Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo ứng phó bão số 3

Cảnh báo dông lốc khu vực phía Nam thành phố Hà Nội chiều tối ngày 20/7 Bão Wipha tăng lên cấp 12 giật cấp 15, cách Quảng Ninh 630 km

Theo dõi chặt chẽ, kịp thời ứng phó với mọi tình huống

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc tới gia đình các nạn nhân bị thiệt hại trong vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Mặc dù triển khai các biện pháp cứu hộ trong điều kiện rất khó khăn, đến nay, các lực lượng chức năng đã cơ bản hoàn thành công tác trục vớt tàu và tìm kiếm nạn nhân nhưng vẫn còn một số trường hợp mất tích. Các lực lượng chức năng đang tích cực huy động nhân lực, phương tiện nhằm tiếp tục tìm kiếm.

Nguyên nhân của hiện tượng mưa dông mạnh chiều 19/7 ở Bắc Bộ và Vịnh Bắc Bộ, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, là do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu khu vực Bắc Bộ, kết hợp với điều kiện nhiệt độ ở khu vực Bắc Bộ tăng cao trong 3 ngày qua (hoàn lưu bão số 3 chưa ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ).

Hiện nay, theo nhận định, bão có thể ảnh hưởng tới khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, thậm chí còn rộng hơn do tác động của hoàn lưu sau bão.

Phó Thủ Tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà Chỉ Đạo Ứng Phó Bão Số 3
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, các tỉnh, thành phố cần rà soát và đánh giá thực chất mức độ sẵn sàng ứng phó thiên tai. (Ảnh: VGP/MK)

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cần huy động đầy đủ lực lượng Trung ương và địa phương, thống nhất hành động khẩn cấp để kịp thời phòng, tránh và ứng phó hiệu quả với bão.

Phó Thủ tướng lưu ý, sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, các tỉnh, thành phố cần rà soát và đánh giá thực chất mức độ sẵn sàng ứng phó thiên tai, đặc biệt là trước cơn bão sắp tới, nhằm bảo đảm bộ máy sau sáp nhập hoạt động hiệu quả, đồng bộ trên mọi lĩnh vực, trong đó có công tác phòng, chống lụt bão.

“Chúng ta cần tận dụng cuộc họp liên ngành và tình huống ứng phó bão số 3 để đánh giá, kiện toàn tổ chức bộ máy chỉ đạo phòng thủ dân sự ở cả Trung ương và địa phương, bảo đảm phân công rõ ràng, phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng trong triển khai nhiệm vụ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, bão số 3 rất mạnh, diễn biến phức tạp, tốc độ di chuyển nhanh, nhưng lại có thời gian dừng lâu ở gần đất liền càng làm tăng nguy cơ thiệt hại khi đổ bộ vào đất liền.

Do đó, các cơ quan chuyên môn phải thông tin đầy đủ, chính xác, đánh giá đúng tính chất phức tạp, nguy hiểm của bão, tránh tâm lý chủ quan trong công tác phòng, chống. Các bộ, ngành, địa phương phải duy trì chế độ trực 24/24h, căn cứ vào các bản tin cập nhật liên tục của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia để chỉ đạo điều hành kịp thời.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát ngay khu vực trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng của bão, sớm cập nhật, điều chỉnh phương án ứng phó. Đặc biệt, cần xác định rõ khu vực đặc biệt xung yếu, những công trình có nguy cơ cao, dựa trên bản đồ cảnh báo sạt lở, lũ ống, lũ quét. Đồng thời, khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh, phân công từng thành viên phụ trách khu vực xung yếu. Mô hình tổ chức ở một số địa phương như Thanh Hóa, Ninh Bình… được đánh giá tốt khi xác định rõ địa bàn trọng điểm cấp xã, liên kết giữa các xã để điều phối nhân lực, vật tư hợp lý.

Phó Thủ Tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà Chỉ Đạo Ứng Phó Bão Số 3
Lãnh đạo các địa phương báo cáo tình hình chuẩn bị ứng phó bão số 3 tại cuộc họp. (Ảnh: VGP/MK)

Tại Trung ương, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Quốc phòng và các cơ quan truyền thông cập nhật liên tục thông tin cảnh báo vùng nguy hiểm trên biển, đặc biệt là khu vực tàu thuyền hoạt động, đảm bảo thông tin kịp thời để ngư dân di chuyển đến nơi an toàn; kiểm tra hệ thống đê điều tại các khu vực trọng yếu như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định – nơi có nhiều tuyến đê chưa hoàn thành, cần tu bổ, sửa chữa gấp.

Các đài khí tượng thủy văn khu vực phải dự báo cụ thể khu vực chịu ảnh hưởng của triều cường; cảnh báo khu vực có mưa lớn, nguy cơ ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cao (đặc biệt là phía Tây Thanh Hóa, Bắc Nghệ An), làm căn cứ để địa phương xác định cụ thể trên bản đồ hiện trạng, chủ động phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác dự báo phải luôn sẵn sàng, chủ động trên cơ sở khoa học, tuyệt đối không chủ quan. Cục Khí tượng Thủy văn chỉ đạo các đài khu vực công bố đầy đủ số liệu dự báo, phối hợp với địa phương để chủ động tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bão số 3.

