Tuổi 65 nghỉ hưu và quyết định thay đổi cuộc đời

Tôi tên Tiêu Hạ, năm nay 65 tuổi, chồng tôi 66 tuổi, cả hai đã nghỉ hưu. Trước đây, cuộc sống của chúng tôi ở quê tuy giản dị nhưng khá dễ chịu. 

Tôi nghỉ hưu sớm, nhưng vẫn đi làm thêm để tăng thu nhập cho đến khi chồng chính thức nghỉ hưu ở tuổi 60. 

Tổng cộng, mỗi tháng vợ chồng tôi có khoảng hơn 4.000 NDT (14,6 triệu đồng) tiền lương hưu, một khoản đủ để chi tiêu thoải mái ở quê.

Nhìn từ bên ngoài, ai cũng nghĩ vợ chồng tôi có tuổi già đáng mơ ước: đủ ăn, đủ mặc, sức khỏe ổn, không phải vướng bận con cái. Nhưng chính tôi lại tự phá vỡ cuộc sống bình yên đó bằng một quyết định mà đến giờ tôi hối hận vô cùng.

Bỏ quê lên phố sống gần con khi nghỉ hưu, 5 năm sau tôi hối hận tột cùng- Ảnh 1.

Điều tôi mong đợi nhất khi nghỉ hưu là được sống vui vẻ, an nhàn. Nhưng thực tế, càng gần con, tôi càng mệt mỏi. Ảnh minh hoạ

Bán nhà để lên phố: Bước ngoặt lớn sau khi nghỉ hưu

Con trai tôi là đứa con duy nhất. Từ nhỏ, con ngoan ngoãn, học giỏi, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, con rất ít về quê. 

Tôi từng mong con về quê lập nghiệp, gần bố mẹ để tiện chăm sóc nhau, nhưng con trai luôn muốn sống ở thành phố.

Vì thương con, vợ chồng tôi đã giúp con mua một căn hộ nhỏ để ổn định cuộc sống. Khi cả hai vợ chồng tôi nghỉ hưu, chúng tôi bắt đầu cảm thấy cô đơn. 

Thấy người khác có con cháu bên cạnh, nhà cửa lúc nào cũng vui vẻ, tôi cũng khát khao được gần con. 

Khi biết có căn nhà đối diện con trai đang rao bán, chúng tôi bàn bạc và quyết định bán nhà ở quê, thêm tiền tiết kiệm để mua.

Vì không đủ tiền, con trai giúp chúng tôi vay thêm 200.000 NDT (khoảng 730 triệu đồng). Tôi nghĩ chuyện này cũng tốt: vừa gần con cháu, vừa giúp gia đình con trai đỡ vất vả hơn.

Những ngày đầu nghỉ hưu ở thành phố: Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang

Khi mới chuyển lên, tôi vui lắm. Tôi chủ động mời gia đình con trai sang ăn tối, giúp con dâu dọn nhà, giặt quần áo, chăm cháu. Tôi muốn chia sẻ gánh nặng với các con, cảm thấy mình vẫn có ích dù đã nghỉ hưu.

Nhưng dần dần, mọi chuyện trở thành “nghĩa vụ mặc định”. Các con bắt đầu nhờ tôi mua đồ, đón cháu, nấu ăn. Con dâu đôi khi còn gọi điện bảo tôi mang tài liệu đến công ty cho nó.

Không chỉ vậy, mỗi tháng chúng tôi phải đưa cho con trai 2.000 NDT để trả khoản vay mua nhà. Sau khi trừ số tiền này, lương hưu còn lại không đủ chi tiêu. 

Chi phí sinh hoạt ở thành phố cao hơn nhiều so với quê. Hầu như ngày nào con cháu cũng sang ăn cơm, khiến tiền chợ mỗi tháng đội lên tới 3.000 NDT (khoảng 10 triệu đồng).

Mâu thuẫn bùng phát khi tuổi già nghỉ hưu không còn tự do

Ban đầu, tôi nghĩ chuyện tiền bạc có thể bỏ qua vì “người trong nhà cả”. Nhưng dần dần, sự khó chịu tích tụ khiến tôi phải nhắc con trai chia sẻ chi phí ăn uống. 

Khi tôi nói nhẹ nhàng, các con chỉ cười trừ “để lần sau trả”. Nhưng khi tôi nói thẳng hơn, con trai lại phản ứng: “Bố mẹ cũng biết, bọn con vừa phải nuôi con vừa trả nợ nhà, đâu dư dả gì”.

Không chỉ chuyện tiền bạc, con dâu cũng nhiều lần phàn nàn tôi nấu ăn không hợp khẩu vị, mua đồ không đúng ý. Có lần tôi mua nhầm đồ, con dâu tỏ thái độ khó chịu. Cảm giác bị coi thường khiến tôi buồn và hụt hẫng.

Từ đó, giữa tôi với con trai, con dâu xuất hiện những tranh cãi vụn vặt. Mối quan hệ vốn tưởng gần gũi lại ngày càng xa cách.

Cuộc sống nghỉ hưu ở thành phố: Mất tiền, mất tự do, mất cả niềm vui

Ngày còn ở quê, tôi tự do làm điều mình thích. Đi chợ, ra quảng trường, gặp bạn bè đều rất tiện. Ở thành phố, tôi không quen ai, cũng không có bạn trò chuyện. 

Mỗi lần ra ngoài đều cảm thấy lạc lõng. Tôi gần như không còn những chuyến du lịch xa vì tài chính hạn hẹp.

Điều tôi mong đợi nhất khi nghỉ hưu là được sống vui vẻ, an nhàn. Nhưng thực tế, càng gần con, tôi càng mệt mỏi. 

Tôi vừa phải gánh thêm chi phí, vừa mất đi không gian riêng, lại luôn phải gồng mình để không xảy ra mâu thuẫn.

Bài học đắt giá cho tuổi già nghỉ hưu

5 năm sau, tôi mới nhận ra mình hối hận đến mức nào. Nếu ngày đó không bán nhà ở quê, có lẽ vợ chồng tôi vẫn sống thoải mái, tự do, không bị ràng buộc.

Tôi từng nghĩ rằng “gần con mới là hạnh phúc”, nhưng sự thật không phải lúc nào cũng vậy. Khi sống quá gần, khoảng cách riêng tư bị xóa bỏ, dẫn đến xung đột.

Giờ đây, chúng tôi vừa không thể quay về quê vì đã bán nhà, vừa không đủ tiền để mua lại. Tôi hiểu rằng, đôi khi giữ một khoảng cách vừa đủ với con cái mới là cách tốt nhất để tận hưởng tuổi già nghỉ hưu an yên.

Sau khi nghỉ hưu, tôi nhận ra: Giàu hay nghèo thì tuổi già vẫn giống nhau ở một điều4 năm sau nghỉ hưu, tôi mới cay đắng nhận ra: Dù có tiền hay không, dù con cái hiếu thảo hay không, thì khi già đi, ai cũng phải đối mặt với một sự thật giống nhau.
Theo Gia đình và Xã hội