Nhận diện những khó khăn trong thực hiện triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất

Quốc hội quyết định kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến 31/12/2030 Cần đảm bảo hài hòa giữa 3 bên khi áp thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, trong các quy định của thể chế liên quan tới đầu tư, đất đai, sắp tới sẽ tiếp tục sửa đổi Luật Đất đai vì Luật Đất đai là một trong những luật nền tảng cho mọi luật khác.

Tất cả các hoạt động xã hội, sản xuất, kinh doanh đều dựa trên đất đai. Đất đai là một tài nguyên, là một tài sản vô giá của quốc gia và nếu khơi thông được, hoàn thiện được nguồn lực to lớn này thì mọi hoạt động khác sẽ rất trơn tru và sẽ đi theo định hướng rõ ràng.

Từ đó, Thứ trưởng mong muốn các đại biểu chỉ ra những bất cập liên quan tới đất đai và đóng góp ý kiến tháo gỡ để phát triển toàn diện, lành mạnh thị trường đất đai.

Giảng viên Châu Hoàng Thân (Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ) nêu 3 nhóm quy định liên quan cần tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư. Cụ thể, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sau khi sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, việc rà soát và điều chỉnh quy hoạch là cấp bách nhất. Thực tế này đòi hỏi cần sửa đổi toàn diện chương về quy hoạch trong Luật Đất đai, không chỉ đơn thuần là thay đổi cấp quản lý, mà phải tập trung tạo ra “không gian phát triển mới”.

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), ông Thân đề nghị thận trọng khi phân cấp toàn bộ công tác GPMB cho cấp xã, vì có thể không đảm bảo về năng lực. Đồng thời, cần xây dựng một “quy trình thu hồi đất rút gọn” linh hoạt hơn cho các trường hợp cụ thể (ví dụ: khi nhà đầu tư đã tự thỏa thuận được phần lớn diện tích). Đối với các dự án lớn, liên tỉnh (như cao tốc), cần có cơ chế GPMB đặc thù, khác với cơ chế phân cấp thông thường.

Nhận Diện Những Khó Khăn Trong Thực Hiện Triển Khai Dự Án Đầu Tư Có Sử Dụng Đất
Toàn cảnh hội thảo.

Về các phương thức tiếp cận đất đai, cần xem xét lại thời hạn GPMB (36 tháng) là quá dài so với thời hạn ứng vốn của nhà đầu tư (6 tháng) và hiệu lực của thông báo thu hồi đất (12 tháng).

Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, pháp luật đất đai hiện hành không quy định việc giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư cho nhiều tổ chức kinh tế (các doanh nghiệp liên doanh). Khi giao đất, cho thuê đất, các nhà đầu tư liên danh phải thành lập doanh nghiệp dự án, chứ không giao đất, cho thuê đất cho liên danh. Do đó, luật sư Tuấn đề xuất sửa Điều 116 Luật Đất đai 2024 theo hướng cho phép nhà đầu tư đã trúng thầu, liên danh nhà đầu tư trúng thầu được giao đất, cho thuê đất…

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn cho rằng, những khó khăn, vướng mắc và chồng chéo không chỉ tồn tại trong Luật Đất đai mà còn trong các lĩnh vực khác. Vì vậy, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết, điển hình là Nghị quyết 206, nhằm tạo ra một cơ chế đặc biệt để xử lý các vướng mắc pháp luật.

Theo đó, cho phép Chính phủ có thể ban hành các nghị quyết để xử lý ngay các vấn đề cấp bách mà không cần chờ đến kỳ họp của Quốc hội. Đây là một cơ chế chưa từng có, giao cho Chính phủ thực hiện ngay các giải pháp để đảm bảo tháo gỡ khó khăn trước ngày 1/3/2027.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn cũng cho rằng Luật Đất đai hiện hành còn nhiều điểm chưa sát với thực tiễn và gây ra nhiều khó khăn. Do đó, Trung ương đã có chỉ đạo phải tiếp tục sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới.

Theo đại biểu, cần có một sự thay đổi trong tư duy, theo đó các cơ quan nhà nước phải có tinh thần phục vụ doanh nghiệp và người dân, không nên để doanh nghiệp và người dân phải “đi xin” khi gặp khó khăn mà cần quyết tâm xây dựng cơ chế phục vụ…

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh rằng việc hoàn thiện thể chế, đặc biệt là Luật Đất đai, là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước, được thể hiện qua Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị. Thứ trưởng Bộ Tư pháp ghi nhận những tiến bộ vượt bậc trong việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý, đặc biệt là trong các lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều bất cập cần tiếp tục hoàn thiện.

Từ góc độ của Bộ Tư pháp, với vai trò là cơ quan thẩm định, Bộ sẽ cùng các Bộ, ngành, toàn xã hội nhận diện, định vị đúng và trúng các điểm nghẽn, những bất cập cần tháo gỡ, sao cho bảo đảm được lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân…

Để lại một bình luận