“Ngoài việc đưa ra các số liệu chuyên môn và thuật ngữ kỹ thuật, cần diễn giải rõ ràng, dễ hiểu để người dân nắm được cụ thể. Nếu gió mạnh đến mức nào thì cây có thể đổ, mái nhà cấp bốn có thể bị tốc mái, người ra đường có thể bị gió cuốn, phương tiện giao thông có thể bị thổi bay… có như vậy người dân mới hình dung rõ mức độ nguy hiểm để chủ động phòng tránh”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Tại các vùng nuôi trồng thủy sản, nhà bè đơn sơ, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tính toán kỹ lưỡng phương án cưỡng chế sơ tán nếu cần thiết, bảo vệ tính mạng người dân là ưu tiên hàng đầu. Cấp ủy, chính quyền xã phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện nghiêm yêu cầu và để xảy ra thiệt hại về người, tài sản…

Bão số 3 gây mưa lớn, gió mạnh ngay khi vào vịnh Bắc bộ

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 9h sáng 20/7, bão số 3 cách Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 670 km về phía Đông, mạnh cấp 11. Bão số 3 đang di chuyển nhanh, trung bình 20km/h, hoàn lưu lệch về phía Nam và phía Tây. Mưa lớn xảy ra trên đất liền ngay khi bão mới vào vịnh Bắc Bộ.

Dự báo, chiều 21/7 bão đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 10-11, giật cấp 14. Đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ đến Nghệ An trong ngày 22/7/2025.

Phó Thủ Tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà Chỉ Đạo Ứng Phó Bão Số 3
Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: VGP/MK)

Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), Bộ đội Biên phòng các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.300 phương tiện/227.194 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh.

Tổng diện tích nuôi thủy sản tại các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão và mưa lũ là 148.834 ha (55.204 ha nuôi tôm nước lợ, 21.735 ha nuôi nhuyễn thể, 72.836 ha nuôi thủy sản nước ngọt); 20.154 lồng bè; 3.743 chòi canh nuôi trồng thủy sản.

Các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đang thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ chính vụ.

Lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi ở khu vực Bắc Bộ đến Hà Tĩnh trung bình đạt khoảng từ 55% – 87% dung tích thiết kế.

Hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa còn tồn tại 20 trọng điểm đê điều xung yếu và 7 công trình đang thi công.

Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết, từ khoảng ngày 20-21/7, các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải… có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13- 14, sóng biển cao 3-5m do bão số 3.

Từ khoảng tối 21/7 vùng biển ven bờ khu vực từ Quảng Ninh – Thanh Hóa có gió mạnh cấp 7-9, sóng biển cao 3-5m. Sóng lớn kết hợp triều cường ở mức cao có thể gây ngập úng những khu vực trũng, thấp tại ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng, đặc biệt vào thời điểm trưa và chiều các ngày 21-23/7.

Do phạm vi ảnh hưởng của bão số 3 rộng, lệch Tây và Nam, hầu khắp khu vực phía Đông Bắc Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ, các tỉnh Bắc Trung Bộ. Chịu ảnh hưởng trực tiếp gồm các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, ven biển tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất. Từ tối và đêm 21/7, trên đất liền ven biển Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 7-9, giật cấp 10-11; sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14.

Cục Khí tượng Thủy văn kiến nghị các tỉnh ven biển Bắc bộ cấm biển từ 10 giờ ngày 21/7, khu vực Bắc Trung bộ từ 14 giờ ngày 21/7; đêm 21/7, rạng sáng 22/7 cần hoàn thành các biện pháp phòng, chống bão ở khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Dự báo bão số 3 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa – Hà Tĩnh từ ngày 21/7. trong đó ở khu Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, thời gian mưa từ ngày 21-23/7, lượng mưa 200- 350mm, có nơi trên 600mm, các nơi khác 100-200mm. Có thể xảy ra mưa cường suất lớn, 150-200mm/3 giờ.

Từ ngày 21-24/7, trên các sông ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên từ 3-6m. Cảnh báo ngập lụt vùng trũng thấp ven sông, đô thị, khu vực tập trung dân.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã tăng cường ban hành bản tin nhanh về bão số 3 lên 1 giờ/lần từ 06 giờ ngày 20/7/2025.

Ngoài duy trì hệ thống giám sát thường xuyên, Cục Khí tượng thủy văn sẽ tăng cường quan trắc 30 phút/lần với các trạm đảo thuộc khu vực Vịnh Bắc Bộ từ khoảng chiều 20/7; tăng cường quan trắc 30 phút/lần với các trạm ven biển và trên đất liền ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh từ khoảng chiều 21/7; tăng cường các trạm đo di động khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên; trang bị điện thoại vệ tinh cho một số trạm khí tượng thủy văn trọng điểm để bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong tình huống mạng lưới viễn thông thông thường bị ảnh hưởng, gián đoạn.

Để lại một bình luận