủi ro cao và lợi nhuận cao. Về vấn đề rủi ro, giới trẻ có quan điểm rất riêng. Vương Mộng Mộng – người mới bắt đầu đầu tư vào các sản phẩm rủi ro cao từ năm 2020 – cho biết: “Về lý thuyết, nếu nắm giữ sản phẩm quỹ trong thời gian đủ dài thì rất khó bị lỗ lớn. Còn như đầu tư cổ phiếu – một hình thức có rủi ro cao – nếu bị lỗ thì coi như đóng học phí vậy.”

Trong mắt một số người trẻ, rủi ro là con đường bắt buộc để trưởng thành, chứ không phải điều phải né tránh. “Tôi nghĩ người trẻ nên sớm bước vào ‘lớp học’ thị trường chứng khoán, vì dù sớm hay muộn cũng cần học cách để tài sản của mình sinh lời.” – Vương Mộng Mộng nói.

Ngoài việc “ăn uống dưỡng sinh”, “rèn luyện thể chất có kỷ luật”, thì so với thế hệ cha mẹ “không dám xem kết quả khám sức khỏe”, giới trẻ ngày nay có ý thức mua bảo hiểm sớm hơn và quyết liệt hơn. Tháng 9 năm ngoái, Viện Nghiên cứu Kinh tế Mới Trung Quốc phối hợp với nền tảng bảo hiểm Alipay công bố “Báo cáo bảo vệ thế hệ 9x” , trong đó cho thấy: gần 70% thế hệ 9x đã sở hữu bảo hiểm y tế, hơn một nửa tin rằng cần ít nhất 3 gói bảo hiểm thì mới cảm thấy an tâm.

Vương Mộng Mộng đã tham gia bảo hiểm y tế ung thư được một năm, đồng thời cô cũng đặc biệt quan tâm đến bảo hiểm bệnh hiểm nghèo và bảo hiểm tai nạn. “Tôi thuộc tuýp người ‘sợ chết ham sống’, và thực ra bảo hiểm càng mua sớm càng có lợi.” Với người trẻ, bảo hiểm không còn là khoản đầu tư mơ hồ cho tương lai như cách nhìn của thế hệ trước, mà là một phương thức kiểm soát rủi ro thực tế cho cuộc sống sau này.

Đại diện bởi thế hệ 9x, giới trẻ hiện nay có kế hoạch tài chính rõ ràng hơn. Thế hệ trước chủ yếu lựa chọn gửi tiết kiệm hoặc mua bất động sản, trong khi người trẻ lại có nhiều lựa chọn đa dạng hơn như đầu tư cổ phiếu, quỹ, mua bảo hiểm. “Giới trẻ ngày nay có kiến thức quản lý tài chính phong phú hơn so với thế hệ trước, họ cũng giỏi học hỏi và nhanh chóng tiếp nhận các phương pháp tài chính mới.”

Theo Thanh Niên Việt

Mời xem thêm chương trình:

Tạm Biệt Cơn Mưa Vội Trong Cuộc Đời Của Em | Radio Tâm Sự

 


Để lại một bình luận